| Hotline: 0983.970.780

Tình người trong mưa lũ ở đảo Cô Tô

Thứ Bảy 01/08/2015 , 15:41 (GMT+7)

"Sự nhiệt tình, thân thiện của những người dân trên đảo, mà đặc biệt là gia đình chủ nhà nghỉ, giúp chúng tôi tìm lại lấy lại niềm tin rằng trên đời còn rất nhiều người tốt"

Vẫn mắc kẹt trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh) sau 7 ngày mưa gió, nhưng với Mai chuyến du lịch đầu đời này thật ý nghĩa bởi lúc khó khăn cô đã nhận được sự giúp đỡ chân tình từ chủ nhà trọ và cư dân trên đảo. 

Mưa to, gió mạnh liên tục chia cắt huyện đảo Cô Tô với đất liền khiến chuyến du lịch "chia tay đời sinh viên" của Mai (23 tuổi) trở thành nỗi ám ảnh. Mai đã rất hoang mang khi nghe tin sẽ bị kẹt lại trên đảo cùng hơn 2.000 du khách khác. Một chút thoáng qua, cô gái quê Nam Định ước giá không đi chuyến này mà lùi lại tuần sau.

"Sau đó nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân đảo Cô Tô, em đã bớt lo sợ. Chủ nhà em ở đã giảm giá phòng nghỉ và mỗi tối lại nấu bữa ăn lớn miễn phí cho tất cả khách trọ. Giữa lúc mưa gió, tâm trạng lo lắng bộn bề lại được ngồi quây quần quanh mâm cơm ấm áp như gia đình, em thấy được an ủi và cảm ơn cô chủ nhiều", Mai chia sẻ.

commienphi-9421-1438358961.jpg
Bà Tâm, chủ nhà trọ trên đảo Cô Tô, nấu cơm miễn phí cho đoàn khách 8 người bị mắc kẹt. Ảnh: Du khách cung cấp. 

Nữ sinh cho biết, nhà chủ chỉ có hai vợ chồng và 2 người con nhỏ, đứa bé mới 4 tuổi. Những ngày bị kẹt ban đầu, đoàn của Mai gồm 4 người và 4 du khách đi chơi về đã thấy chủ nhà chuẩn bị xong cơm canh nóng hổi. Bữa ăn miễn phí vẫn có tôm, cá, cua, ghẹ... đủ đầy. Cặp vợ chồng khoảng 45-50 tuổi luôn miệng nói cười, hỏi thăm công việc, cuộc sống của từng người và kể cho du khách nghe những ngày ở đảo từ thời khó khăn chưa có điện lưới.

Chủ nhà trọ đã giảm giá 30% tiền phòng cho khách trong 3 ngày bị kẹt trước (từ 27 đến 29/7). 2 ngày nay khách không lên được tàu hải quân để về đất liền, chủ nhà lại cho ở miễn phí và nhận thêm 4 khách khác đang trong tình cảnh hết tiền. 

Chia sẻ với VnExpress chiều 31/7, bà Tâm chủ nhà trọ của Mai cười bảo: "Có đáng gì đâu. Tôi không giàu nên chỉ giúp được các cháu đến thế. Mấy đứa ở đây toàn sinh viên, làm gì có tiền. Tôi coi chúng như con, giúp được gì thì cố gắng". Sau vài câu trao đổi ngắn gọn, bà Tâm xin phép gác máy vì đang vội nấu bữa cơm cho khách kịp ăn xong ra cầu cảng xếp hàng chờ tàu về đất liền. 

Cũng đang mắc kẹt trên đảo Cô Tô, Hoàng Thị Tươi (22 tuổi) và du khách Thanh Thư cho biết vẫn được giảm giá phòng nghỉ. Khách sạn của Tươi tiếp tục hỗ trợ đồ cho khách có ý muốn tự túc nấu ăn. Chủ nhà nghỉ của Thư thì đến bữa lại mời mọi người xuống ăn cơm giảm giá đặc biệt và chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị. 

"Mọi người trên đảo thật thà và tốt bụng lắm. Thực phẩm khan hiếm nhưng không có chuyện chặt chém. Hôm qua chúng em đi chợ, không biết ai làm rơi 200.000 đồng mà cô hàng rau đuổi theo hỏi xem có phải của nhóm em. Trong tình cảnh một ngày chỉ có một bữa cơm, sáng - trưa ăn bánh mỳ, mỳ tôm vì tiền hết, những nghĩa cử của dân đảo khiến chúng em rất xúc động", Tươi chia sẻ. 

quydoan.jpg
Tàu hải quân chở du khách từ Cô Tô về gần đất liền. Ảnh: Quý Đoàn.

May mắn hơn các du khách khác, Nguyễn Vân Anh (26 tuổi, Hà Nội) được lên chuyến tàu đầu tiên về đất liền. Trở lại thủ đô sau 5 ngày du lịch bão táp, nhớ lại những kỷ niệm trên đảo, cô mỉm cười hạnh phúc. Điều khiến Vân Anh cảm động nhất là sự nhiệt tình của chủ khách sạn nơi cô và đoàn gồm 14 người ở. Trời Cô Tô những ngày qua hay mưa nhưng cứ khi tạnh ráo, chủ nhà lại báo cho khách ra biển chơi.

"Cô chú ấy còn rủ chúng tôi đi câu rồi tìm cây làm cần, đào giun cho cả nhóm cùng con của mình đi câu nữa", Vân Anh kể và cười vui khi nhớ lại lần bắt được cá, cả nhóm kéo về làm lẩu nhưng bếp của khách sạn bị hỏng, chủ nhà lại bê đồ sang hàng xóm nấu nướng giúp. Con trai chủ nhà lấy xe máy chở mấy bạn của Vân Anh đi lòng vòng khắp thị trấn giữa trời mưa tầm tã để mua đồ mà nói mãi mới cầm 15.000 đồng gọi là "chi phí".

"Khi chúng tôi ra tàu về đất liền, chủ nhà còn đi tiễn và chở giúp đồ ra tận bến cảng. Cô chú tặng chai rượu dứa và kỷ niệm một đống khăn tắm để bọc chiếc loa to đùng đoàn mang theo. Sự nhiệt tình, thân thiện của những người dân trên đảo, mà đặc biệt là gia đình chủ nhà nghỉ, giúp chúng tôi tìm lại lấy lại niềm tin rằng trên đời còn rất nhiều người tốt", Vân Anh chia sẻ.

Du khách này cho biết, trên đường về đất liền, cô cùng mọi người cũng nhận được sự giúp đỡ, động viên từ các chiến sĩ hải quân. Những tràng pháo tay và gói bánh, hộp sữa tỉnh Quảng Ninh gửi đến khách khi vừa xuống tàu đã tiếp thêm sức lực cho Vân Anh sau nhiều giờ lênh đênh trên biển mệt lử vì say sóng.

Cũng như nhiều du khách khác, với cô gái lần đầu tới đảo Cô Tô này, chuyến du lịch bão táp là một kỷ niệm khó quên bởi ở đó ấm áp nghĩa tình. 

Ảnh hưởng của rãnh thấp có trục vắt qua Bắc Bộ, Cô Tô trở thành tâm điểm mưa của tỉnh Quảng Ninh. Mưa to (lượng mưa đo được cả đợt tới 1.000 mm), sóng lớn, gió mạnh khiến biển động, tàu thuyền bị cấm hoạt động từ ngày 25/7. Khoảng 2.000 khách du lịch đã bị mắc kẹt trên đảo.

Chiều 30/7, tàu hải quân đang làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn đã được lệnh vận chuyển du khách từ Cô Tô về Cửa Đối, sau đó có tàu nhỏ chở khách về cảng Cái Rồng (Vân Đồn) rồi từ đây đi ôtô tiếp về bến xe Cẩm Phả. Đến tối 31/7, đã có 3 chuyến tàu quân sự chở được khoảng 1.000 khách. Tỉnh Quảng Ninh miễn phí vận chuyển cho du khách từ Cô Tô về Cẩm Phả.

Trong khi đó theo tính toán sơ bộ, Quảng Ninh thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng trong đợt mưa lũ này, toàn tỉnh có 17 người chết.

 

(vnExpress)

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.