| Hotline: 0983.970.780

Tỉnh tiên phong ban hành năm cao điểm phòng, chống bệnh dại

Thứ Ba 19/03/2024 , 06:02 (GMT+7)

Thanh Hóa là một trong những tỉnh tiên phong trên cả nước ban hành tháng cao điểm phòng, chống bệnh dại.

Tình trạng chó thả rông vẫn còn phổ biến

Dù đã có quy định hết sức chặt chẽ về việc quản lý chó nuôi, thế nhưng tình trạng chó thả rông, không rọ mõm vẫn xuất hiện tại nhiều tuyến phố trên địa bàn TP. Thanh Hóa, đặc biệt là tại một số xã vừa lên phường. Không ít người dân bị chó cắn, ảnh hưởng sức khoẻ nghiêm trọng, thậm chí có trường hợp đã tử vọng vì chó dại cắn. 

Anh N.T, một hộ dân tại phường Quảng Cát (TP. Thanh Hóa) bức xúc: "Đoạn đường vào khu dân cư phố 5, nơi tôi sinh sống có khoảng 5 hộ dân nuôi chó.

Các chủ hộ chủ yếu thả rông chó ngoài đường, thậm chí người đi đường thường xuyên bị chó đuổi theo để cắn. Năm ngoái tôi bị chó cắn vào chân khi đang đi thể dục buổi đêm.

Mặc dù tôi mặc quần dài, nhưng vết cắn vẫn găm sâu vào thịt và để lại sẹo tới bây giờ. Sau khi bị chó cắn, tôi lập tức tới Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để tiêm phòng dại. Sau khi tiêm đủ 5 mũi vacxin theo quy định, tôi mới yên tâm làm việc". 

Từ sự việc xảy ra với bản thân, anh N.T đề xuất, cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh hơn nữa để xử lý nghiêm chủ hộ nuôi chó không có biện pháp nuôi nhốt an toàn, thường xuyên thả chó chạy rông ngoài đường, gây nguy hiểm cho người qua lại.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (áo hồng) và ông Đăng Văn Hiệp, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Thanh Hóa (áo trắng, bên phải) kiểm tra, giám sát việc tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo. Ảnh: QT.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (áo hồng) và ông Đăng Văn Hiệp, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Thanh Hóa (áo trắng, bên phải) kiểm tra, giám sát việc tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo. Ảnh: QT.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, hiện nay toàn tỉnh có hơn 300 nghìn hộ dân nuôi cho với khoảng 385 nghìn con, đứng thứ 3 cả nước. Trong 10 năm qua bệnh dại đã làm chết 31 người, hơn 85 nghìn người phải điều trị dự phòng bệnh dại.

Hàng năm có khoảng 10 nghìn người phải điều trị dự phòng bệnh dại, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế và sức khỏe người dân. Riêng những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 4 ổ bệnh dại, làm chết 2 người và 86 người bị phơi nhiễm.

Trong năm 2023, cơ quan chức năng đã xử lý, xử phạt hành chính được 28 trường hợp vi phạm trong công tác tiêm phòng vacxin dại, bao gồm cả xử phạt hành chính người nuôi chó cố tình không tiêm phòng, chó thả rông, không đeo rọ mõm.

Xác định được tầm quan trọng của nhiệm vụ công tác phòng, chống dịch bệnh dại, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, trong những năm qua Sở NN-PTNT đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dại.

Do vậy, trong những năm qua, công tác tiêm phòng vacxin dại cho đàn chó, mèo đạt kết quả luôn đạt khá cao. Đợt 1 năm 2023, toàn tỉnh tiêm vacxin dại cho chó, mèo được hơn 284 nghìn liều; đợt 2 năm 2023 tiêm vacxin dại cho chó, mèo được hơn 255 nghìn liều. Đáng chú ý, tiến độ tiêm phòng vacxin dại đợt 1 năm 2024 cho chó, mèo được gần 176 nghìn liều, đạt hơn 56% kế hoạch.

Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cho biết: "Để thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh Chi cục đã phân công, chỉ đạo hệ thống thú y huyện, xã phân công cán bộ tăng cường giám sát dịch bệnh trên địa bàn đến tận thôn bản để phát hiện sớm dịch bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, hệ thống thú y từ tỉnh, huyện, xã thường xuyên, định kỳ phối hợp trao đổi tình hình dịch bệnh với hệ thống y tế tỉnh, huyện, xã để nắm bắt thông tin địa bàn, kịp thời và có các biện pháp xử lý kịp thời trước diễn biến khó lường". 

Trong năm 2023 đến nay, đã lấy 62 mẫu chẩn đoán bệnh dại, giám sát bệnh dại (có 2 mẫu trên chó dương tính với bệnh dại); lấy 142 mẫu huyết thanh giám sát sau tiêm phòng vắc xin dại kết quả 113/142 mẫu đạt bảo hộ đạt 79,57%.

Phòng, chống bệnh dại gắn với trách nhiệm của người đứng đầu

Theo Chi Cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, hiện nay công tác phòng chống bệnh dại trên chó còn gặp nhiều khó khăn do công tác thống kê, quản lý đàn chó nuôi trên địa bàn tỉnh theo quy định còn hạn chế.

"UBND cấp xã và các thôn, bản cập nhật chưa kịp thời được tổng đàn chó nuôi trên địa bàn; các xã chỉ giao cho thú y xã, trưởng thôn thống kê đàn chó trước tiêm phòng; việc thống kê không có hỗ trợ kinh phí, không có phương pháp thống kê nên số lượng thống kê được không sát thực tế.

Việc quản lý đàn chó nuôi trên địa bàn xã, thôn cũng không được thường xuyên, cập nhật. Nguyên nhân chính là UBND xã giao cho thú y xã, nhưng thú y xã phụ cấp rất thấp nên chưa nhiệt tình với nhiệm vụ", ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cho biết.

Ngoài ra, công tác tiêm phòng vacxin dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa trong nhiều năm qua luôn đạt kết quả cao, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại như: Còn một số huyện miền núi, một số xã vùng khó khăn tổ chức tiêm phòng vacxin dại chưa triệt để, kết quả còn thấp.

Chủ yếu do tập quán sinh hoạt và địa hình miền núi nên việc bắt giữ chó để tiêm phòng rất khó khăn. Công tác xử lý, xử phạt chó thả rông còn gặp rất khó khăn.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ “Năm cao điểm tiêm phòng vacxin dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn”, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công điện về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các phòng, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dại, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở người và động vật.

Công tác phòng chống bệnh dại trên chó còn gặp nhiều khó khăn do công tác thống kê, quản lý đàn chó nuôi theo quy định còn hạn chế. Ảnh: TQ.

Công tác phòng chống bệnh dại trên chó còn gặp nhiều khó khăn do công tác thống kê, quản lý đàn chó nuôi theo quy định còn hạn chế. Ảnh: TQ.

Công điện nhấn mạnh: "Người đứng đầu UBND các cấp chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn; phân công lực lượng tăng cường giám sát đến tận thôn, bản để phát hiện sớm bệnh dại trên động vật, có biện pháp xử lý, ngăn chặn và khống chế dịch bệnh kịp thời, báo cáo đầy đủ tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch theo quy định".

Tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo; tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vacxin dại.

Điều tra, truy tố, kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng theo quy định.

Chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân, người đứng đầu đơn vị, còn chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dại, nhất là các đơn vị có tỷ lệ tiêm vacxin dại cho tổng đàn chó đạt thấp, ở những nơi xảy ra trường hợp người chết vì bệnh dại do công tác phòng, chống dịch bệnh yếu kém.

Thành lập đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các xã, phường, thị trấn có tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo đạt thấp...

Theo đánh giá của cơ quan chuyện môn, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chưa kiểm soát được bệnh dại là do công tác rà soát, thống kê số lượng chó, mèo tại một số địa phương (chủ yếu là tại các huyện trung du, miền núi) chưa chính xác. Nhận thức của một bộ phận người dân về mức độ nguy hiểm và các quy định về phòng, chống bệnh dại còn hạn chế...

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.