| Hotline: 0983.970.780

Dịch bệnh dại ở Đồng Nai vẫn chưa hạ nhiệt

Thứ Bảy 16/12/2023 , 08:13 (GMT+7)

Năm nay, Đồng Nai ghi nhận thêm nhiều ổ dịch bệnh dại mới, số người bị chó cắn và phơi nhiễm với bệnh dại cũng tăng đột biến, vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tình trạng chó thả rông và không được rọ mõm còn xảy ra khá phổ biến tại hầu hết các địa phương của Đồng Nai. Ảnh: Lê Bình.

Tình trạng chó thả rông và không được rọ mõm còn xảy ra khá phổ biến tại hầu hết các địa phương của Đồng Nai. Ảnh: Lê Bình.

Năm 2023, Đồng Nai liên tiếp ghi nhận các trường hợp chó dại tấn công người và đã có trường hợp tử vong. Đây là điều bất thường vì suốt thời gian dài, từ năm 2014 đến cuối năm 2022, tỉnh này không ghi nhận trường hợp tử vong vì chó dại cắn.

Đến nay, dù Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cùng các địa phương đã đẩy mạnh công tác phòng chống bệnh dại nhưng dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Mới nhất là trường hợp của bé trai T.N.K. (7 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) bị chó dại cắn vào ngày 29/11. Con chó dại được điều tra, xác định là của ông P.N.T. (gần nhà cháu K.). Con chó này được xích lại, có dấu hiệu bỏ ăn và chết vào chiều 30/11. Con chó được xét nghiệm bằng phương pháp PCR, dương tính với virus dại.

Còn bé K. đã được người nhà xử lý bằng nước muối sinh lý và đưa đi tiêm phòng dại vào ngày 1/12. Hiện sức khoẻ bé bình thường.

Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Đồng Nai, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 18 ổ dịch tại 7/11 huyện, thành phố, gồm: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành, Định Quán, tăng 13 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2022. Số ca tử vong do bệnh dại là 2 ca, tăng 2 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chỉ trong tháng 11/2023, toàn tỉnh ghi nhận 4 ổ dịch dại trên chó.

Ngoài ra, trong 9 tháng của năm 2023, tổng số người tiêm vacxin phòng bệnh dại là hơn 20.000 người, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng chó nuôi tại các hộ gia đình của Đồng Nai khá lớn nhưng tỉ lệ tiêm ngừa mới chỉ đạt 20%. Đây chính là nguyên nhân gốc rễ khiến dịch dễ bùng phát, nhất là vào thời điểm cuối năm.

Trước diễn tiến phức tạp và ngày càng có thêm nhiều ổ bệnh dại mới, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành công văn về phòng chống và triển khai các biện pháp để hạn chế bệnh dại. Công văn cũng chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện tiêm phòng bệnh dại tại các xã đã có dịch dại, bao vây các ổ dịch không để lây lan ra các xã khác.

Con chó này bị phát dại sau khi cắn người hồi cuối tháng 11/2023 và tử vong sau đó khoảng 2 tuần. Ảnh: Lê Bình.

Con chó này bị phát dại sau khi cắn người hồi cuối tháng 11/2023 và tử vong sau đó khoảng 2 tuần. Ảnh: Lê Bình.

Nhiều ý kiến cho rằng Đồng Nai đang quá chậm trễ trong công tác bắt chó thả rông. Ngoài công tác tuyên truyền thì công tác này cũng góp phần giảm thiểu phần nào tình trạng chó cắn người, gây tai nạn giao thông.

Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, đơn vị đang xây dựng kế hoạch thành lập đội chuyên trách bắt chó thả rông. Mô hình này có phần khác biệt so với các tỉnh thành khác tại khu vực phía Nam.

Thay vì sẽ hỗ trợ các địa phương thành lập đội bắt chó thả rông thì chính Chi cục sẽ thành lập đội bắt chó chuyên nghiệp và thực hiện nhiệm vụ theo “đơn đặt hàng” của từng địa phương.

Tỉ lệ tiêm ngừa vacxin dại còn thấp được cho là nguyên nhân khiến cho dịch bệnh diễn tiến phức tạp. Ảnh: LB.

Tỉ lệ tiêm ngừa vacxin dại còn thấp được cho là nguyên nhân khiến cho dịch bệnh diễn tiến phức tạp. Ảnh: LB.

“Điều này giúp Chi cục và các địa phương tiết kiệm được thời gian, vật tư, nhân lực và nguồn ngân sách. Đội bắt chó thả rông này sẽ được chia thành nhiều nhóm nhỏ, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tại nhiều địa bàn cùng lúc. Lực lượng bắt chó thả rông này sẽ được đào tạo bài bản, có bảo hộ đầy đủ và sẽ thực hiện nhiệm vụ chuyên trách, tất cả các ngày trong năm. Các địa phương sẽ đăng kí và lên kế hoạch, cùng đội này thực hiện tại các địa bàn”, ông Giang chia sẻ.

Theo quy định, khi nuôi chó, mèo bắt buộc phải đăng ký và tiêm vacxin ngừa bệnh dại. Nếu vật nuôi lây truyền bệnh cho nhau, cho người thì phải bị tiêu hủy và chủ sở hữu vật nuôi có thể bị chế tài theo quy định pháp luật.

Theo bác sĩ Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, người dân cũng không nên chủ quan nếu chẳng may bị chó mèo cắn. Đây cũng là tình trạng chung của 2 ca tử vong sau khi bị chó cắn, không tiêm ngừa vacxin dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

“Đến nay, y học vẫn chưa có thuốc gì có thể cứu sống bệnh nhân khi đã lên cơn dại. Do vậy, khi bị chó, mèo cắn, người dân cần khẩn trương xử trí vết thương và cần đến ngay cơ sở y tế để tiêm vacxin phòng bệnh dại theo đúng hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Một số vết thương bị cắn cần uống kháng sinh theo đơn của bác sĩ để dự phòng nhiễm khuẩn”, bác sĩ Phan Văn Phúc khuyên.

Cũng theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, sau khi bệnh nhân bị chó cắn thì không nên chà sát vết thương, tránh làm vết thương trầm trọng hơn. Không đắp lá cây, dầu hỏa hoặc bất kì chất gì vào vết thương.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.