Nghề nuôi cá lồng bè trên sông đang phát triển mạnh ở tỉnh Vĩnh Long và mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ nuôi. Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long, hiện nay trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 206 hộ nuôi với 1.690 lồng bè, trong đó tập trung nhiều nhất ở ven sông Tiền, sông Cổ Chiên thuộc các xã An Bình, Hòa Ninh, Đồng Phú, huyện Long Hồ.

Hàng trăm lồng bè nuôi cá trên sông Cổ Chiên thuộc xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Lê Hùng.
Ông Tạ Văn Thảo, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản - Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Long cho biết: Các khu vực nuôi cá lồng bè (chủ yếu là cá diêu hồng) ven sông Tiền, sông Cổ Chiên thuộc huyện Long Hồ nằm trong vùng quy hoạch nuôi thủy sản của tỉnh. Để hoạt động nuôi cá lồng bè nơi đây không gây ảnh hưởng đến môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh, hàng năm Chi cục đều phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh đến hộ nuôi.
Cạnh đó, “Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản còn kiểm tra, giám sát, yêu cầu các hộ nuôi cá ký cam kết bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thông qua việc thu gom triệt để chai lọ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; không được xây nhà vệ sinh trên lồng bè; ca giống thải nuôi phải có nguồn gốc, xuất xứ, thức ăn công nghiệp nuôi cá, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học phải được phép lưu hành và còn trong thời hạn sử dụng”- ông Tạ Văn Thảo cho biết thêm.

Các ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long luôn kiển tra, giám sát chặt chẽ công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh tại các lồng bè nuôi cá trên sông. Ảnh: Lê Hùng.
Đã nhiều năm nay, Cù lao An Bình (xã An Bình, huyện Long Hồ) được xem là nơi nuôi cá lồng bè quy mô nhất của tỉnh Vĩnh Long. “ Hiện nay xã có 129 hộ nuôi cá với 1.093 lồng bè chủ yếu là tại khu vực ven sông Cổ Chiên”- ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Long Hồ cho phóng viên biết.
Theo ông Nguyễn Hữu Phước, để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế nông hộ đi đôi với bảo vệ môi trường, hàng tháng xã đều tuyên truyền qua hệ thống loa phóng thanh các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh trong nuôi cá lồng bè; đồng thời yêu cầu các hộ nuôi thu gom chai lọ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã sử dụng mang bỏ vào các thùng chuyên dụng đặt tại các cửa hàng, đại lý bán vật tư nông nghiệp để lưu chứa chờ đơn vị chức năng vận chuyển đi xử lý.

Tại các cửa hàng, đại lý bán vật tư nông nghiệp ở xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long luôn trang bị các thùng chuyên dụng để lưu chứa bao gói, chai lọ thuộc bảo vệ thực vật sau khi người dân sử dụng trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Lê Hùng.
Không chỉ thế, hàng năm xã An Bình còn tổ chức chương trình đổi rác thải nhựa, bao gói, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi lấy nhu yếu phẩm. Trao đổi với Phóng viên, nhiều người dân ở xã An Bình rất phấn khởi khi tham gia chương trình đổi rác thải lấy quà tặng, vì thông qua chương trình này không chỉ giúp họ nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen trong việc thu gom chai lọ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường, mà còn được tặng miễn phí nhu yếu phẩm phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày như nước mắn, bột ngọt, nước tương.
Tỉnh Vĩnh Long đang đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên sông Tiền, sông Cổ Chiên kết hợp với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép này, hiện nay các ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng môi trường nước mặt cũng như an toàn vệ sinh tại khu vực nuôi cá lồng bè trên sông.