| Hotline: 0983.970.780

Nước sinh hoạt ở thành phố Sóc Trăng ‘đen như cà phê’, do đâu?

Thứ Ba 01/04/2025 , 10:21 (GMT+7)

Sóc Trăng Nhiều khu vực ở TP Sóc Trăng, người dân phát hiện nước sinh hoạt có màu đen bất thường, lẫn cặn. Nhiều giải pháp được triển khai, nhưng liệu có thể giải quyết triệt để?

Xả bỏ hàng trăm lít nước để có nước sạch

Từ đầu năm 2025 đến nay, nhiều cư dân ở nội ô TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) bất ngờ phát hiện nước sinh hoạt có màu đen bất thường. Tình trạng này không chỉ xuất hiện cục bộ mà kéo dài ở nhiều khu vực trong thành phố, khiến người dân lo lắng, tìm cách xoay sở để có nước sạch sử dụng.

Bà N.T.L (63 tuổi) ở phường 3, TP Sóc Trăng cho biết, tình trạng nước đen đã diễn ra suốt nhiều tháng qua. Bà L nói: “Tôi xả nước sử dụng khoảng một tuần đến nửa tháng lại bị đen. Giờ gia đình tôi chỉ dám dùng nước suối để ăn uống”.

Hộ dân ở phường 3, TP Sóc Trăng phản ánh tình trạng nước sinh hoạt bị đen, lẫn tạp chất cách đây khoảng nửa tháng và hiện tại dù đã cải thiện nhưng nước vẫn còn đen ngà ngà. Ảnh: Kim Anh.

Hộ dân ở phường 3, TP Sóc Trăng phản ánh tình trạng nước sinh hoạt bị đen, lẫn tạp chất cách đây khoảng nửa tháng và hiện tại dù đã cải thiện nhưng nước vẫn còn đen ngà ngà. Ảnh: Kim Anh.

Tương tự, một hộ dân khác ở khu dân cư 586 (phường 2, TP Sóc Trăng) chia sẻ: “Nước đôi khi có cặn rất nhiều. Mỗi lần cúp nước rồi có lại thì nước lại càng dơ hơn”.

Để giảm tình trạng này, nhiều người dân buộc phải xả nước liên tục để bỏ, gây lãng phí và tốn kém. Bà L.T.H (76 tuổi) ngụ khu dân cư 586, phường 2 than thở: “Mỗi lần sử dụng nước, phải xả bỏ gần 20 phút nước mới trong trở lại, có khi cả tiếng. Ở nhà nấu ăn phải sử dụng nước mưa hoặc mua nước lọc, một lần 10 thùng để xài. Nước từ đường ống chỉ sử dụng để dội rửa, tắm giặt”.

Không chỉ các hộ gia đình, những người thuê trọ cũng khốn khổ vì nước sinh hoạt bị đen. Một hộ dân thuê trọ ở đường Lê Hồng Phong cho biết: “Khoảng 10 ngày nay, nước đen thùi lùi, có lúc đen như cà phê. Cả dãy nhà trọ hơn 40 phòng ai cũng bị. Mọi người phải dùng vải lọc nước để tắm giặt, còn ăn uống thì phải mua nước bình”.

Theo phản ánh của người dân, tình trạng nước sinh hoạt bị đen, nhiễm phèn, lẫn cặn đã xuất hiện từ trước nhưng chưa bao giờ nghiêm trọng như vài tháng trở lại đây. Hiện nay, hiện tượng nước đen tuy đã được cải thiện, nhưng thỉnh thoảng bà con vẫn phát hiện nước có màu nâu ngà ngà, nhất là vào sáng sớm.

Người dân ở phường 3, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) phản ánh vị trí đường ống phát hiện nước sinh hoạt 'đen như cà phê'. Ảnh: Kim Anh.

Người dân ở phường 3, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) phản ánh vị trí đường ống phát hiện nước sinh hoạt "đen như cà phê". Ảnh: Kim Anh.

Được biết, nguồn nước sinh hoạt cấp cho các khu vực trên do Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng phụ trách. Đơn vị này đang quản lý và khai thác hệ thống cấp nước đô thị gồm 23 nhà máy/trạm khai thác xử lý nước. Trong đó, TP Sóc Trăng có 2 Xí nghiệp cấp nước là: Xí nghiệp Cấp nước Nguyễn Chí Thanh và Xí nghiệp Cấp nước Phú Lợi. Hai đơn vị này đang quản lý 6 nhà máy/trạm cấp nước, tổng công suất thiết kế là 19.400m3/ngày đêm (khai thác nguồn nước ngầm).

Riêng Xí nghiệp Cấp nước Phú Lợi đang cung cấp nước cho phường 2, phường 3, phường 10 và một phần phường 7 của TP Sóc Trăng. Tuy nhiên, hệ thống đường ống của xí nghiệp này sau nhiều năm hoạt động đã xuống cấp, một số thiết bị hư hỏng cần sửa chữa hoặc thay mới.

Hệ thống cấp nước không đảm bảo do đâu?

Trao đổi với Báo Nông nghiệp và Môi trường, ông Đặng Văn Ngọ - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng lý giải, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm và nước mặt.

Theo ông Ngọ, trước đây, khi khai thác nước ngầm ở độ sâu 20m, một giếng có thể khai thác được 50m3/giờ. Nhưng hiện nay, biến đổi khí hậu làm cho mực nước trong giếng hạ độ sâu. Ở chiều sâu tối đa 35m, công ty chỉ còn khai thác được 30-35m3/giờ, tức giảm khoảng 30%, khiến việc cấp nước của bản thân các nhà máy sụt giảm.

Hệ thống cấp nước do Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng quản lý và khai thác đang được nâng cấp. Ảnh: Kim Anh.

Hệ thống cấp nước do Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng quản lý và khai thác đang được nâng cấp. Ảnh: Kim Anh.

Không chỉ suy giảm trữ lượng nước ngầm, TP Sóc Trăng còn đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn. Ông Ngọ cho biết thêm, tại các giếng ở độ sâu 500m cũng bị xâm nhập mặn theo nhiều hướng. Ví dụ 10 giếng thì có khoảng 50-60% số giếng bị nhiễm mặn ở cả tầng sâu và tầng nông.

“Trước đây hàm lượng sắt trong nước ít, chỉ vài mg/l, bây giờ có những giếng lên đến vài chục mg/l. Việc xử lý nước ở những giếng này rất khó và cần công nghệ đầu tư theo”, ông Ngọ chia sẻ.

Trước thực trạng này, để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho người dân, đơn vị đã thực hiện nâng công suất khai thác. Điều này tạo áp lực mạnh lên đường ống, dẫn đến sự cố bể, vỡ tuyến ống lớn do đơn vị quản lý, làm lượng cặn bám trên thành ống vỡ ra. Mặc dù, đơn vị đã định kỳ thực hiện xúc rửa 3 lần/tháng nhưng vẫn xảy ra tình trạng vàng, đục. Thời gian tới, khi lưu lượng nước ổn định, công tác xúc rửa đường ống sẽ dễ dàng hơn.

Về lâu dài, để giải quyết khó khăn về nguồn nước, Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng đang triển khai đầu tư, cải tạo, sửa chữa công nghệ nhà máy sản xuất nước và đề xuất UBND tỉnh Sóc Trăng nâng công suất các nhà máy hiện hữu.

Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng đang tăng cường công tác kiểm tra ngăn ngừa, khắc phục các sự cố đường ống, tăng cường tuyên truyền đến người dân và khuyến khích khách hàng sử dụng nước hiệu quả, an toàn, tiết kiệm. Ảnh: Kim Anh.

Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng đang tăng cường công tác kiểm tra ngăn ngừa, khắc phục các sự cố đường ống, tăng cường tuyên truyền đến người dân và khuyến khích khách hàng sử dụng nước hiệu quả, an toàn, tiết kiệm. Ảnh: Kim Anh.

Cụ thể, nâng công suất khai thác tại Xí nghiệp Cấp nước Nguyễn Chí Thanh từ 16.400m3/ngày đêm lên 25.000m3/ngày đêm (cả nước ngầm và nước mặt); nâng công suất khai thác tại Nhà máy nước Khu Công nghiệp An Nghiệp từ 14.600m3/ngày đêm lên 25.000m3/ngày đêm (cả nước ngầm và nước mặt) và xây dựng mới Trạm Cấp nước Phường 5 (TP Sóc Trăng) với công suất 2.900m3/ngày đêm.

UBND tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản chấp thuận đề xuất nâng công suất xí nghiệp và nhà máy cấp nước. Riêng Dự án Trạm Cấp nước Phường 5 đang chờ bổ sung điều chỉnh quy hoạch.

Công ty này cũng thực hiện lộ trình chuyển đổi dần từ khai thác nước ngầm sang nước mặt ở những khu vực có điều kiện phù hợp. Tuy nhiên, theo ông Ngọ, việc đầu tư hệ thống khử mặn chỉ có thể thực hiện ở mức độ vừa phải, nếu mở rộng sẽ tốn kém và hiệu quả không cao, do giá nước vẫn chịu sự quản lý của nhà nước.

Xem thêm
4 'nhất' khi đặt mua các dòng xe VinFast Green trong 8 ngày vàng

Ngoài chi phí ban đầu, một trong những yếu tố khiến VinFast Green được săn đón ngay trong những ngày đầu mở cọc là khả năng 'kiếm ra tiền' vô cùng hiệu quả...

Cá chết bất thường gây ô nhiễm hàng chục km

Thái Bình Gần chục ngày qua, cá chết nổi hàng chục km trên sông Kiến Giang chảy qua các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải… gây ra mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Sơn La: Quy định mới về thời gian hoạt động xe vệ sinh môi trường

Sơn La Từ ngày 4/4/2025, tỉnh Sơn La quy định 2 khung giờ không được hoạt động trong đô thị với xe vệ sinh môi trường, xe chở phế thải rời.

Xâm nhập mặn 'đe dọa' xóa sổ vùng lúa - rươi của Hải Phòng

HẢI PHÒNG Hàng nghìn hecta đầm ngoài đê được người dân canh tác theo mô hình kết hợp lúa - rươi tại Hải Phòng đang bị đe dọa bởi xâm nhập mặn ngày càng tăng.

Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất nguyên tắc xử lý chất thải phóng xạ

Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất nguyên tắc xử lý chất thải phóng xạ an toàn cho con người, tránh gây nguy hại cho tương lai và phù hợp quy chuẩn quốc tế.

Bình luận mới nhất