Việc Nhật Bản vừa cho phép một số loại trái cây Việt Nam, nhất là xoài, được nhập khẩu vào nước này là một thông tin rất đáng mừng. Điều đó cho thấy Nhà nước ta đang có nhiều nỗ lực đàm phán với các nước để mở thêm nhiều thị trường cho trái cây Việt Nam.
Tuy nhiên, dù thị trường Nhật Bản đã mở, nhưng xuất khẩu trái cây sang nước này trong thời gian tới chưa chắc đã như mong muốn của chúng ta, nếu DN và nhà vườn không cố gắng ở mức cao nhất.
Nhìn sang trái thanh long sẽ thấy rõ điều này. Thanh long đã được phép xuất khẩu vào Nhật Bản, nhưng lượng xuất khẩu thanh long hàng năm sang nước này không được bao nhiêu.
Từ lâu, Đài Loan cũng đã cho phép thanh long Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này, nhưng lượng thanh long đưa sang đó còn khá ít. Ở một số thị trường khó tính khác cũng vậy. Do đó, đến bây giờ, thanh long vẫn còn phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc.
Những thực tế nói trên là do chính những trở ngại trong sản xuất trái cây ở nước ta hiện nay. Việt Nam có nhiều loại trái cây ngon có thể xuất khẩu như xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu, bưởi da xanh, sầu riêng Ri-6, sầu riêng Chín Hóa, vú sữa Lò Rèn, sapo, lồng mứt, đu đủ...
Nhưng do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, quy trình sản xuất không đồng nhất, những mô hình sản xuất theo VietGAP còn quá nhỏ (chỉ vài chục ha/mô hình), lại chưa có thương hiệu, vì thế, xuất khẩu trái cây còn bấp bênh lắm.
Nguyên việc độ ngọt của trái không đồng đều, trong cùng một lô hàng mà trái ngọt, trái không ngọt, trái ngọt nhiều, trái ngọt ít là đã khó thuyết phục được khách hàng.
Vì thế, để có thể tiến hành xuất khẩu trái cây một cách bền vững, ổn định và hiệu quả vào những thị trường khó tính, cần phải tổ chức lại sản xuất trong ngành hàng trái cây.
Theo đó, nông dân cần được liên kết lại để sản xuất theo quy trình thống nhất, an toàn. Đồng thời nông dân phải liên kết với doanh nghiệp để tổ chức đóng gói trái cây sao cho đẹp, có dán nhãn nơi sản xuất, qua đó từ từ xây dựng thương hiệu.
Những mô hình sản xuất trái cây theo VietGAP cũng cần được nhân rộng... Có như vậy, xuất khẩu trái cây mới tăng lên một cách bền vững được.
Để nông dân liên kết được với nhau, nông dân liên kết với doanh nghiệp, Nhà nước cần làm tốt trách nhiệm của mình.
Cụ thể, Nhà nước cần làm tốt vai trò xây dựng HTX kiểu mới, hỗ trợ vật chất, tinh thần cho HTX kiểu mới. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, Đài Loan..., nhà xưởng đóng gói đều được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng.
Còn ở nước ta, HTX muốn xây dựng nhà đóng gói trái cây phải tự lo kinh phí, nên rất khó có thể làm được. Nhà nước phải kết nối doanh nghiệp với HTX, giúp doanh nghiệp và HTX gặp nhau, cùng bắt tay xây dựng vùng nguyên liệu lớn.
Khi ấy, sản phẩm trái cây mới có sự đồng đều về hình thức, chất lượng, đảm bảo ATTP, được dán nhãn, đóng gói đẹp... Từ đó trái cây Việt Nam mới dần xây dựng được thương hiệu.
Hiện nay, các nước như Nhật Bản, Đài Loan đã làm rất tốt việc liên kết sản xuất, tiêu thụ trong ngành hàng trái cây, mà những HTX do chính nông dân thành lập đóng vai trò rất quan trọng. Ngành trái cây Việt Nam nếu tổ chức được như Nhật Bản hay Đài Loan thì sẽ phát triển rất tốt.
Các doanh nghiệp trong ngành trái cây cũng cần phải chủ động liên kết với nhà vườn ngay từ khâu sản xuất, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất của nông dân, thì mới có sản phẩm chất lượng ổn định, đạt tiêu chuẩn ATTP, đủ tiêu chuẩn để dán thương hiệu của doanh nghiệp lên sản phẩm.
Xây dựng thương hiệu thành công, sớm thì cũng phải 10-15 năm, do đó cần được làm ngay từ bây giờ. Nhưng khi đã có quy trình sản xuất thống nhất, sản phẩm ATTP, có thương hiệu thì xuất khẩu trái cây mới bền vững được.
Bằng không, nếu cứ đi thu mua về đóng gói, dán nhãn, sớm muộn gì doanh nghiệp cũng sẽ bị mất khách hàng, như đã từng xảy ra với một số Cty xuất khẩu trái cây trong thời gian qua.
PGS.TS NGUYỄN MINH CHÂU