Hiệu quả của tổ cộng đồng
Trước đây, ở Cù Lao Xanh (tên hành chính là xã Nhơn Châu) thuộc thành phố Quy Nhơn (Bình Định) có 51 hộ nuôi tôm hùm, cá chim trắng, cá gáy, cá mú, cá cam. Năm 2010, sau khi được đi tham quan các mô hình nuôi mực lá ở các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn), 1 vài hộ dân ở Nhơn Châu bắt đầu nuôi mực. Từ 1 vài hộ nuôi ban đầu, hiện nay ở xã đảo Nhơn Châu đã có 18 hộ nuôi mực lá với 31 bè trên vùng biển trước đảo.
Ở xã đào Nhơn Châu có Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản với 50 thành viên. Hoạt động của tổ cộng đồng chủ yếu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quanh đảo, bảo vệ san hô và bảo vệ luôn vùng nước nuôi biển của người dân địa phương.
Theo anh Nguyễn Hạ Lào, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Châu, Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở xã này thường xuyên phối hợp với ngành chức năng đi tuần tra, kiểm tra vùng biển quanh đảo, nhằm ngăn chặn tàu thuyền đi vào đánh bắt trong vùng biển có diện tích hơn 20 ha. Vùng biển này đã được UBND thành phố Quy Nhơn giao quyền quản lý cho tổ cộng đồng xã, nhất là hơn 2 ha mặt biển có rạn san hô.
Riêng đối với diện tích hơn 2 ha ở bãi trước có rạn san hô được tổ cộng đồng bảo vệ nghiêm ngặt hơn, trong vùng biển này còn được cắm cả biển cấm không cho tàu thuyền lai vãng. Ngoài nhiệm vụ ngăn chặn tàu thuyền đánh bắt trong vùng biển đã được giao bảo vệ, tổ cộng đồng còn ngăn chặn những hoạt động lặn bắt hải sản, đặc biệt là khai thác san hô và bảo vệ môi trường vùng biển người dân đang nuôi mực, cá.
Cũng theo anh Nguyễn Hạ Lào, hoạt động của Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Châu ngoài bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, còn góp phần gìn giữ môi trường của vùng biển người dân đất đảo nuôi biển. Tàu thuyền không vào hoạt động trong vùng biển này, đồng nghĩa không có rác thải trên các tàu thuyền xả xuống biển, đặc biệt là không làm hư hại lồng bè nuôi biển của bà con.
“Hằng ngày, ngoài hướng dẫn khách du lịch lặn biển không xâm phạm san hô, tổ cộng đồng còn nhắc nhở khách du lịch không xả rác xuống biển gây ô nhiễm nguồn nước. Nhờ đó nguồn nước trong vùng biển bãi trước, nơi người dân nuôi biển được bảo vệ rất tốt”, anh Nguyễn Hạ Lào cho hay.
Cũng theo anh Lào, hiện tượng xả rác sinh hoạt xuống biển của người dân Nhơn Châu không còn như trước đây, vì ý thức bảo vệ môi trường biển của người dân ngày càng được nâng cao. Rác thải sinh hoạt được người dân tập trung, hằng ngày có xe của đội thu gom rác đi dọn dẹp.
Không để thức ăn thừa làm ô nhiễm
Môi trường vùng nước nuôi còn được người nuôi mực tự bảo vệ rất nghiêm ngặt. Thức ăn của mực lá là mồi tươi, gồm các loại cá biển. Hiện ở Nhơn Châu có 31 bè nuôi mực lá, bình quân mỗi bè có 2 ô lưới nuôi mực, mỗi ô lưới nuôi khoảng 150 con. Cứ 10 ô lưới nuôi 1.500 con mực, mỗi ngày sẽ ăn khoảng 30kg mồi.
Theo ông Trần Văn Cho, 1 trong những người tiên phong nuôi mực lá ở xã đảo Nhơn Châu, hộ nuôi mực nào nhà có người đi đánh bắt hải sản gần bờ thì khỏi phải mua mồi, khi nào đánh bắt không đủ cho mực ăn mới vào Quy Nhơn mua cá vụn với giá 20.000đ-25.000đ/kg về. Mỗi ngày mực ăn 2 lần, sáng và chiều.
Mỗi sáng sớm, người nuôi ngồi trong bờ cắt cá thành miếng nhỏ, bỏ vào xô nhựa mang ra bè cho mực ăn, sau đó người nuôi mang chiếc xô vào bờ. Trong khi trước đây người nuôi có thói quen bỏ mồi vào bì nhựa, mang ra bè cho mực ăn xong vứt bì nhựa xuống biển, lâu dần, những chiếc bì nhựa đựng thức ăn cho mực nói trên sẽ làm ô nhiễm vùng biển. Thói quen này được thay đổi đã góp phần bảo vệ môi trường vùng nước nuôi mực ở xã Nhơn Châu.
Còn theo ông Nguyễn Văn Trợ (63 tuổi) ở thôn Tây, nuôi mực cực khổ nhất là cho mực ăn, mỗi lần phải mất đến vài tiếng đồng hồ. Lúc mới nuôi mực, do chưa có kinh nghiệm, ông Trợ cho cả vài chục ký cá vụn làm thức ăn cho mực xuống 1 lần, mực chưa kịp ăn thì cá đã chìm hết xuống đáy ô lưới. Khi cá đã chìm xuống đáy ô lưới rồi thì dù mồi có ngon mấy mực cũng không ăn.
Mực chỉ ăn mồi nổi, nên thức ăn phải thả từ từ để con mực nào cũng được ăn no như nhau. Nếu cho ăn không kỹ, con no con đói, những con mực đói sẽ ăn những con mực nhỏ hơn trong ô nuôi. Cho mực ăn xong, nếu dưới đáy ô lưới còn đọng thức ăn thừa, chủ nuôi phải dùng vợt lưới vợt hết lên để không gây ô nhiễm nguồn nước.
“Mỗi khi cho mực ăn, lũ cá giò trong tự nhiên tập trung bên ngoài những ô lưới nuôi mực để chực ăn thức ăn thừa của mực chìm xuống đáy ô lưới. Mặc dù ngăn cách bởi màng lưới dày, nhưng không biết bằng cách nào mà cá giò rỉa sạch những con cá. Vô hình trung cá giò góp phần làm sạch môi trường vùng nước nuôi mực”, ông Trần Văn Cho, người đang nuôi mỗi lứa 1.500 con mực ở Nhơn Châu chia sẻ.