| Hotline: 0983.970.780

Làm nông ở đảo tiền tiêu

Thứ Bảy 30/04/2022 , 15:40 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Nghe nói ở đảo Cù Lao Xanh ngư dân nuôi thành công mực lá, cái nghề chưa ở đâu làm được, tôi lập tức lên đò khách làm một chuyến ra đảo để tìm hiểu.

LTS: Ngày nay, những đảo tiền tiêu giữa biển khơi trải dài từ Bắc vào Nam của nước ta không những đã từng bước chủ động được nguồn cung lương thực, thực phẩm tại chỗ, mà nhiều sản phẩm nông, thủy sản còn phát triển sản xuất hàng hóa, cho giá trị kinh tế và thu nhập rất cao cho bà con.

Nghề "độc nhất vô nhị" ở Cù Lao Xanh

Sau 2 tiếng đồng hồ dập dềnh trên sóng biển, chiếc đò khách đưa tôi ra đảo Cù Lao Xanh, một tên gọi khác của xã đảo Nhơn Châu (Thành phố Quy Nhơn, Bình Định). Trong cái nắng những ngày cuối tháng 4, Cù Lao Xanh hiện ra trước mắt tôi một diện mạo rất mới. Không còn một Cù Lao Xanh hoang sơ với những căn nhà tềnh toàng thuở nào, thay vào đó là những khách sạn, những căn nhà cao tầng lộng lẫy nằm quay mặt ra biển trông rất bề thế.

Đảo Cù Lao Xanh (tức xã đảo Nhơn Châu, Thành phố Quy Nhơn, Bình Định) nhìn từ trên cao. Ảnh: V.Đ.T.

Đảo Cù Lao Xanh (tức xã đảo Nhơn Châu, Thành phố Quy Nhơn, Bình Định) nhìn từ trên cao. Ảnh: V.Đ.T.

Đi theo diện mạo mới của Cù Lao Xanh là đời sống của người dân ở đây đã khởi sắc hơn. Bên cạnh phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản ở Cù Lao Xanh cũng nổi lên là một nghề mới, đặc biệt là nghề nuôi mực lá, một nghề có lẽ là "độc nhất vô nhị" trong nuôi trồng thủy sản hiện nay ở nước ta và đang mang lại cho ngư dân ở đây nguồn thu nhập rất ổn định

Qua chia sẻ của ông Hồ Nhật Lệ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, tôi được biết người tiên phong trong nghề nuôi mực lá ở xã đảo này là ông Nguyễn Văn Trợ (60 tuổi) ở thôn Tây. Ông Trợ là cán bộ Thương binh - Xã hội xã Nhơn Châu. Năm 2009, ông được lãnh đạo xã Nhơn Châu cử qua xã Nhơn Lý (Thành phố Quy Nhơn) tham quan mô hình nuôi mực lá, mô hình nuôi mực đầu tiên ở tỉnh Bình Định để về triển khai nuôi thử nghiệm tại địa phương.

Ban đầu, ông Trợ bắt mực con bám vào những dây neo bám đầy rêu xanh về nuôi thử nghiệm. Khởi điểm, ông chỉ nuôi khoảng 20 con to bằng đầu ngón tay út trong ô lưới. Khi mực con mới bắt về, do thay đổi môi trường sống nên chúng chẳng chịu ăn uống gì. Nghĩ là lũ mực không chịu được cảnh sống bó buộc trong bọc lưới, thế nhưng 2 - 3 ngày sau, có vài con đã chịu đớp mồi, sau 10 ngày cả mấy chục con ăn mồi rào rào và bắt đầu phát triển trông thấy.

Dù là nghề mới, độc đáo và cho thu nhập rất tốt, nhưng đầu tư cho những chiếc bè nuôi mực ở Cù Lao Xanh vẫn còn thô sơ, cần có thêm những nghiên cứu, đầu tư. Ảnh: V.Đ.T.

Dù là nghề mới, độc đáo và cho thu nhập rất tốt, nhưng đầu tư cho những chiếc bè nuôi mực ở Cù Lao Xanh vẫn còn thô sơ, cần có thêm những nghiên cứu, đầu tư. Ảnh: V.Đ.T.

Lòng thắp lên hi vọng, ông Trợ đầu tư gần 10 triệu đồng để làm 3 ô bè có kích cỡ 3m x 3m. Sau đó, ông lên núi chặt những cây chà là về bó thành từng bó to bằng thân người lớn, rồi dùng hòn đá buộc bên dưới để bó chà là chìm dưới biển, bên trên bó chà là được cột một cái phao bằng xốp để đánh dấu nơi đặt “bẫy chà”.

Ông Trợ đặt khoảng 20 - 30 cái bẫy chà như thế cách bờ khoảng 200 - 300m để đánh mực giống. Thuộc tính của mực giống là sống dưới bóng mát, cành cây chà là tua tủa tỏa bóng dụ mực giống tập trung về. Mỗi ngày 2 lần, sáng khoảng 9 - 10 giờ, chiều khoảng 1 - 2 giờ, ông Trợ dùng lưới có mắt nhỏ lặn xuống bủa quanh bẫy chà để bắt mực giống về thả nuôi theo kiểu cuốn chiếu.

Theo ông Trợ, mực thả nuôi trong ô lồng phải cùng kích cỡ, nếu thả con to, con nhỏ, con to sẽ tấn công những con nhỏ gây thất thoát mực giống. Ban đầu, mô hình nuôi mực của ông Trợ không thành công. Do chưa có kinh nghiệm, nên ông không làm vệ sinh mặt lưới và làm ô lồng chưa đủ rộng để thông thoáng, đáy nuôi bị cạn nên khi nuôi số lượng nhiều mực èo uột không phát triển.

Nghề nuôi mực biển hiện là nghề gần như rất hiếm ở nước ta. Ảnh: V.Đ.T.

Nghề nuôi mực biển hiện là nghề gần như rất hiếm ở nước ta. Ảnh: V.Đ.T.

“Ban đầu, khi cho ăn tôi cứ thả mồi một lượt xuống, mực chưa kịp ăn thì mồi đã chìm hết xuống đáy ô lưới. Nhưng mực thì chỉ ăn mồi nổi, nên lũ mực có con ăn được mồi, có con không. Con mực nào không ăn được, bị đói, cứ đuổi theo những con ăn no mà cắn nên ngày nào thăm lồng cũng thấy có con bị sứt đuôi lở đầu, mực không phát triển.

Rút kinh nghiệm, sau này, khi chuyển giao kỹ thuật cho bà con trong xã, tôi hướng dẫn họ làm ô lồng rộng hơn và thường xuyên làm vệ sinh mặt lưới. Đồng thời, khi cho ăn chỉ thả vài ba con mồi đều khắp ô nuôi để con mực nào cũng được ăn no, mà không còn thức ăn thừa chìm xuống đáy làm ô nhiễm nguồn nước gây bệnh cho mực. Đến khi ấy, nghề nuôi mực ở Nhơn Châu mới thành công và ngày càng có nhiều ngư dân tham gia”, ông Trợ chia sẻ.

Nghề lợi nhuận ăn đủ

Theo ông Nguyễn Hạ Lào, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Châu, hiện trên địa bàn đảo Cù Lao Xanh ngoài 51 hộ nuôi tôm hùm, cá chim trắng, cá gáy, cá mú, cá cam, còn có 14 hộ nuôi mực lá với 40 lồng nuôi, mỗi lồng nuôi khoảng 100 - 200 con tùy lồng to, lồng nhỏ.

Hàng năm, qua Tết Nguyên đán là đến mùa đánh bắt mực giống, cũng là lúc ngư dân vào mùa nuôi mực thương phẩm. Người nào đánh bắt trúng mực giống đực vụ nuôi sẽ rất đạt, bởi mực đực nhanh lớn, tăng trọng nhanh, chỉ nuôi khoảng 2 tháng là mực đạt 5 - 6 lạng/con, có thể xuất bán.

Anh Nguyễn Ngọc Định lấy từng con cá cho mực ăn. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Nguyễn Ngọc Định lấy từng con cá cho mực ăn. Ảnh: V.Đ.T.

Nếu đánh bắt trúng mực cái thì vụ nuôi phải kéo dài 2 tháng rưỡi, mà sức tăng trọng không đạt bằng mực đực. Năm trúng mùa, mỗi ngày, với 20 - 30 bó bẫy chà, mỗi chủ nuôi có thể đánh bắt được 100 - 200 con mực giống. Mực giống đánh bắt được thả đầy ô này đến ô lưới kia để có thu hoạch quanh năm. Những vụ nuôi kéo dài đến tháng 8 âm lịch là thu hoạch sạch để tránh mùa mưa bão.

“Bè nuôi mực nằm trên mặt nước, nếu đến mùa mưa bão không thu dọn đưa lên bờ sẽ bị sóng bẻ gãy hết. Qua mùa mưa bão, những chiếc bè nuôi mực được sửa sang rồi đưa lại xuống biển để qua Tết Nguyên đán, khi vào vụ đánh bắt mực giống là các chủ nuôi lại tiếp tục vụ nuôi mới”, ông Nguyễn Hạ Lào cho hay.

Hôm tôi ra Cù Lao Xanh, vụ nuôi mực đầu năm 2022 của ngư dân ở đây đã được hơn 2 tháng, mực đã lớn, chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là xuất bán. Muốn nhìn những chú mực tung tăng trong lồng nuôi, tôi phải xuống thuyền thúng để anh Đặng Ngọc Định (46 tuổi), một chủ lồng nuôi mực ở thôn Trung đưa ra bè nuôi.

Lũ mực tranh nhau đớp mồi. Ảnh: V.Đ.T.

Lũ mực tranh nhau đớp mồi. Ảnh: V.Đ.T.

Để lấy được hình ảnh những chú mực tranh nhau đớp mồi, tôi phải lên bè. Thế nhưng lối đi lại trên bè nuôi mực được làm bằng những thanh tre. Bè nuôi lại nằm trên sóng biển chòng chành nên tôi không thể đi, mà phải… bò mới di chuyển được. Sau một hồi bò trên những thanh tre, tôi cũng đến được vị trí cần đến. Ngồi nhìn anh Định ném từng con cá xuống bọc nuôi, nhìn lũ mực xòe đuôi lao lên gần mớp nước tranh nhau đớp mồi trông rất đã mắt.

Từ sau khi rút kinh nghiệm thả mồi một lượt nuôi mực không đạt, bây giờ mỗi lần cho mực ăn trong 3 lồng nuôi, anh Định phải mất cả tiếng đồng hồ, nhưng lại thích, bởi nhìn mực tranh mồi mình thấy được ngày lượm tiền vào túi. Sau những lúc chăm mực, tôi đi đánh cá ven bờ để làm mồi nuôi nên không tốn tiền mua thức ăn cho mực.

"Mực giống thì tôi đặt 30 cây chà lấy giống nuôi nên cũng không tốn tiền. Tôi chỉ tốn mấy chục triệu đồng ban đầu để đầu tư làm bè nuôi, lấy công làm lời, nên khi bán mực là lấy tiền trọn gói. Mực lá hiện nay có giá 350.000 đ/kg, dù chết dù sống cũng bán một giá chứ không phải như tôm hùm. Ví như tôm hùm bông sống bán được 2 triệu đồng/kg nhưng khi chết chỉ bán được 300.000 - 400.000 đ/kg, nhưng mực chết hay sống gì cũng bán cùng giá nên người nuôi rất yên tâm”, anh Định chia sẻ.

Anh Nguyễn Ngọc Định phấn khởi vì sắp xuất bán được lứa mực nuôi đầu năm 2022 với giá cao đến 350.000 đ/kg. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Nguyễn Ngọc Định phấn khởi vì sắp xuất bán được lứa mực nuôi đầu năm 2022 với giá cao đến 350.000 đ/kg. Ảnh: V.Đ.T.

Không chỉ được ăn mạnh trên thị trường, mực nuôi ở Cù Lao Xanh còn được tiêu thụ qua kênh du lịch. Khách du lịch về Cù Lao Xanh muốn trải nghiệm nghề câu mực thì lập tức được các chủ nuôi đưa ra bè câu mực. Câu được con mực lên đã sướng tay, nên khách du lịc ai cũng muốn ăn luôn con mực mình tự câu, nên khi trả tiền, khách du lịch không hề kỳ kèo giá cả, có thể trả 500.000 - 600.000 đ/kg, rất mát tay. Nhờ thế, hiệu quả nghề nuôi mực ở Cù Lao Xanh càng tăng cao.

“Nhờ anh Đặng Ngọc Định nuôi mực thành công, nên mỗi năm mức lãi được chia đều cho mỗi thành viên trong gia đình đạt 70 - 80 triệu đồng. Nếu tính tổng thu nhập từ nhiều nghề, mỗi thành viên trong gia đình anh Định đạt đến 150 triệu đồng/người/năm, nên anh Định 3 năm liền từ năm 2018 đến năm 2021 đều đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp Thành phố. Còn ông Nguyễn Văn Trợ, nhờ chuyển giao kỹ thuật nuôi mực cho ngư dân Cù Lao Xanh nên được UBND tỉnh Bình Định tặng bằng khen”, ông Nguyễn Hạ Lào, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Châu cho hay.

Xem thêm
Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.