| Hotline: 0983.970.780

Đưa hơi thở cuộc sống vào pháp luật thú y

Thứ Hai 14/08/2023 , 13:48 (GMT+7)

Hà Nội 'Cục Thú y mong muốn đưa pháp luật thú y vào cuộc sống, nhưng cũng đồng thời mong đưa hơi thở cuộc sống vào pháp luật nhiều hơn', Cục trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.

Dự chủ trì tọa đàm là các ông: Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Văn Nam và Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch.

Dự chủ trì tọa đàm là các ông: Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Văn Nam và Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch.

Chiều 14/8, Cục Thú y phối hợp với Vụ Pháp chế thuộc Bộ NN-PTNT và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến kết nối với hàng trăm điểm cầu trên cả nước. Tọa đàm nằm trong chuỗi chương trình, sự kiện truyền thông chính sách do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp các Bộ, ban, ngành, các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT tổ chức.

Dự chủ trì tọa đàm là các ông: Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Văn Nam và Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch.

Tọa đàm nhằm phổ biến sâu rộng và giải đáp các quy định pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung về thú y, đồng thời góp phần thực hiện các quy định của pháp luật về thú y trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật cũng như kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và quản lý thuốc thú y.

Một số nội dung sẽ được phổ biến tại tọa đàm gồm: Nghị định số 80/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y.

Thông tư số 06/2022/TT-BNNPTNT ngày 28/7/2022 của Bộ NN-PTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản.

Thông tư số 09/2022/TT-BNNPTNT ngày 19/8/2022 của Bộ NN-PTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn.

Thông tư số 10/2022/TT-BNNPTNT ngày 14/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ NN-PTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y.

Gần 500 đầu cầu tham gia tọa đàm trực tuyến qua Zoom.

Gần 500 đầu cầu tham gia tọa đàm trực tuyến qua Zoom.

Thông tư số 13/2022/TT-BNNPTNT ngày 28/9/2022 của Bộ NN-PTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư về quản lý thuốc.

Thông tư số 15/2022/TT-BNNPTNT ngày 24/10/2022 của Bộ NN-PTNT quy định về việc kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với mật ong.

Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ NN-PTNT quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật.

Tọa đàm diễn ra vào 13h30 chiều 14/8, dự kiến kéo dài đến khoảng 17h. Ảnh: Tùng Đinh.

Tọa đàm diễn ra vào 13h30 chiều 14/8, dự kiến kéo dài đến khoảng 17h. Ảnh: Tùng Đinh.

Bên cạnh đó, tọa đàm cũng sẽ cập nhật, phổ biến, hướng dẫn và giải đáp thắc mắc cho các đơn vị liên quan, từ đó nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để việc thực hiện các quy định mới đạt hiệu quả cao.

Tất cảTổng thuật

17 giờ 30 phút

Đưa hơi thở cuộc sống vào pháp luật thú y

ong nguyen van long

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long phát biểu kết luận tọa đàm.

Phát biểu kết luận, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, tọa đàm thu hút sự tham gia của khoảng 500 điểm cầu cùng khoảng 2.000 cá nhân, tổ chức tham gia trực tuyến. “Đây là sự kiện tuyên truyền chính sách đầu tiên Cục Thú y phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam, nhưng đã đón nhận sự quan tâm từ đông đảo mọi người”, ông Long chia sẻ.

Qua không gian của tọa đàm, Cục trưởng hy vọng đại diện các địa phương, doanh nghiệp, HTX, người dân sẽ hiểu chắc, nắm rõ về việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật trong khuôn khổ lĩnh vực thú y.

Hơn 4 tiếng tọa đàm, theo ông Long, là chưa thể đủ để phổ biến hết những nội dung, cũng như trả lời hết các thắc mắc. Ông nói: “Chắc chắn còn nhiều vấn đề phát sinh, chưa có trong quy định pháp luật thú y. Chúng tôi mong muốn tiếp tục đón nhận những phản hồi, đồng thời cam kết rà soát, bổ sung sao cho phù hợp với thực tiễn, tạo môi trường thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đang chỉ đạo các cấp, các ngành của cả trung ương lẫn địa phương tăng cường cải cách thủ tục hành chính. Theo định hướng này, Cục Thú y đã thay đổi cách tiếp cận, tuyên truyền pháp luật theo hướng tăng cường trực tuyến, sử dụng môi trường mạng để thông tin rộng rãi tới các đối tượng. “Cục Thú y mong muốn đưa pháp luật thú y vào cuộc sống, nhưng cũng đồng thời mong đưa hơi thở cuộc sống vào pháp luật nhiều hơn”, ông Long nhấn mạnh.

Thay lời kết, Cục trưởng Nguyễn Văn Long cảm ơn Vụ Pháp chế, Bộ NN-PTNT cùng các đơn vị thông tấn, báo chí, trong đó có Báo Nông nghiệp Việt Nam, đã quan tâm tham gia trong chiều 14/8, góp phần giúp tọa đàm diễn ra tốt đẹp.

17 giờ 00 phút

Sẽ có câu trả lời chi tiết, cụ thể nhất tới các bên

anh thach ket luan

Tổng kết tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của các bên liên quan xuyên suốt 4 tiếng đồng hồ diễn ra sự kiện. Ông Thạch cho biết, còn hàng chục ý kiến khác từ các điểm cầu chưa kịp thông tin tại tọa đàm do giới hạn thời gian.

Ông Thạch hứa, các ý kiến sẽ được bộ phận thư ký tổng hợp và cung cấp lại cho các đơn vị liên quan để gửi câu trả lời cụ thể, chi tiết nhất tới các bên.

16 giờ 45 phút

Lưu hành thuốc thú y phải qua kiểm định của Việt Nam

kiem nghiem

Việc kiểm nghiệm vacxin, thuốc thú y phải thực hiện theo quy định của Nghị định 107 là phải được chỉ định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (Ảnh minh họa).

Liên quan tới câu hỏi về đăng ký thuốc thú y: "một số chỉ định của Trung tâm còn giới hạn, khảo kiểm nghiệm vacxin chưa có trong danh mục, chỉ có trong trung tâm. Vậy, có thể sử dụng kết quả của phòng kiểm nghiệm quốc tế không?".

Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, điều này không được vì pháp luật Việt Nam quy định việc kiểm nghiệm phải được thực hiện tại phòng kiểm nghiệm của cơ quan có thẩm quyền vì đây là hàng hóa nhóm 2, phải thực hiện theo quy định của Nghị định 107 là phải được chỉ định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Thứ hai, về đăng ký lưu hành thuốc thú y chưa có quy định chấp nhận công nhận kết quả xét nghiệm của phòng xét nghiệm quốc tế, chưa có đánh giá công nhận tương đương giữa phòng xét nghiệm quốc tế và Việt Nam.

Do đó, giải pháp là các doanh nghiệp phối hợp Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương I tổ chức xây dựng phương án kiểm nghiệm, khảo nghiệm, sau đó trình để được chỉ định phương pháp kiểm nghiệm, khảo nghiệm theo đúng quy định tại Nghị định 107 để làm cơ sở triển khai thực hiện.

16 giờ 30 phút

Không thể bỏ quy định khoảng cách 500m từ cơ sở giết mổ tập trung tới khu dân cư

giet mo tap trung

Cục Thú y cho rằng không thể bỏ quy định khoảng cách 500m từ cơ sở giết mổ tập trung tới khu dân cư (Ảnh minh họa).

Chi cục Chăn nuôi, Thú y, Thủy sản tỉnh Bắc Ninh hỏi rõ thêm về quy định sử dụng vôi bột với phòng chống dịch. Thứ hai là công tác quản lý thuốc, liên quan đến ma túy và tiền chất ma túy. Bắc Ninh đề nghị các doanh nghiệp phải khai báo để quản lý tốt hơn. Tỉnh này đề nghị doanh nghiệp nhập, bán phải ghi rõ trên nhãn thuốc về ma túy hoặc tiền chất ma túy. Công tác giết mổ phải có quy định về diện tích tối thiểu với từng loại hình giết mổ tập trung, quy mô nhỏ, vừa hay lớn. Bắc Ninh kiến nghị bỏ quy định về khoảng cách với khu dân cư, vì khi đã đảm bảo an toàn vệ sinh thì không cần khoảng cách.

Đại diện Cục Thú y cho biết theo Thông tư 13/2022, có phụ lục danh mục thuốc thú y chứa tiền chất ma túy. Cục Thú y cho biết cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, do UBND cấp huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Còn với cơ sở giết mổ tập trung, Sở KHĐT của tỉnh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. “Lượng gia súc gia cầm giết mổ không bao giờ ổn định. Do đó, để xác định quy mô bao nhiêu là nhỏ, bao nhiêu là tập trung thì rất khó. Nghị định số 01 đã quy định rõ điều này, đề nghị Bắc Ninh tham khảo”.

Cục Thú y cho rằng không thể bỏ quy định khoảng cách 500m từ cơ sở giết mổ tập trung tới khu dân cư, vì dựa vào hướng dẫn của Bộ Y tế. Quy định này chỉ không áp dụng với cơ sở giết mổ nằm trong khu công nghiệp.

16 giờ 10 phút

Trưởng phòng Thuốc Thú y giải đáp về vacxin, kê đơn

tiem phong

Ảnh minh họa.

Ông Lê Toàn Thắng, Trưởng phòng Thuốc Thú y, Cục Thú y cho biết, từ năm 2018-2020 có Thông tư 12 thực hiện hợp quy được thực hiện vào ngày 14/2/2024. Cục Thú y đồng hành cùng Vụ Pháp chế trao đổi nhiều về vấn đề này, đang xem xét báo cáo Bộ NN-PTNT chưa thể bãi bỏ được, giãn lộ trình thực hiện hợp quy vì liên quan đến các Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn năm 2006 và Luật chất lượng sản phẩm 2007.

Câu hỏi liên quan đến kê đơn thuốc thú y, ông Thắng cho biết câu hỏi liên quan đến khoản 5, điều 14, Thông tư 12 không phải kê đơn với thuốc hỗ trợ điều trị. Theo ông Thắng, từ trước đến nay trong hồ sơ yêu cầu thẩm định, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung cấp thông tin về nguồn gốc, chủng xuất xứ để sản xuất vacxin, doanh nghiệp cần thẩm định chủng, giống để hoàn thiện hồ sơ xem xét cấp lưu hành vacxin.

Tuy nhiên, Thông tư 13 năm 2012 đã nêu rõ yêu cầu bổ sung thông tin và đặc tính các chủng vi sinh vật gốc để sản xuất vacxin kháng thể để hoàn thiện hồ sơ đăng ký một cách thuận lợi.

Đối với câu hỏi liên quan đến hồ sơ gia hạn thuốc, có thể sử dụng giấy kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y TW 1 để xin gia hạn thuốc hay không, ông Thắng cho biết, điều này hoàn toàn hợp lý. Ông cũng lưu ý phiếu kiểm nghiệm cần còn hạn 12 tháng tại thời điểm nộp hồ sơ.

16 giờ 00 phút

Phòng Kiểm dịch (Cục Thú y) trả lời về quy trình nhập khẩu sữa

nhap khau sua

Chứng nhận HACCP cấp cho cơ sở sản xuất sữa được coi là tương đương với giấy chứng nhận kiểm dịch vệ sinh thú y (Ảnh minh họa).

Đại diện Phòng Kiểm dịch (Cục Thú y) trả lời câu hỏi: "Sản phẩm sữa khi nhập khẩu trong thời gian chờ kết quả kiểm dịch, khi đưa về cơ sở chế biến đã được cấp chứng nhận HACCP, ISO thì có phải tiến hành kiểm tra kiểm dịch vệ sinh thú y?".

HACCP là tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất chế biến thực phẩm. Đối với sản phẩm động vật thì chỉ có hàng đông lạnh bắt buộc phải để ở cửa khẩu, khi có kết quả kiểm dịch mới đưa vào tiêu thụ. Nhóm sữa được đưa về kho nhưng kho của cơ sở phải đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y theo quy định của Thông tư 25.

Bên cạnh đó, Thông tư số 10 đã quy định giấy chứng nhận HACCP tương đương với giấy chứng nhận kiểm dịch vệ sinh thú y. Do đó, chứng nhận HACCP cấp cho cơ sở sản xuất sữa được coi là tương đương với giấy chứng nhận kiểm dịch vệ sinh thú y. Sản phẩm sữa của cơ sở đó đáp ứng yêu cầu để đưa về cơ sở chờ kết quả kiểm tra.

Đối với sữa nguyên liệu, sữa tươi, trong trường hợp kho tách rời cơ sở thì cơ sở đó thực hiện việc đăng ký để kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, xin giấy chứng nhận kiểm dịch vệ sinh thú y cho kho để đưa sản phẩm về đợi kết quả kiểm dịch.

15 giờ 40 phút

Cục Thú y nêu khác biệt giữa Thông tư 24 và tiêu chuẩn thế giới

ong phan quang minh

Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh (ảnh) trả lời câu hỏi liên quan đến quy định của Thông tư 24 của Bình Phước và Tây Ninh về sự khác biệt giữa Thông tư 24 về cơ sở vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) và tiêu chuẩn của tổ chức thế giới.

Quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) là quy định khung, không quy định cụ thể lấy bao nhiêu mẫu, tần suất bao nhiêu nhưng họ đã quy định việc tần suất lấy mẫu và số mẫu căn cứ điều kiện dịch tễ từng nước khu vực sẽ có hướng dẫn cụ thể, dựa vào tỷ lệ lưu hành dịch bệnh để tính toán số lượng mẫu. Do đó, không có hướng dẫn chung cho cả nước.

Câu hỏi về giám sát bằng chứng công nhận ATDB có tiêm phòng, hay không tiêm phòng. Theo quy định của OIE, về nguyên lý nếu đã áp dụng vacxin phải chứng minh vacxin hiệu quả, đánh giá sau tiêm phòng, nếu không tiêm phòng thì phải chứng minh vùng đó có an toàn dịch bệnh hay không.

Giải pháp trước mắt cần tiêm phòng và lấy mẫu lại để giám sát. Tất cả các loại vacxin được cung ứng ra thị trường, tiêm đúng liều chắc chắn sẽ đáp ứng tỷ lệ kháng thể theo yêu cầu. Để khắc phục tình trạng như Tây Ninh về dịch bệnh New Castle nêu, nếu tiêm phòng, lấy mẫu xét nghiệm không đạt cần tiêm phòng và giám sát lại. Như vậy, cần áp dụng quy định của Thông tư 24 và dựa vào tiêu chuẩn của thế giới.

15 giờ 30 phút

Giải đáp thắc mắc về kiểm soát giết mổ và vấn đề nuôi ong

Trả lời các câu hỏi tại tọa đàm, bà Huỳnh Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Thú y cộng đồng (Cục Thú y) chia sẻ, bên cạnh các Thông tư đã trình bày, Cục Thú y còn tham mưu cho Bộ NN-PTNT để tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định 414 kiện toàn hệ thống thú y các cấp, kiểm soát giết mổ do Chi cục thực hiện. Thông tư 10 cũng quy định rõ, là dấu do Chi cục Thú y địa phương quản lý. Về sản xuất theo chuỗi, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ như phía Hà Nội phản ánh, cần đảm bảo giết mổ phải tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm, theo Thông tư 17.

giet mo

Liên quan tới cơ sở giết mổ, ông Nguyễn Văn Long nhấn mạnh: Cơ sở pháp lý hiện rất rõ. Địa phương cần dựa vào Luật Thú y, và các văn bản pháp luật liên quan để triển khai kế hoạch phù hợp với tình hình (Ảnh minh họa).

Cục trưởng Nguyễn Văn Long nói thêm về cơ sở giết mổ, bên cạnh các thông tư, hướng dẫn của Cục Thú y và Bộ NN-PTNT, Chính phủ còn thông qua luật quy hoạch và Chỉ thị 02 cũng như Công văn 889 liên quan tới giám sát cơ sở giết mổ.

“Cơ sở pháp lý hiện rất rõ. Địa phương cần dựa vào Luật Thú y, và các văn bản pháp luật liên quan để triển khai kế hoạch phù hợp với tình hình”, ông Long nhấn mạnh.

Về vấn đề nuôi ong, các nhiệm vụ đã phân cấp về địa phương, theo bà Bình. Trình tự, kiểm dịch sản phẩm sử dụng trong nước cũng như xuất khẩu đã được quy định rõ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Những nội dung liên quan đến tỷ lệ pha trộn như Hội Nuôi ong Việt Nam phản ánh, đại diện Cục Thú y cam kết cần trao đổi thêm theo định hướng đảm bảo, nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn của từng thị trường.

15 giờ 20 phút

Đồng Nai nêu 7 đề xuất gửi Cục Thú y

Ông Nguyễn Trường Giang, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai nêu đề xuất: Tại khoản 3, 4 thông tư 25 có quy định động vật xuất phát từ cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc đã được giám sát thì không phải kiểm tra lâm sàng. Tuy nhiên, ở mẫu 12a, 12b có yêu cầu kiểm dịch viên động vật ghi số động vật trên không có triệu chứng lâm sàng, bệnh truyền nhiễm khi xuất phát. Do đó, đề nghị bổ sung nội dung kiểm tra lâm sàng vào quy định kiểm dịch đối với đối tượng kiểm dịch nêu trên.

the-taiii

Đồng Nai đề nghị xem xét chỉ bấm thẻ tai trên đối tượng trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai, ngựa, la và lợn giống có mục đích nuôi hậu bị, còn lợn giống để nuôi thương phẩm thì không thực hiện (Ảnh minh họa).

Thứ hai, tại thông tư 25, quy định trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai, lừa, ngựa, la khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh phải được đánh dấu bằng cách bấm thẻ tai bằng nhựa cao su. Tuy nhiên, trên thực tế, đối với lợn con đưa đi làm giống nuôi thương phẩm sẽ gây ra hiện tượng chảy máu. Do đó, đề nghị xem xét chỉ bấm trên đối tượng trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai, ngựa, la và lợn giống có mục đích nuôi hậu bị, còn lợn giống để nuôi thương phẩm thì không thực hiện.

Thứ ba, lưu trữ hồ sơ, tại quyết địnhsố 4251 quy định thời hạn bảo quản đối với việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, trong khi quy định về vận chuyển đông vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh chưa quy định điều này, do đó trong quá trình lưu giữ hồ sơ gặp nhiều khó khăn, đề nghị Cục Thú y hướng dẫn cụ thể hơn việc này.

Thứ tư, thành lập trạm kiểm dịch đầu mối, do những năm gần đây hệ thống giao thông mở rộng thêm nhiều, nên lượng động vật đi qua các trạm kiểm dịch động vật ít đi, do đó Cục Thú y xem xét có hướng dẫn để địa phương triển khai thành lập các trạm cho phù hợp.

Thứ năm, điều kiện vệ sinh thú y, một số lĩnh vực chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia hướng dẫn thực hiện ví dụ kiểm tra vệ sinh thú y đối với chợ động vật, cơ sở thu gom động vật, sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc động vật… nên khi cấy giấy chứng nhận cho các đơn vị này gặp nhiều khó khăn.

Thứ sáu, chưa có văn bản hướng dẫn nội dung nhiệm vụ cụ thể để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của tổ chức thú y thế giới, do đó đề nghị Cục Thú y xem xem ban hành sớm nội dung này.

Thứ bảy, công tác xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, phần kinh phí trước đây 300.000 đồng giờ thành 3,5 triệu đồng, các đơn vị địa phương chưa kịp điều chỉnh, nhờ Cục có hướng dẫn để thực hiện.

15 giờ 10 phút

Lắng nghe doanh nghiệp, cơ quan, để có điều chỉnh

ong nguyen van nam

Theo ông Nguyễn Văn Nam, những nội dung mới trong các thông tư, nghị định có thể khẳng định là vừa mới vừa tốt hơn trước.

Ông Nguyễn Văn Nam, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) chia sẻ, Tọa đàm lần này là điểm khởi đầu cho chương trình hoạt động mới mà Bộ NN-PTNT sẽ triển khai trong thời gian tới theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan “không chỉ đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống mà phải đưa cuộc sống, thực tiễn vào chính sách pháp luật”.

Theo ông Nam, trước khi các Thông tư, Nghị định ra đời, Cục Thú y đã triển khai rất bài bản từng bước, lấy ý kiến từ nhiều cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, người dân. Từ đó, thống nhất cách hiểu, cách làm, phát hiện các bất cập để điều chỉnh cho phù hợp. “Những nội dung mới trong các thông tư, nghị định có thể khẳng định là vừa mới vừa tốt hơn trước. Điều này thể hiện rõ ở việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người dân trong việc giảm chi phí, thời gian”.

Bên cạnh đó, giúp cho công tác kiểm tra chuyên ngành đổi mới về hình thức thời gian theo hướng hiệu quả hơn. Ông Nam cũng bày tỏ mong muốn, chúng ta đã cắt giảm được thủ tục hành chính rồi thì có cắt giảm được nữa không, những quy định đó có đi vào cuộc sống không.

Do đó, tọa đàm không chỉ là giải đáp, thống nhất quan điểm để triển khai thực hiện, mà cùng nhau lắng nghe ý kiến từ các cơ quan, doanh nghiệp để nhận định đúng hơn các bất cập trong các văn bản để điều chỉnh trong thời gian tới.

15 giờ 05 phút

Nhiều ưu tiên với vùng đạt an toàn dịch bệnh

ong nguyen ngoc tien

Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 thay thế Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 2/6/2016 của quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, theo ông Nguyễn Ngọc Tiến (ảnh), Trưởng phòng Thú y thủy sản, Cục Thú y.

Ông Tiến nêu rõ, đối với các cơ sở, vùng đã triển khai xây dựng an toàn dịch bệnh trước ngày Thông tư có hiệu lực (15/2/2023), việc cấp giấy chứng nhận thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm xây dựng Đối với các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật đã được cấp Giấy chứng nhận, sẽ được bổ sung Kế hoạch an toàn sinh học, kế hoạch giám sát dịch bệnh, kế hoạch ứng phó dịch bệnh theo quy định tại Thông tư này trong vòng 12 tháng.

Hiện Cục Thú y chịu trách nhiệm thẩm định và cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật. Ngoài ra, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đối với cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật không thuộc phạm vi quy định trên.

Khi đạt chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh, cơ sở hưởng nhiều quyền lợi, trong đó có ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống, động vật và sản phẩm động vật. Ngoài ra, động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch trong vòng 1 ngày sau khi đăng ký kiểm dịch.

14 giờ 55 phút

Giúp ngành chăn nuôi hòa nhập xu hướng của thế giới

ba nguyen thi diep

Bà Nguyễn Thị Điệp, Trưởng Phòng Dịch tễ, Cục Thú y, phát biểu tại tọa đàm.

Ngành chăn nuôi đã và đang phát triển mạnh mẽ song vẫn đang tồn tại một trong những điểm yếu lớn, đó là xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật còn hạn chế. Năm 2022, Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng 400 triệu USD động vật và sản phẩm động vật, con số này so với nhập khẩu là rất nhỏ. Nguyên nhân xuất phát cơ bản từ quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, các quy định về vệ sinh thú y còn lỏng lẻo, còn nhiều dịch bệnh khác nhau trong đó có nhiều dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh lây nhiễm từ động vật sang người…

Như vậy, một trong những giải pháp đầu tiên và khả thi là xây dựng được các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB). Thời gian qua, Cục Thú y đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023 về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023-2030.

xk thit heo

Ngành chăn nuôi vẫn đang tồn tại một trong những yếu điểm lớn là xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật còn hạn chế. Ảnh minh họa: VOV.

Để giúp địa phương, doanh nghiệp có cơ sở triển khai thực hiện, Cục Thú y cũng tham mưu Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 về cơ sở, vùng ATDB. Bà Nguyễn Thị Điệp, Trưởng Phòng Dịch tễ, Cục Thú y cho biết, Thông tư 24 được ban hành nhằm khắc phục những tồn tại của Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 như: quyền lợi của cơ sở, vùng ATDB chưa được cụ thể hóa; một số quy định chưa tiệm cận với quy định quốc tế: Kế hoạch ATSH, Kế hoạch giám sát, Kế hoạch ƯPDB, số lượng mẫu giám sát… gây khó khăn cho xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật…

Thông tư 24 quy định một số nội dung mới về điều kiện cấp mới, duy trì cơ sở, vùng ATDB; số lượng mẫu giám sát; và quy định cơ quan xét nghiệm, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến thành phần hồ sơ về cơ sở, vùng ATDB và quyền lợi của cơ sở, vùng ATDB.

14 giờ 45 phút

Những điểm mới về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm với mật ong

ba thanh binh

Bà Huỳnh Thị Thanh Bình (ảnh), Trưởng phòng Thú y cộng đồng (Cục Thú y) thông tin về những điểm mới của Thông tư số 15/2022/TT-BNNPTNT của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ban hành ngày 24/10/2022, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2022, quy định về việc kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y (VSTY), an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh mật ong.

Thông tư này quy định việc kiểm tra, giám sát VSTY và an toàn thực phẩm đối với nuôi ong, thu mua, sơ chế, chế biến mật ong phục vụ mục đích thương mại để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Việc kiểm tra thực hiện nội dung đã cam kết của các cơ sở nuôi ong, cơ sở thu mua mật ong thực hiện theo quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN-PTNT (sau đây viết tắt là Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT).

Việc thẩm định, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở chế biến mật ong thực hiện theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN-PTNT (sau đây viết tắt là Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT).

mat ong

Thông tư số 15/2022/TT-BNNPTNT của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ban hành ngày 24/10/2022, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2022, quy định về việc kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y (VSTY), an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh mật ong (Ảnh minh họa).

Về đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nuôi ong, thu mua, sơ chế, chế biến mật ong phục vụ mục đích thương mại để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc kiểm tra, giám sát VSTY và ATTP đối với mật ong.

Nội dung chính của thông tư tập trung tại Điều 7 (kiểm tra, giám sát VSTY và ATTP đối với cơ sở sản xuất mật ong xuất khẩu), Điều 9 (nội dung chương trình giám sát), Điều 10 (quy định lấy mẫu và phân tích mẫu giám sát); Điều 11 (xử lý mẫu không bảo đảm VSTY và ATTP trong quá trình thực hiện Chương trình giám sát); Điều 12. (sử dụng thuốc thú y, thức ăn trong nuôi ong); từ điều 13-17 quy định trách nhiệm của của Cục Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nuôi ong Việt Nam, phòng thử nghiệm, cơ sở nuôi ong, thu mua và chế biến mật ong.

14 giờ 30 phút

Giá trị không quá 12 tháng với Giấy phép thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất

ong ltt

Ông Lê Toàn Thắng, Trưởng phòng Thuốc thú y, Cục Thú y nêu một số nội dung mới, đáng chú ý trong các Thông tư số 12/2020/TT-BNNPTNT ngày 09/11/2020 và Thông tư số 13/2016/TT-BNNPTNT ngày 2/6/2016 của Bộ NN-PTNT.

Ông Lê Toàn Thắng, Trưởng phòng Thuốc thú y, Cục Thú y giới thiệu Thông tư số 13/2022/TT-BNNPTNT ban hành ngày 28/9/2022 gồm 6 điều, 6 phụ lục. Thông tư nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BNNPTNT ngày 09/11/2020 và Thông tư số 13/2016/TT-BNNPTNT ngày 2/6/2016 của Bộ NN-PTNT.

Nguyên do của việc sửa đổi bởi Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 4/12/2021 về quản lý thuốc thú y có chứa chất ma túy; và Thủ tướng ban hành Quyết định số 2177/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 về phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuốc thú y.

Trưởng phòng Lê Toàn Thắng cho biết, Thông tư số 13 có một số nội dung mới, đáng chú ý. Trong đó, ông nhấn mạnh việc: Thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất, nguyên liệu làm thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất trong quá trình vận chuyển phải được đóng gói và ghi nhãn sản phẩm đầy đủ theo quy định của pháp luật, trong đó ghi rõ tên chất, nồng độ, hàm lượng, khối lượng, nguồn gốc, xuất xứ.

Giấy phép xuất khẩu thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất được cấp cho từng lần xuất khẩu và có giá trị trong thời hạn ghi trên giấy phép nhưng không quá 12 tháng. Trường hợp hết thời hạn ghi trong giấy phép nhưng việc xuất khẩu chưa thực hiện được thì doanh nghiệp đề nghị Cục Thú y gia hạn và không giới hạn số lần gia hạn.

Đồng thời, Cục Thú y là cơ quan thu hồi giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu thuốc thú y, nguyên liệu thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất. Thông tư mới cũng bổ sung thêm 1 loại thuốc không phải kê đơn được sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đó là thuốc thú y có chứa hoạt chất thuộc nhóm thuốc phòng trị nội, ngoại ký sinh trùng. Ngoài ra, thuốc thú y có chứa hoạt chất Toltrazuril, Amprolium, Clopidol không phải kê đơn theo quy định mới.

14 giờ 15 phút

8 điểm mới trong Thông tư về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y

ba thanh binh 1

Bà Huỳnh Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Thú y cộng đồng (Cục Thú y) thông tin về những điểm mới của Thông tư số 10/2022/TT-BNNPTNT ngày 14/9/2022.

Tại tọa đàm, bà Huỳnh Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Thú y cộng đồng (Cục Thú y) thông tin về những điểm mới của Thông tư số 10/2022/TT-BNNPTNT ngày 14/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y.

Theo đó, thứ nhất, sửa đổi, bổ sung khoản 2 điều 4 quy định cụ thể như thế nào là “nguồn gốc rõ ràng”. Có nguồn gốc rõ ràng nghĩa là có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh (đối với động vật có nguồn gốc từ địa bàn cấp tỉnh khác). Có các giấy tờ như hóa đơn, chứng từ, hợp đồng mua bán, giấy chứng nhận tiêm phòng hoặc các giấy tờ tương đương khác hoặc được kê khai theo Điều 4 Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi (đối với động vật trong địa bàn cấp tỉnh) để có thể truy xuất nguồn gốc.

Thứ hai, thông tư cũng sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 36, theo đó quy định các loại giấy chứng nhận có giá trị tương đương giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y. Cơ sở có một trong các loại giấy chứng nhận này không phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y, trừ trường hợp theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 1 Điều 37. Theo đó, Cục Thú y kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đối với các cơ sở xuất khẩu, cơ sở hỗn hợp xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; cơ sở hỗn hợp xuất, nhập khẩu; Chi cục Thú y vùng, Chi cục Kiểm dịch động vật vùng thuộc Cục đối với các cơ sở nhập khẩu, cơ sở hỗn hợp nhập khẩu và tiêu dùng trong nước tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bổ sung tại khoản 7 quy định yêu cầu đối với trưởng đoàn, thành viên đoàn kiểm tra, giám sát và người lấy mẫu.

Thứ tư, sửa Điều 38, theo đó phân biệt rõ nội dung kiểm tra để cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y và nội dung, tần suất giám sát đối với cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y. Bổ sung khoản 4 quy định về việc đánh giá trực tuyến trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, bổ sung quy định tại Điều 41 về yêu cầu đối với nhân viên thú y làm nhiệm vụ kiểm soát giết mổ động vật.

nhan vien thu y

Nhân viên thú y giám sát việc giết mổ gia cầm tại Công ty Cổ phần Thực phẩm giết mổ, chế biến gia cầm Lan Vinh, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Thứ sáu, sửa đổi, bổ sung mục 2 Phụ lục I về danh mục đối tượng thuộc diện kiểm tra vệ sinh thú y. Theo đó, tại điểm a, bãi bỏ động vật làm cảnh, ở rạp xiếc, vườn thú...; bãi bỏ điểm c “Thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm ở cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung”. Tại điểm d: bãi bỏ cơ sở chăn nuôi động vật tập trung, cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống, cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật nhỏ lẻ; bổ sung cơ sở gia công, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh.

Thứ bảy, sửa đổi Mẫu 01, Mẫu 02 và Mẫu 06; bổ sung mẫu 07 Biên bản kiểm tra vệ sinh thú y tại Phụ lục II.

Thứ tám, bổ sung tại Phụ lục VI quy định xử lý vệ sinh thú y khi phát hiện động vật bị Viêm da nổi cục hoặc Dịch tả lợn Châu Phi tại cơ sở giết mổ. Về thủ tục hành chính, Quyết định số 3812/QĐ-BNN-TY ngày 07/10/2022 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực thú y thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ NN-PTNT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/10/2022.

14 giờ 05 phút

Chuyển đổi số, cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch điện tử

ong chu nguyen thach

Ông Chu Nguyên Thạch, Trưởng phòng Kiểm dịch động vật, Cục Thú y giới thiệu về Thông tư 09/09/2022/TT-BNNPTNT.

Ông Chu Nguyên Thạch, Trưởng phòng Kiểm dịch động vật, Cục Thú y giới thiệu về Thông tư 09/09/2022/TT-BNNPTNT ngày 19/8/2022 về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn.

Theo ông Thạch, Thông tư 09 có một số nội dung chính, trong đó việc thay đổi mẫu 20a về giấy đăng ký kiểm dịch và kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản có nguồn gốc động vật nhập khẩu, cho sát với yêu cầu thực tế. Về kiểm dịch vận chuyển, lưu thông trong nước, Thông tư mới bổ sung bệnh Dịch tả lợn Châu Phi ở lợn.

Về kiểm dịch động vật nhập khẩu, Thông tư bổ sung bệnh Viêm da nổi cục đối với trâu; Thay thế chỉ tiêu bệnh Roi trùng ở trâu, bò bằng bệnh Dịch tả loài nhai lại nhỏ đối với dê; Thay thế chỉ tiêu bệnh Giả dại ở lợn giống bằng bệnh Dịch tả lợn châu Phi đối với lợn.

Theo hướng giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp, Trưởng phòng Chu Nguyên Thạch đánh giá, Thông tư 09 đã giảm tỷ lệ lấy mẫu xét nghiệm bệnh đối với động vật nhập khẩu lên tới hơn 90%, xuống còn 5%. “Trước khi có Thông tư 09, chúng tôi thường lấy mẫu toàn đàn”, ông Thạch chia sẻ. Đối với sản phẩm động vật trên cạn, Cục Thú y kiểm dịch gộp 5 mẫu thành 1 mẫu xét nghiệm, giảm 66,7% chi phí xét nghiệm (so với trước đây là 3 mẫu xét nghiệm/lô hàng).

Cùng với đó, hệ thống thú y tăng cường chuyển đổi số, cấp giấy chứng nhận điện tử. Trường hợp có thống nhất giữa Cục Thú y và cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu về Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật điện tử thì sử dụng Giấy chứng nhận kiểm dịch điện tử.

13 giờ 55 phút

Giảm 80% chi phí nhờ gộp mẫu xét nghiệm

ong nguyen hoang tung

Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó trưởng phòng Kiểm dịch động vật, Cục Thú y, cho biết một số nội dung mới về chỉ tiêu kiểm dịch trong Thông tư số 06/2022/TT-BNNPTNT.

Thông tư số 06/2022/TT-BNNPTNT về Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản có một số điểm mới. Dự thảo Thông tư đã sửa đổi mục II phần A và phần B Phụ lục I (Danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch, miễn kiểm dịch) Thông tư số 26/2016/TT-BNN-PTNT.

Cụ thể, đối với Danh mục sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch, sản phẩm động vật thủy sản (bao gồm cả phôi, trứng, tinh dịch và ấu trùng của các loài thủy sản) ở dạng tươi sống hoặc tươi sống được bảo quản ở dạng ướp lạnh, đông lạnh. Các đối tượng sản phẩm động vật thủy sản khác thuộc diện phải kiểm dịch theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc theo quy định của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Danh mục sản phẩm thủy sản thuộc diện miễn phải kiểm dịch gồm sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu (chiếm khoảng 80% tổng số lượng thủy sản nhập khẩu); sản phẩm thủy sản đã qua chế biến (hàng khô, đồ hộp, ăn liền, ngâm muối, xông khói,…); sản phẩm động vật thủy sản làm hàng mẫu thử nghiệm; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu để trưng bày hội chợ, triển lãm; sản phẩm động vật thủy sản làm thực phẩm xuất khẩu bị triệu hồi hoặc trả về.

chebien

Sản phẩm thủy sản đã qua chế biến được miễn kiểm dịch (Ảnh minh họa).

Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó trưởng phòng Kiểm dịch động vật, Cục Thú y cho biết, Thông tư số 06 cũng đưa ra một số nội dung mới về chỉ tiêu kiểm dịch. Theo đó, áp dụng tần suất lấy mẫu đối với các lô hàng phải kiểm dịch, nếu kết quả xét nghiệm 3 lô hàng liên tiếp đạt yêu cầu, thì 5 lô hàng tiếp theo chỉ lấy mẫu ngẫu nhiên 1 lô hàng để kiểm tra. Gộp 5 mẫu thành 01 mẫu xét nghiệm (giảm chi phí xét nghiệm 80%); bổ sung bệnh Trắng đuôi trên tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii).

Chỉ tiêu quy định xét nghiệm đối với sản phẩm thủy sản dạng tươi sống, ướp lạnh, đông lạnh là các chỉ tiêu tác nhân gây bệnh trên động vật thủy sản, được lựa chọn trên cơ sở Danh mục bệnh động vật thủy sản của OIE.

13 giờ 45 phút

Cắt giảm tối đa thủ tục hành chính

ong le toan thang

Ông Lê Toàn Thắng - Trưởng phòng Quản lý thuốc thú y, Cục Thú y - phát biểu tại diễn đàn.

“Chúng tôi làm theo hướng gộp mẫu, giảm 80% chi phí về chỉ tiêu xét nghiệm. Các nguyên liệu thủy sản nhập khẩu để gia công chế biến hàng xuất khẩu thì sẽ không phải kiểm dịch nữa”, ông Lê Toàn Thắng - Trưởng phòng Quản lý thuốc thú y, Cục Thú y thông tin tại tọa đàm.

Ông Thắng cho biết Nghị định 80/2022/NĐ-CP nhằm thể chế hóa kiến nghị thực thi về lĩnh vực thú y; đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện kinh doanh thuốc thú y.

Nghị định nêu một số nội dung mới như bổ sung cách thức thực hiện thủ tục hành chính; quy định đối với loại giấy tờ phải nộp (bản chính, bản sao (chứng thực hay bản sao có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp); trình tự thực hiện đối với việc hướng dẫn cá nhân hoàn thiện hồ sơ nếu trường hợp hồ sơ không đầy đủ và hợp lệ. Đưa ra khỏi Nghị định 02 nội dung: về yêu cầu trong thành phần hồ sơ gồm Giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh và Giấy chứng chỉ hành nghề.

13 giờ 30 phút

Giải đáp các quy định mới pháp luật trong lĩnh vực thú y và kiểm dịch động vật

anh Thach 1

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) cho biết:

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ NN-PTNT về đẩy mạnh truyền thông chính sách; tuyên truyền, phổ biến Luật Thú y và các nghị định, Thông tư hướng dẫn hiện hành; Quyết định của Chính phủ về các chiến lược phòng, chống các loại dịch bệnh quốc gia; Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 76 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Trọng tâm là thực hiện Chính phủ số, Chính phủ điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành.

Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Thú y, Vụ Pháp chế Bộ NN-PTNT tổ chức Tọa đàm trực tuyến “phổ biến và giải đáp một số quy định mới của pháp luật về thú y”.

Mục đích của buổi tọa đàm là phổ biến, truyền thông sâu rộng và giải đáp các quy định pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung về thú y, các quy định của pháp luật về thú y trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và quản lý thuốc thú y.

Từ đó, bảo đảm khống chế thành công các loại dịch bệnh động vật nguy hiểm tại Việt Nam, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật lưu thông trong nước, thúc đẩy giao lưu thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm động vật đi các nước trên thế giới như trứng, thịt, sữa, mật ong, tổ yến, thủy, hải sản,... góp phần thực hiện tốt chiến lược phát triển ngành chăn nuôi, thủy sản, thú y Việt Nam.

Thông qua buổi tọa đàm, ông Thạch bày tỏ mong muốn các đại biểu, đơn vị sẽ phổ biến những quy định cũng như giải đáp cơ bản những thắc mắc, khó khăn, vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp, HTX, hiệp hội ngành hàng và người dân về các quy định của pháp luật mới trong lĩnh vực thú y và kiểm dịch động vật.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.