Thành phố Cần Thơ đang triển khai thực hiện Kế hoạch số 238/KH-UBND phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm và thủy sản năm 2023.
Qua hơn 6 tháng đầu năm, lực lượng cán bộ, nhân viên thú y cơ sở trên địa bàn đặt trọng tâm vào các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Từ đầu năm đến nay, hoạt động chăn nuôi đạt hiệu quả và ổn định. Dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc, bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò, tai xanh ở heo, dịch tả heo Châu Phi, cúm gia cầm, dại chó, mèo và dịch bệnh thủy sản không xảy ra.
Còn một số bệnh như: Tụ huyết trùng, phó thương hàn, các bệnh thông thường… xảy ra nhỏ lẻ ở một số hộ gia đình, không gây thành dịch.
Cần Thơ hiện đã dịch chuyển các trại chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực các khu dân cư, khu đô thị ở quận, huyện ngoại thành.
Thành phố hiện có 37.000 hộ và trang trại chăn nuôi, trong đó có 285 trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm. Trong đó có 215 trang trại chăn nuôi heo với gần 36.000 con, gồm 47 trang trại chăn nuôi trâu, bò, dê trên 1.200 con và 23 trang trại chăn nuôi gia cầm trên 346.000 con.
Bên cạnh đó, thành phố còn có hơn 280 hộ nuôi chim yến với gần 300 nhà yến với khoảng 178.000 con. Ngoài các loại vật nuôi chính, Cần Thơ còn có một số vật nuôi khác với quy mô nhỏ như dê, thỏ, bồ câu, chim cút và vật nuôi đặc sản heo rừng, nhím, trăn…
Ông Lê Trung Hoàng, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ nhấn mạnh, lực lượng thú y cơ sở tại các xã, phường đóng vai trò chủ lực trong tổ chức thực hiện kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững.
Trong công tác phòng dịch trên động vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y chú trọng tuyên truyền, tập huấn. Truyền thông nâng cao nhận thức, thái độ đến thay đổi hành vi của người chăn nuôi trong tiêm phòng cho gia súc, gia cầm và vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi. Qua đó, nâng cao năng lực mạng lưới thú y cơ sở phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.
Đặc biệt chú trọng công tác tiêm phòng, vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi. Đồng thời, giám sát dịch bệnh và kiểm dịch, kiểm soát giết mổ.
Ngay từ đầu năm, Sở NN-PTNT TP Cần Thơ triển khai kế hoạch năm 2023 tiêm phòng vacxin phòng bệnh cúm gia cầm có 3 đợt chính/năm, tiêm phòng gia súc 2 đợt chính/năm và thực hiện tháng tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt 1 trên địa bàn thành phố.
Ngoài các đợt tiêm phòng định kỳ theo kế hoạch, các Trạm Chăn nuôi và Thú y địa phương sẽ rà soát và thực hiện tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc gia cầm nuôi mới hoặc những khu vực tiêm chưa đạt yêu cầu và đàn gia súc gia cầm hết thời gian miễn dịch hoặc khi có yêu cầu của người chăn nuôi.
Đến cuối tháng 7/2023 toàn thành phố hoàn thành tiêm phòng cúm gia cầm đợt 2/2023. Kết quả tiêm được trên 1,4 triệu con gia cầm, đạt 93,22%. Đối với đàn gia súc, kết thúc đợt 1/2023 tiêm đạt trên 136.400 con, trong đó tiêm phòng bệnh dại chó mèo có trên 29.800 con đạt trên 82%.
Theo ông Hoàng, tăng tỷ lệ tiêm phòng vacxin các bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi như: Cúm gia cầm, heo tai xanh và dại chó, mèo đạt yêu cầu cơ bản phòng chống dịch bệnh. Tuy vậy, một số bệnh tỷ lệ tiêm phòng vacxin còn thấp như lở mồm long móng trên gia súc.
Nguyên nhân, trong năm qua nhận thấy dịch bệnh ít, xảy ra nhỏ lẻ. Trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi giảm nhiều, người nuôi không có lãi nên một số hộ chăn nuôi chủ quan, lơ là xem nhẹ việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ cho biết, sẽ tiếp tục hướng dẫn người chăn nuôi nhận biết dấu hiệu một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật để chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Lực lượng thú y tiếp tục tiêm phòng vacxin phòng bệnh, tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm phòng vacxin. Từ đó, người chăn nuôi có ý thức chấp hành quy định pháp luật về phòng, chống dịch bệnh.