Giải đáp một số quy định pháp luật mới về thú y. Nhãn sông Mã gặp khó do mưa kéo dài. Hà Giang duy trì 20.000ha diện tích đồng cỏ phục vụ chăn nuôi. OCOP giúp đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Giải đáp một số quy định pháp luật mới về thú y
Minh Phúc – hình tư liệu
Nhằm phổ biến sâu rộng và giải đáp các quy định pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung về thú y, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Cục Thú y, Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) tổ chức Tọa đàm trực tuyến phổ biến, giải đáp một số quy định pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung về thú y.
Tọa đàm được tổ chức vào 13h30 phút chiều ngày 14/8, nhằm góp phần thực hiện tốt các quy định của pháp luật về thú y trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật cũng như kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và quản lý thuốc thú y.
Từ đó, bảo đảm khống chế thành công các loại dịch bệnh động vật nguy hiểm tại Việt Nam. Vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật lưu thông trong nước. Thúc đẩy giao lưu thương mại xuất khẩu sản phẩm động vật đi các nước như trứng, thịt, sữa, mật ong, thủy hải sản,…. thực hiện tốt nhiệm vụ của Báo, Cục Thú y và Vụ Pháp chế được Bộ NN-PTNT giao.
NHÃN SÔNG MÃ GẶP KHÓ DO MƯA KÉO DÀI
Quang Dũng – Trung Quân - Sản xuất
Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Mã, năm 2023 diện tích nhãn trên địa bàn toàn huyện hơn 7.500 ha, sản lượng ước đạt hơn 70.000 tấn. Trong đó, nhãn chính sớm hơn 900 ha, nhãn chính vụ hơn 6.000 ha, nhãn chín muộn hơn 7 ha.
Theo nhiều HTX và hộ sản xuất tại đây, vụ nhãn sớm năm nay bà con phấn khởi vì giá bán ở mức cao 40.000-45.000 đồng/kg, có thời điểm 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn thu hoạch nhãn chính vụ thời tiết liên tục có mưa khiến việc thu hoạch cũng như chế biến nhãn gặp nhiều khó khăn.
Nhãn tươi xuất hiện hiện tượng nứt quả với số lượng lớn, đưa vào sấy long nhãn thì tốn kém thêm chi phí nhân công, nguyên liệu đốt. Bên cạnh đó, mưa khiến chất lượng nhãn bị ảnh hưởng nên số lượng thương lái đặt hàng cũng giảm đáng kể, dẫn tới giá bán nhãn tươi có chiều hướng giảm.
Cụ thể, nhãn tươi hiện đang có giá trung bình từ 9.000-10.000 đồng/kg, hàng chọn từ 15.000-17.000 đồng/kg, hàng làm long nhãn có giá 6.000-7.000 đồng/kg. Long nhãn có giá 130.000 đồng/kg (cao hơn so với cùng kỳ năm trước 11.000-12.000 đồng/kg).
Hà Giang duy trì 20.000ha diện tích đồng cỏ phục vụ chăn nuôi
Đào Thanh sx
Nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi đại gia súc phát triển, hàng năm tỉnh Hà Giang thường xuyên duy trì khoảng 20.000ha diện tích đồng cỏ. Các giống cỏ được trồng nhiều và thích nghi tốt với điều kiện địa hình núi đá trên cao nguyên là cỏ voi, cỏ VA06 và cỏ Guatemala.
Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã chú trọng phát triển con bò vàng Hà Giang cùng với thực hiện Đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa, giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025; bảo tồn nhân rộng và đẩy mạnh liên kết sản xuất để con bò vàng trở thành sản phẩm hàng hóa đặc sản chủ lực của địa phương. Do đó việc duy trì và mở rộng diện tích đồng cỏ nhằm đảm bảo nguồn thức ăn ổn định cho đàn gia súc, nhất là về mùa đông, thời tiết khắc nghiệt, diện tích đồng cỏ tự nhiên bị thu hẹp.
OCOP giúp đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới
Minh Quý sx
Sáng 14/8, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tuyên truyền, triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2023.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, Sự tự nguyện tham gia của các thành phần kinh tế giúp đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyên nghiệp hóa và gia tăng giá trị sản phẩm OCOP. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương.
Theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới Đắk Lắk, địa phương hiện có 136 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao, là sản phẩm OCOP của 57 xã, phường trên địa bàn. Với 93 chủ thể sản phẩm OCOP, trong đó tỷ lệ giữa các loại hình kinh doanh gồm HTX chiếm 29%, doanh nghiệp chiếm 34,4%, cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh chiếm 36,6%.