| Hotline: 0983.970.780

Toàn cảnh dự án 'Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai' ở Mộc Châu

Chủ Nhật 17/11/2024 , 16:29 (GMT+7)

Sơn La Sau 4 năm triển khai thực hiện, dự án đã mang đến diện mạo mới cho nông nghiệp hữu cơ của Mộc Châu (Sơn La), nâng cao tay nghề cho nông dân địa phương.

Tháng 11, đoàn làm việc của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) từ trụ sở Rome, Ý và đại diện Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc đã đến thăm Dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai” tại huyện Mộc Châu.

Dự án do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua FAO và được UBND tỉnh Sơn La cho phép Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ NN-PTNT) thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Thông qua nguồn lực dự án, FAO và Viện Nghiên cứu rau quả cung cấp cây giống, phân bón, dụng cụ kỹ thuật nông nghiệp chất lượng cao cho 34 hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh Sơn La. Các đối tượng cây trồng chính được thực hiện trong dự án gồm cà chua, dưa lưới, dưa chuột, dưa lê và ớt chuông. 

Một điểm dừng chân của đoàn chuyên gia là nhà lưới 1.700m2 của nông hộ Hà Văn Tiến (53 tuổi) ở tiểu khu 14, thị trấn Mộc Châu. Tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp, ông Tiến đã có nhiều năm kinh nghiệm canh tác rau hữu cơ trong nhà màng, học hỏi từ thành công của bạn bè phía Nam.

Kể từ khi tham gia dự án, ông Tiến nhận hỗ trợ kỹ thuật và tập huấn từ chuyên gia FAO, nhờ đó nâng cao kiến thức về vận hành nhà màng (sử dụng lưới cắt nắng và hệ thống tưới nhỏ giọt), an toàn trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và thiên địch, cũng như quy trình canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Qua 2 vụ canh tác ớt chuông và cà chua bi trong nhà lưới, sản phẩm rau quả của ông Tiến sinh trưởng ổn định, không còn bị rủi ro nhiễm bệnh trong đất như trước đây.

FAO cũng trang bị máy bắt côn trùng sử dụng năng lượng mặt trời trong nhà màng của ông Hà Văn Tiến. Thiết bị này hoạt động bằng cách phát ra sóng ánh sáng để thu hút và tiêu diệt ruồi đục lá Nam Mỹ. Tuy vòng đời chỉ 30 ngày nhưng khả năng sinh sản của chúng lên đến hàng nghìn trứng, có sức phá hoại rất lớn, đặc biệt trong các nhà lưới của bà con nông dân.

Ngoài ra, dự án hỗ trợ cải tạo các cơ sở nhân giống rau để cung cấp giống cho các hộ nông dân tham gia dự án cũng như các khu vực lân cận. Nông hộ Thái Thị Vân (bên phải) đã tham gia tập huấn kỹ thuật ghép cây giống ớt chuông và cà chua tại Viện Nghiên cứu rau quả.

Bằng cách ghép giống cây trồng có năng suất cao vào phần gốc có khả năng chống chịu bệnh, mà tỷ lệ sản xuất cây giống thành công lên đến 90%. So với trước đây, cây giống dễ bị bệnh nên tỷ lệ thành công trong nhà lưới nhân giống chỉ đạt 70%.

Ngoài việc khảo sát các hộ dân trong dự án, đoàn chuyên gia còn thăm Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Sơn La - nơi triển khai mô hình sản xuất rau trong nhà lưới bằng giá thể và thủy canh. Đây là giải pháp công nghệ tiềm năng cho nông dân địa phương, vì trong mùa mưa vừa qua, nhiều nhà vườn tại Mộc Châu chịu thiệt hại do cây rau bị nhiễm bệnh trong đất. 

Khi đất đã bị nhiễm bệnh và không thể tiếp tục canh tác, thì công nghệ trồng cây bằng giá thể không đất, sử dụng bịch xơ dừa và thủy canh là giải pháp tối ưu, đồng thời nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế cho các hộ dân có nhà lưới. Công nghệ này yêu cầu kiến thức, kỹ năng sản xuất rất cao. 

Tại nhà màng trình diễn của dự án, các chuyên gia hàng đầu về trồng trọt công nghệ cao đã có những trao đổi chuyên sâu, tích cực, cùng nhau chuẩn hóa mô hình trồng cây không dùng đất phù hợp với Mộc Châu. Quy trình kỹ thuật ở đây cần đảm bảo tính chính xác cao, để nông dân địa phương có thể đến quan sát, học hỏi và tìm hiểu khả năng đưa công nghệ mới vào vườn trồng của mình.

Nông nghiệp thông minh ở Mộc Châu

Dự án "Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai" gồm 4 hợp phần:

- Cải tạo, nâng cấp hệ thống nhà màng, nhà kính để tổ chức sản xuất rau

- Hỗ trợ công nghệ sau thu hoạch để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm rau

- Xây dựng quy trình hướng dẫn sản xuất rau an toàn trong nhà kính, nhà màng

- Kết nối sản phẩm rau vào chuỗi giá trị nông sản.

Xem thêm
Nuôi kiến vàng để tiêu diệt sinh vật gây hại vườn bưởi

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 90% mục tiêu. Nuôi kiến vàng để tiêu diệt sinh vật gây hại vườn bưởi. Hà Tĩnh: Tổng sản lượng thủy sản 10 tháng tăng gần 3,5% so với cùng kỳ. Giá tiêu trong nước đồng loạt tăng.

Kiểm soát những 'mối nguy', tạo vùng trồng sầu riêng bền vững

ĐBSCL Việc ký kết các nghị định thư liên quan đến xuất khẩu sầu riêng tươi và động lạnh là bước tiến quan trọng trong thương mại nông sản, đòi hỏi nông dân và doanh nghiệp không ngừng cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất, cải thiện chất lượng.

Kiểm soát lò giết mổ động vật xuyên đêm, 'chốt chặn' thực phẩm bẩn

Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Vĩnh Long tăng cường kiểm soát động vật nhập vào tỉnh, đồng thời bố trí cán bộ giám sát các cơ sở giết mổ động vật 24/24 để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Gìn giữ chữ viết dân tộc Khmer

Kiên Giang Mỗi năm, tỉnh Kiên Giang hỗ trợ hàng ngàn quyển sách giáo khoa chữ Khmer cho các cơ sở giảng dạy, để đồng bào dân tộc Khmer gìn giữ được chữ viết của mình.