Nguy cơ bệnh hại rau ở Mộc Châu
Dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua FAO và được UBND tỉnh Sơn La cho phép Viện Nghiên cứu Rau quả (Bộ NN-PTNT) thực hiện trên địa bàn tỉnh. Dự án hỗ trợ 34 hộ sản xuất, chủ vườn ươm tại huyện Mộc Châu (Sơn La) cải tạo và tối ưu hóa các nhà kính hiện có; cung cấp cây giống, phân bón, dụng cụ kỹ thuật nông nghiệp chất lượng cao cho các hộ dân thuộc dự án. Các đối tượng cây trồng chính được thực hiện trong dự án gồm cà chua, dưa lưới, dưa chuột, dưa lê và ớt chuông.
Tuy nhiên thời gian qua, các nhà vườn trồng rau tại Mộc Châu nói chung và các hộ dân trồng rau trong nhà lưới của dự án nói riêng đang đối mặt với vấn đề rất lớn, đó là nguy cơ cây rau bị nhiễm bệnh trong đất. Đặc biệt, vi khuẩn và tuyến trùng là hai đối tượng rất khó phòng trừ đối với các nhà vườn do chưa có thuốc đặc hiệu, kể cả thuốc hóa học.
Do tình trạng này, các hộ đã buộc phải chuyển đổi sang cây trồng khác với giá trị kinh tế thấp hơn và vẫn có nguy cơ bị các bệnh tương tự.
Bà Hà Thị Tươi ở bản Muống, xã Phiêng Luông (huyện Mộc Châu) được dự án hỗ trợ kỹ thuật và nhà màng trồng cà chua chia sẻ: “Côn trùng ăn hết lá rồi lại ăn quả, phun nhiều loại thuốc mà không ăn thua. Năm nào vườn nhà tôi cũng bị bướm gây thiệt hại, đặc biệt vào mùa mưa, đất ẩm, côn trùng dễ sinh sôi phát triển”.
Năm vừa rồi nhà bà Tươi mất mùa, năm nay năng suất tiếp tục thấp. Cà chua quả nhiều nhưng nhỏ, không đạt tiêu chuẩn, 7 - 8 quả mới đạt 1kg (so với các hộ lân cận chỉ cần 5 quả cà chua để đạt 1kg).
Theo chuyên gia FAO, nhằm khắc phục vấn đề nguồn bệnh trong đất, nông dân cần kiểm soát tốt hơn các khâu trong sản xuất, từ vườn ươm cây giống đến quản lý nhà lưới thật tốt. Nhà màng cần trang bị hệ thống lưới chắn côn trùng và cửa ra vào để ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ ngoài vào nhà lưới. Các biện pháp bón phân, tưới nước, cắt tỉa cần thực hiện đúng kỹ thuật để cây sinh trưởng tốt nhất.
Công nghệ sản xuất rau bằng giá thể, thủy canh
Khi đất đã bị nhiễm bệnh, không thể tiếp tục canh tác thì công nghệ trồng cây bằng giá thể không đất, sử dụng bịch xơ dừa và thủy canh là giải pháp cuối cùng để khắc phục tình trạng trên, đồng thời nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế cho các hộ dân có nhà lưới. Tuy nhiên, công nghệ này yêu cầu kiến thức, kỹ năng sản xuất rất cao.
Ngày 30/8, FAO đã tổ chức chuyến tham quan thực tế cho đại diện 34 hộ gia đình tham gia dự án tại nhà lưới 1.600m2 tại Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao Mộc Châu.
Ba mô hình được thử nghiệm gồm 1 mô hình trồng dưa lưới, 1 mô hình trồng cà chua bằng giá thể xơ dừa, 1 mô hình trồng rau xà lách thủy canh. Tại đây, nông dân được trực tiếp khám phá quy trình kỹ thuật sản xuất rau bằng công nghệ không đất. Các mô hình này giúp nông dân hiểu rõ hơn về các kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến và mang lại cơ hội tăng năng suất trong canh tác rau quả.
Theo TS Tạ Thế Hùng, chuyên gia thủy canh của FAO Việt Nam, công nghệ thủy canh rất phù hợp cho để sản xuất các loại rau ăn lá như xà lách và rau cải. Phương pháp này giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng một cách hiệu quả, đồng thời tiết kiệm nước và không gian, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Cùng với đó, công nghệ trồng cây bằng giá thể là phương pháp tiên tiến được áp dụng trong sản xuất các loại rau ăn quả như cà chua, dưa lưới, dưa chuột và ớt chuông. Phương pháp này không chỉ giúp tối ưu hóa quá trình trồng trọt mà còn giúp kiểm soát tốt hơn các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
Giá thể xơ dừa là một trong những yếu tố quan trọng trong mô hình trồng cà chua beef tại Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao Mộc Châu. Giá thể này có khả năng giữ nước tốt, đồng thời có tính thoát nước cao. Tuy nhiên, xơ dừa lại dễ bị phân hủy, vì vậy thường được trộn theo tỷ lệ 70% xơ và 30% mụn để tăng độ bền và hiệu quả sử dụng trong quá trình trồng trọt.
Để đảm bảo chất lượng và năng suất, bên cạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến, các hộ gia đình tham gia dự án được khuyến khích áp dụng một số giải pháp phòng trừ các đối tượng bệnh nghiêm trọng. Sử dụng giá thể qua xử lý mầm bệnh bằng cách hấp nhiệt và bổ sung chế phẩm Trichoderma giúp hạn chế sự phát triển của mầm bệnh.
Đồng thời, việc sử dụng giống tốt hoặc cây ghép cũng là biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Trong việc phòng trừ bệnh bằng thuốc bảo vệ thực vật, có thể sử dụng các loại thuốc đặc trị như Nimitz 480EC (Israel), Velum Primer 400SC (Bayer, Đức) và AT Padave (thuốc sinh học) để phòng trừ tuyến trùng.
Các loại thuốc chứa đồng như Mancozeb, Ridomil hoặc các hoạt chất Thiamethoxam, Dimethomorph đều có hiệu quả cao trong việc phòng trừ các bệnh nấm, đặc biệt là bệnh sương mai.
Nông dân phản hồi tích cực
Hiệu quả của mô hình sản xuất cây không dùng đất đã được minh chứng qua thực tế tại Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao Mộc Châu. Đặc biệt, dưa lưới Hà Lan là loại quả có giá trị cao. Quả dưa lưới trong mô hình thí điểm của FAO đạt trung bình 1,7kg/quả, nhiều trái nặng trên 2kg.
Nhiều hộ nông dân đánh giá cao những ưu điểm vượt trội mà kỹ thuật trồng cây không dùng đất này mang lại, từ việc giảm thiểu rủi ro sâu bệnh hại đến tối ưu hóa sử dụng tài nguyên như nước và dinh dưỡng, cây trồng phát triển đồng đều, năng suất cao và chất lượng sản phẩm cải thiện rõ rệt so với phương pháp thổ canh canh truyền thống.
Theo đó, mô hình này không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí thuốc bảo vệ thực vật mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tạo điều kiện cho nền nông nghiệp bền vững hơn.
Những phản hồi tích cực này càng khẳng định mô hình trồng cây không dùng đất là hướng đi đúng, mở ra cơ hội mới cho ngành nông nghiệp công nghệ cao tại Mộc Châu cũng như các vùng lân cận.
Chuyên gia Lê Như Thịnh (Viện Nghiên cứu Rau quả) cho biết, công nghệ thủy canh đã được nhiều cơ sở tại Lâm Đồng và TP.HCM áp dụng rộng rãi nhờ lợi thế giúp cây trồng ít chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài. Ở Mộc Châu, mặc dù rau quả đã được chú trọng phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, nhưng đây là lần đầu tiên địa phương có mô hình thí điểm sản xuất thủy canh.
“Thông qua việc triển khai mô hình này, dự án kỳ vọng sẽ giúp bà con có cái nhìn tổng thể về vị trí của mình trong quá trình sản xuất rau quả, bởi hiện tại, hầu hết hộ dân ở Mộc Châu vẫn chủ yếu trồng cây trên đất, trong khi số hộ ứng dụng trồng trên giá thể hoặc thủy canh còn rất ít. Mô hình thí điểm mở ra hướng đi mới giúp các hộ dân nhận thức rõ hơn về vai trò của những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và dần trang bị kiến thức để sẵn sàng tiếp cận thị trường khi có nhu cầu”, ông Thịnh nói.
Dù mô hình thủy canh yêu cầu chi phí đầu tư cao hơn so với trồng cây trên đất và nhiều người tiêu dùng vẫn ưu tiên sản phẩm trồng trên đất, nhưng đây là hướng đi hứa hẹn nhiều tiềm năng bởi thị trường ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn, yêu cầu sản phẩm phải có chất lượng cao và giá thành ổn định. Vì vậy, các mô hình trồng rau quả công nghệ cao như thủy canh hoàn toàn có khả năng đáp ứng những yêu cầu này, mở ra cơ hội nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản.