"Cần đặt hiệu quả làm đầu chứ không thể trồng cao su bằng mọi giá", là ý kiến của ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN tại một buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa hồi giữa năm 2014. Từ ý kiến trên, Cty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa đã điều chỉnh kế hoạch trồng mới, khai thác đảm bảo hiệu quả, bền vững.
Tính đến thời điểm này Cty cao su Thanh Hóa có 251 ha cao su đưa vào khai thác; năm 2014 trồng mới được 101 ha, nâng tổng diện tích cao su đại điền lên 2.865 ha, toàn bộ diện tích đều phát triển đạt loại A theo quy chuẩn Tập đoàn đề ra. Hiện Cty đang tập trung chăm sóc đợt 2 diện tích 2.500 ha cao su kiến thiết cơ bản, phấn đấu đến 15/10 hoàn thành.
Trao đổi với một lãnh đạo Cty, được biết, ban đầu Cty đặt kế hoạch trồng mới năm 2014 khoảng 200 ha, nhưng trên tinh thần chỉ đạo của Tập đoàn cũng như lãnh đạo tỉnh, Cty không làm bằng mọi giá để trồng cho đạt kế hoạch. Bởi thời điểm này giá cao su sụt giảm thê thảm, một số bộ phận người dân dao động trước việc tin tưởng hay không tin tưởng cây cao su.
Còn đối với khai thác, kế khoạch là 251 ha, nhưng cũng vì giá mủ thấp nên Cty chỉ thí điểm cạo 70 – 100 ha ở 2 nông trường Phúc Do (huyện Cẩm Thủy) và Bãi Trành (Như Xuân) để làm tiền đề cho năm 2015.
“Cao su cạo muộn một năm cũng không sao, nhưng nếu khai thác bây giờ mà năng suất chỉ đạt trên 4 tạ/ha thì không chỉ dân không có thu nhập mà Cty cũng lỗ to. Vì thế, phương án chỉ khai thác một phần diện tích để làm mô hình theo tôi là rất hợp lý”, vị lãnh đạo này nói.
Đối với cao su tiểu điền, hiện Thanh Hóa có hơn 3.000 hộ thuộc 6 huyện trồng cao su theo dự án của tỉnh từ năm 1997 với tổng diện tích 15.000 ha, có ký hợp đồng bán mủ cho Cty. Những diện tích này hầu hết sản lượng mủ khai thác đạt thấp, một phần do giống, một phần do chăm sóc và điều kiện thời tiết.
“Năm nay giá mủ thấp hơn năm 2013 gần một nửa (hiện bán khoảng 21.000đ/kg), nên rất nhiều hộ dân phải đi cạo mủ lấy công làm lãi. Chỉ có những gia đình khá giả, có điều kiện chăm sóc thì mới giữ ổn định vườn cây chờ khi giá mủ tăng lên để khai thác. Thực trạng này khiến sản lượng mủ thu mua của Cty mới đạt 300/1.300 tấn kế hoạch”, lãnh đạo Cty cao su Thanh Hóa nói.
Theo phân tích của ông Đỗ Viết Liêm, Tổng giám đốc Cty Cao su Thanh Hóa, cao su là cây trồng đa chức năng, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giữ nước, chống sạt lở ở miền núi, ngập úng vùng hạ lưu.
Để mở rộng diện tích cao su đại điền trên địa bàn, Cty Cao su Thanh Hóa đang hoàn tất các thủ tục sáp nhập Cty Lâm nghiệp Lang Chánh và Cty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc (thuộc Tổng Cty Giấy Việt Nam) về Tập đoàn CNCSVN. Theo kết quả ra soát, diện tích có thể trồng cao su khoảng hơn 5.900 ha và 1.124 ha rừng phòng hộ trồng cây nguyên liệu giấy. Tổng số hộ tham gia là 909. |
Đặc biệt, đây là một trong những cây trồng có chu kỳ kinh tế dài hơn nhiều so với các cây trồng khác (khoảng 20 năm). Tuy nhiên lâu nay việc phát triển cao su tiểu điền theo hướng tự phát, không theo quy trình nên kỹ thuật hạn chế, chất lượng vườn cây không cao đã khiến chu kỳ khai thác của vườn cây giảm xuống còn 7 – 8 năm.
“Nếu không có một cơ quan điều tiết, chỉ đạo các vùng cao su tiểu điền tôi e rằng trong tương lai kế hoạch phát triển cao su ở Thanh Hóa sẽ rất khó đạt được”, ông Liêm trăn trở.
Để cây cao su phát triển bền vững, Tập đoàn CNCSVN cần đảm bảo đủ lương đáp ứng mức sống cơ bản cho công nhân ở các Cty.
Còn với diện tích cao su tiểu điền, phải có chính sách để người dân giữ vườn cây; đồng thời, xây dựng một đội ngũ thợ khai thác mủ đúng kỹ thuật, gắn bó với cây cao su; có một tổ chức nhập, quản lý giống cho bà con đến khi khai thác mủ, tránh trường hợp bỏ mặc nông dân tự đi mua giống tràn lan ngoài thị trường.
Chia sẻ giải pháp vượt qua khó khăn của Cty, ông Đỗ Viết Liêm nói: “Trước mắt chúng tôi giáo dục tư tưởng cho CB, CNV; công khai các khoản thu chi để người lao động làm chủ, cùng chung tay với ban lãnh đạo vượt qua khó khăn; cố gắng vận dụng hết các nguồn thu từ SX mía và các lĩnh vực kinh doanh khác để giữ thu nhập ổn định cho người lao động.
Đối với phát triển cao su, chú trọng tăng năng suất vườn cây bằng cách lựa chọn bộ giống phù hợp với đặc điểm từng vùng khí hậu; khu vực rét ít, nhiệt độ bình thường trồng các giống RIW 124, Rim 712, Rim 600; vùng rét đậm SX giống YAN 873, Vân Nghiên 77 - 4, 77 – 3… Bón phân đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng và phù hợp với từng vùng miền.
Đồng thời, đưa đội ngũ thợ cạo có kỹ thuật vào khai thác mủ; sử dụng có hiệu quả thuốc kích thích phục vụ khai thác trong điều kiện bất thuận”.