Xe tăng Trung Quốc được đưa tới Nga tham gia tập trận. Ảnh: SCMP. |
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuần trước thông báo sẽ điều 3.200 binh sĩ cùng 30 máy bay tham gia cuộc tập trận Vostok-2018 lớn nhất trong lịch sử Nga, diễn ra ngày 11-15/9 tại Siberia và Viễn Đông. Giới chuyên gia đánh giá Bắc Kinh sẽ thu được nhiều lợi ích khi tham gia cuộc tập trận này, theo SCMP.
Trong thời Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc và Liên Xô từng nhiều lần tỏ ra nghi kỵ nhau, với đỉnh điểm là cuộc xung đột chớp nhoáng ở biên giới hai nước năm 1969. Phải đến năm 2005, Nga mới bắt đầu mời Trung Quốc tham gia tập trận chung, nhưng chỉ ở cấp chiến thuật với quy mô nhỏ.
Chuyên gia quân sự Todd South cho rằng việc góp mặt trong cuộc tập trận lớn nhất lịch sử của Nga sẽ làm gia tăng đáng kể vị thế của Trung Quốc, đặt nước này ngang hàng với các đồng minh quân sự thân cận nhất của Moskva.
Với 3.200 binh sĩ và 900 khí tài các loại, đây là lần triển khai quân sự lớn nhất của Trung Quốc trên lãnh thổ Nga. Quân đội Trung Quốc sẽ tham gia nhiều khoa mục tại Vostok-2018 với vai trò là quân xanh, thay vì chỉ hỗ trợ đồng minh.
Song Zhongping, chuyên gia quân sự Trung Quốc, đánh giá cuộc tập trận này là cơ hội để binh sĩ Trung Quốc học hỏi kinh nghiệm thực chiến của Nga, bao gồm các chiến thuật và chiến lược đúc kết từ cuộc chiến ở Syria và Chechnya.
"Vai trò của Trung Quốc ở Vostok-2018 rất hạn chế. Tuy nhiên, đây là cơ hội hiếm hoi để học hỏi kinh nghiệm thực tế, nhất là khi Trung Quốc chưa từng tham chiến trong hàng chục năm qua", Song nói.
Xe tăng Nga trong cuộc tập trận quy mô lớn Zapad-2017. Ảnh: Sputnik. |
Nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết Nga đã đưa kinh nghiệm từ cuộc chiến ở Syria vào giáo trình giảng dạy trong các học viện quân đội. Những thông tin này sẽ được chia sẻ với lực lượng Trung Quốc. "Đây là lần đầu tiên Nga chia sẻ kiến thức tác chiến với quân đội nước ngoài. Trung Quốc là quốc gia duy nhất chưa có kinh nghiệm thực chiến trong số các cường quốc và rất mong chờ cơ hội này", nguồn tin trên khẳng định.
Trung Quốc coi việc không tham gia bất cứ cuộc chiến nào trong thời gian quá lâu là "căn bệnh thời bình", có thể làm suy giảm năng lực sẵn sàng chiến đấu của đội ngũ sĩ quan, binh sĩ, trong khi các lý thuyết tác chiến của họ có nguy cơ xa rời thực tế vì không được kiểm nghiệm trên chiến trường.
Theo chuyên gia quân sự Zhou Chenming, việc Bắc Kinh cử lực lượng tham gia Vostok-2018 cũng nhằm thể hiện sự ủng hộ chính trị với Tổng thống Nga Vladimir Putin trước áp lực ngoại giao từ phương Tây.
"Putin muốn phô diễn sức mạnh quân sự vì lo ngại việc Liên minh châu Âu (EU) triển khai kế hoạch quân sự Schengen cùng NATO sẽ đẩy Nga khỏi châu lục này. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng liệt Bắc Kinh và Moskva vào danh sách đối thủ chiến lược", Zhou nhận định.
Jonathan Holslag, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Brussels của Bỉ, cho rằng cả Nga và Trung Quốc đều muốn phô diễn sức mạnh trong cuộc tập trận lần này để "gửi thông điệp răn đe đến phương Tây".
Địa điểm diễn ra nội dung tập trận Vostok-2018. Đồ họa: SCMP. |
"Dù hai bên vẫn thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, Nga không có lựa chọn nào khác ngoài bắt tay với Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ Moskva - Washington đang căng thẳng, nguồn hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh rất cần thiết để giảm thiểu tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây", Holslag đánh giá.
Colin Koh, học giả từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore nhận định sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại cuộc tập trận lớn nhất của Nga có thể gợi lại ký ức về Chiến tranh Lạnh, nhưng điều này không thể ngăn Mỹ và đồng minh triển khai các kế hoạch trong khu vực.
"Các bên liên quan sẽ phải thận trọng để tránh gây ra khiêu khích dẫn đến một cuộc đối đầu vũ trang trực tiếp, bởi việc tăng cường hoạt động quân sự có thể dẫn tới hiểu nhầm, vô tình khơi mào xung đột quân sự", Koh nhấn mạnh.