Tuy kinh tế gia đình thuộc loại khá giả, cha mẹ luôn ước mơ con đường tiến thân vào đời của tôi bằng tấm bằng đại học, nhưng tôi đã làm họ thất vọng. Trầy trật lắm, tôi mới lấy được tấm bằng tốt nghiệp PTTH loại trung bình. Biết rõ học lực của mình, tôi không thi đại học, mà xin đi làm ở một công ty chuyên sản xuất - kinh doanh gốm ở làng gốm Tân Vạn (TP .Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Tại đây, tôi đã gặp và kết hôn với Vy, một nữ công nhân cùng dây chuyền sản xuất. Vy có hộ khẩu tại phường Bửu Long (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Ngày ấy, ở tuổi 18, tôi là công nhân mới vào làm việc trong công ty. Còn Vy tuổi 20, đã có 2 năm trong nghề. Vì vậy, thời gian đầu, Vy nhiệt tình hướng dẫn tôi trong công việc. Qua lần đầu tiên tiếp xúc, Vy đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp. Bởi cô ấy có khuôn mặt dễ nhìn, tính tình hòa đồng, nhã nhặn, tốt bụng… nhưng cá tính cũng mạnh mẽ, chững chạc.
Trong hôn nhân, việc “nhất gái lớn hai, nhì trai lớn một” không phải là điều cấm kỵ trong lá số tử vi. Có lẽ vì thế, sau gần 2 năm tiếp xúc, gần gũi, làm việc cùng nhau… tình yêu lứa đôi đã đến với tôi và Vy. Đó là một ngày kỷ niệm đáng nhớ và đầy hạnh phúc, khi tôi tỏ tình với cô ấy, trong chuyến cùng nhau tham quan khu du lịch Đồng Trường - Đảo Ó (huyện Vĩnh An, tỉnh Đồng Nai). Trong tình huống ấy, Vy ngỡ ngàng nhưng cũng bình tâm hỏi lại: “Anh suy nghĩ kỹ lưỡng chưa? Việc hôn nhân là hệ trọng, không phải chuyện đùa”. Trước tình cảm chân thật của tôi, Vy đã gật đầu đồng ý.
Sau gần 1 năm yêu nhau và có công việc ổn định, tôi và Vy mạnh dạn công bố mối quan hệ của mình. Gia đình Vy ủng hộ, còn gia đình tôi phản đối. Lý do cha mẹ tôi đưa ra là Vy lớn hơn tôi 2 tuổi và cũng không muốn cưới dâu ngoài tỉnh xa xôi. Mặt khác, lý do chính là cha mẹ muốn tôi cưới con gái một người bạn giàu sang, để tôi nương nhờ tấm thân. Ngày ấy, vì quá yêu Vy và cũng vì lòng tự trọng, tôi không nghe lời cha mẹ và nhất quyết làm theo ý mình. Biết không thể thuyết phục được tôi và cũng sợ tôi làm điều dại dột, cha mẹ buộc lòng chấp nhận cho tôi cưới Vy.
Sau ngày cưới, để gần gũi chỗ làm và tránh cảnh va chạm giữa cha mẹ chồng và nàng dâu (vì đã “bằng mặt, không bằng lòng”), ngày ấy tôi tạm thời về ở rể bên gia đình Vy, vào năm 2008. Trong 2 năm đầu, vợ chồng tôi chung sống với nhau vô cùng hạnh phúc. Niềm vui ấy được nhân lên khi đứa con trai bụ bẫm chào đời vào năm 2010.
Ngày ấy, nếu tôi biết nghe lời và chấp nhận cùng vợ làm công nhân, để nuôi dạy con trai thì tốt biết mấy. Đằng này, tôi lại theo lời bạn bè, đổ hết vốn liếng tích lũy được vào việc kinh doanh quán nhậu. Cuối cùng, tôi thất bại thảm hại, trở thành kẻ trắng tay, nợ nần chồng chất. Từ đó, gia đình nhỏ của vợ chồng tôi không còn ấm cúng. Những trận đấu khẩu giữa tôi và Vy thường xuyên xảy ra. Sau khi bán nhà và được cha mẹ 2 bên cho thêm tiền trả nợ, vợ chồng tôi ra tòa ly hôn. Tôi về sống với cha mẹ ruột ở TP. Thủ Dầu Một. Vy và con trai về tá túc với ông bà ngoại, tại phường Bửu Long.
Sau gần 7 năm ly hôn, vợ chồng tôi mỗi người mỗi ngả, nhưng chẳng ai đi thêm bước nữa. Sau lần vấp ngã ấy đã cho tôi nhiều kinh nghiệm trên thương trường. Giờ tôi đã trở thành thương nhân thành đạt, sở hữu trong tay nhiều cửa hàng kinh doanh gốm mỹ nghệ ở Bình Dương. Mặc dù mỗi tuần tôi thường xuyên về Đồng Nai để thăm vợ con, nhưng tôi rất muốn gia đình mình sum họp dưới một mái nhà. Ngặt nỗi, tôi có nên bỏ qua cái tôi, “xuống thang” lên tiếng trước, để vợ xí xóa lỗi xưa mà đưa con về và vợ chồng trùng phùng. Tôi có nên làm vậy không? Các bạn hãy cho tôi lời khuyên!