| Hotline: 0983.970.780

'Tôi thấy mình có khuyết điểm và có trách nhiệm với bà con Sầm Sơn'

Thứ Ba 08/03/2016 , 09:05 (GMT+7)

Khi cuộc đối thoại của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến với ngư dân thị xã Sầm Sơn kết thúc bằng nhiều tiếng vỗ tay cũng là lúc chiếc xe cứu thương, xe tải chở cảnh sát cơ động trực sẵn trước cổng Tỉnh ủy bắt đầu rút, báo hiệu sự giảm nhiệt của vụ việc…

Dân không nhận tiền, không di dời bến

Sáng 7/3, ông Trịnh Văn Chiến cùng nhiều lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, một số ban ngành cấp tỉnh, thị ủy, UBND thị xã Sầm Sơn đã tham gia đối thoại với ngư dân Sầm Sơn bị ảnh hưởng bởi dự án không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn.

Mới 7h sáng, mọi ngả đường đổ về Trung tâm bồi dưỡng thanh thiếu niên thị xã Sầm Sơn đã được siết chặt, hội trường nơi diễn ra đối thoại chật kín người.

8h30 bắt đầu buổi đối thoại. Sau bài phát biểu của ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, là hàng chục ý kiến của người dân Sầm Sơn.

Một ngư dân phường Bắc Sơn có ý kiến: “Ai có tiền, người ta đóng tàu to, ra khơi. Còn người nào nghèo như chúng tôi thì không có vốn, không có tiền, không thể đóng tàu to được, nên phải đi thuyền bé. Nghề biển phải có nghề khơi và nghề lộng. 

Tuy là thuyền bé, chúng tôi cũng có thể đi biển, kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Nếu không đi biển, thì chúng tôi bây giờ làm gì được? Chúng tôi đề nghị, tỉnh dành cho chúng tôi một bến thuyền, để chúng tôi có thể làm ăn, sinh sống... Nếu phải đi xa gần chục cây số thì chúng tôi vô cùng khó khăn và khổ sở”.

Ồn Vũ Đình Chiến ở phường Trường Sơn, thì cho hay: “Người dân Sầm Sơn lúc nào cũng muốn cho bãi biển Sầm Sơn sạch đẹp. Vì sự phát triển của Sầm Sơn và của tỉnh, đã nhiều lần ngư dân phải dời bến thuyền nhường đất. Nhưng nếu lấy hết bến thì không được. Nguyện vọng là chúng tôi muốn được để lại 1km bãi biển để làm nghề, đồng thời phát triển làng nghề kết hợp với du lịch...”.

Bà Nguyễn Thị Tròn, ở phường Trung Sơn: “Chúng tôi đề nghị tỉnh để lại cho chúng tôi một khu vực để làm bến thuyền. Chúng tôi là ngư dân, chúng tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh hãy thương lấy chúng tôi, vì chúng tôi là dân nghèo.

Chúng tôi đề nghị tỉnh hãy cho chúng tôi giữ lại nghề truyền thống cho nhân dân chúng tôi. Vấn đề hỗ trợ cho dân chúng tôi, chúng tôi cảm ơn nhưng chúng tôi không nhận một đồng nào, mà chúng tôi xin lãnh đạo tỉnh cho nhân dân đi biển chúng tôi giữ lại bến thuyền truyền thống.

Chúng tôi đồng ý việc cải tạo bờ biển, vì nó đẹp đẽ hơn, mở mang được du lịch hơn, nhưng hãy dành cho chúng tôi một ít bãi biển để neo tàu thuyền...”.

Ông Văn Công Bình, ngụ phường Trường Sơn bức xúc: “Bao đời nay, người dân Sầm Sơn đã hy sinh xương máu để có được Sầm Sơn hôm nay. Tại sao lại giải tỏa, không cho đánh bắt gần bờ? Trước khi làm cái này dân có được biết không, dân có được bàn không? Tạo mọi điều kiện cho người dân được đánh bắt cá trên biển của ta nhưng tại sao chúng tôi khai thác trên bờ biển Sầm Sơn mà lại trái phép?”.

Còn ông Cao Sỹ Hải, phường Trung Sơn, nêu quan điểm: “Nếu FLC vào thì dân Sầm Sơn có được hưởng lợi gì không? Nói là chuyển đổi nghề, tuyển vào công ty làm việc. Nhưng những người lao động tuổi đã cao, những người học hành ít, thậm chí chưa học hết cấp 1 như chúng tôi liệu công ty có tuyển không?”.

Tính đến 10h, đã có 13 ý kiến của người dân đại diện cho các hộ thuộc 4 phường, xã của thị xã Sầm Sơn bị ảnh hưởng của dự án. Đa số ý kiến đều cho biết họ không muốn nhận tiền hỗ trợ bồi thường, không muốn di dời mà chỉ cần từ 500m đến 1km bờ biển.

Hướng về tương lai, lợi ích đại cục

Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến sau khi nghe tất cả ý kiến của người dân đã đứng ra nhận lỗi trước bà con ngư dân Sầm Sơn.

Ông Chiến nói: “Việc xảy ra như những ngày qua là rất đáng tiếc. Dù bất cứ ở góc độ nào, thì với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của cấp ủy, chính quyền tỉnh, tôi thấy mình có khuyết điểm và có trách nhiệm với bà con Sầm Sơn và nhất là với bà con ngư dân hôm nay đang ngồi ở đây”.

Việc nhiều ngày qua bà con Sầm Sơn tụ tập đông người kéo lên các cơ quan của tỉnh, thị xã Sầm Sơn là việc làm vi phạm pháp luật, hạ thấp hình ảnh tốt đẹp của con người Sầm Sơn, của người dân Thanh Hóa.

15-12-58_dsc_1233
Một người dân Sầm Sơn nêu kiến nghị

Đồng thời, biển, bờ biển là của đất nước chúng ta, của người dân chúng ta, trong đó có Sầm Sơn, không có chuyện tỉnh thu biển, bờ biển giao cho bất cứ doanh nghiệp nào.

Sầm Sơn là một bãi biển đẹp trong cả nước nhưng tiếc rằng chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh. Hướng về tương lai, đảm bảo cho lợi ích đại cục Thanh Hóa có chủ trương chỉnh trang, đầu tư cải tạo để đưa bãi biển Sầm Sơn trở thành một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam.

Vì vậy, những năm qua tỉnh đã đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư với nguồn kinh phí lớn (khoảng 10.000 tỷ đồng) đã làm cho bộ mặt Sầm Sơn thay đổi căn bản, đồng thời hướng đến du lịch 4 mùa thay cho du lịch một mùa như hiện tại. Làm được điều này người hưởng lợi trước hết là bà con nhân dân thị xã Sầm Sơn.

Việc tỉnh chủ trương giải bản, dần xóa bỏ hình thức đánh bắt ven bờ là thực hiện Nghị định số 59/NĐ-CP năm 2005 của Chính phủ và hướng dẫn số 02 của Bộ NN&PTNT năm 2006 về quy định hạn chế các tàu thuyền công suất dưới 20CV sẽ bị hạn chế đánh bắt, tiến tới cấm hoạt động để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục vụ cho sự phát triển lâu dài của đất nước.

Một số địa phương như Hạ Long - Quảng Ninh, Cửa Lò - Nghệ An, Nha Trang - Khánh Hòa... đã thực hiện Nghị định trên gần 10 năm nay. Ở Thanh Hóa đã có chủ trương từ 6 năm nay nhưng hiện mới ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ từ 1/3/2016 để triển khai thực hiện.

Để tạo thuận lợi cho bà con ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống, tỉnh đã ban hành cơ chế riêng ưu đãi và cao hơn so với chính sách hỗ trợ thủy sản hiện nay, chỉ áp dụng cho các hộ phải di dời bến trên địa bàn thị xã Sầm Sơn.

Tuy nhiên, do thời gian ban hành cơ chế chính sách là mới, việc tuyên truyền vận động đến bà con chỉ trong thời gian ngắn nên một bộ phận bà con chưa hiểu rõ chủ trương, chính sách của tỉnh.

Hơn nữa, trong tất cả các văn bản chỉ đạo, không có văn bản nào quy định rõ thời gian phải di dời bến. Trong Thông báo số 01-TB/VPTU ngày 2/10/2015 cũng chỉ nêu nội dung: Giao Thị ủy, UBND thị xã Sầm Sơn tìm bến đỗ mới và xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại bến mới, đảm bảo các yêu cầu cho ngư dân neo đậu tàu thuyền, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân phù hợp, tổ chức tuyên truyền, vận động, thống nhất với bà con ngư dân, khi đủ điều kiện cần thiết mới chuyển sang bến mới...

Văn bản này giao cho UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành các công việc, nhưng quá trình tổ chức thực hiện của các cấp, ngành từ tỉnh đến thị xã Sầm Sơn chưa đạt yêu cầu.

Vì vậy, bà con nào đồng ý với chủ trương, chính sách của tỉnh thì nhận tiền và thực hiện theo Quyết định 705 ngày 1/3/2016 nhưng chỉ thực hiện đến 15/4/2016. Bà con nào vì nhiều lý do mà chưa thống nhất thì cứ làm bình thường như trước đây đã làm, không có vấn đề gì thay đổi.

Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tại thị xã Sầm Sơn, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật, lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân, điều tra, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm..., giúp đỡ ngư dân ổn định cuộc sống và tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả...”.

Cuối buổi đối thoại, ông Trịnh Văn Chiến khẳng định thêm: “Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm điểm sâu sắc việc để xảy ra vụ việc nêu trên để rút kinh nghiệm trong thực hiện các nhiệm vụ sắp tới...”.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...