| Hotline: 0983.970.780

Tôm nuôi nước lợ đầu vụ nhiều thuận lợi

Thứ Tư 10/03/2021 , 09:44 (GMT+7)

Nông dân các tỉnh ven biển ĐBSCL đang tập trung thả nuôi tôm nước lợ 2021. Đầu vụ nuôi nhiều thuận lợi, độ mặn, thời tiết ổn định, ít phát sinh dịch bệnh…

Đẩy nhanh tiến độ thả giống

Vụ nuôi tôm nước lợ 2021, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch thả nuôi 136.000 ha, sản lượng thu hoạch 98.000 tấn.

Hiện tình hình thời tiết khá thuận lợi, nắng không quá gay gắt, không xảy ra mưa trái mùa, các công trình điều tiết mặn ngọt phát huy hiệu quả, độ mặn thích hợp nên nông dân đang đẩy nhanh tiến độ thả tôm giống.

Hiện nay, các điều kiện thả nuôi tôm nước nợ đang thuận lợi, nông dân Kiên Giang tích cực đẩy nhanh tiến độ thả tôm giống. Ảnh: Trung Chánh.

Hiện nay, các điều kiện thả nuôi tôm nước nợ đang thuận lợi, nông dân Kiên Giang tích cực đẩy nhanh tiến độ thả tôm giống. Ảnh: Trung Chánh.

Đến cuối tháng 2, nông dân trong tỉnh đã thả nuôi tôm nước lợ được 68.235 ha, đạt hơn 50% diện tích kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp là 853 ha, toàn bộ là thả nuôi tôm thẻ chân trắng. Nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến được 19.716 ha và nuôi tôm - lúa 47.666 ha. Hiện tôm nuôi phát triển tốt, dịch bệnh ít.

Địa phương có diện tích nuôi tôm nước lợ nhiều là huyện An Minh, đến nay đã thả nuôi được hơn 33.000/52.700 ha, gồm nuôi tôm - lúa 24.262 ha và quảng canh cải tiến 8.719 ha. Huyện Vĩnh Thuận thả nuôi 23.000/29.170 ha, tôm - lúa chiến hơn 20.000 ha, còn lại là quảng canh cải tiến.

Riêng tôm nuôi thâm canh công nghiệp, chủ yếu tập trung ở các huyện Kiên Lương (đã thả nuôi 607 ha), Giang Thành (110 ha) và TP Hà Tiên (78 ha).

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, để vụ tôm nuôi 2021, ngay từ đầu vụ ngành nông nghiệp đã xây dựng khung thời vụ thả nuôi cho từng vùng sinh thái, hình thức thả nuôi. Qua đó, khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ, cũng như các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo vụ nuôi thắng lợi toàn diện.

Theo đó, đối với mô hình nuôi tôm - lúa, chủ yếu ở các huyện U Minh Thượng, thả giống tôm sú từ tháng 1 đến tháng 4/2021. Vùng ven biển Hòn Đất - Kiên Lương - Hà Tiên và Giang Thành, thả giống tôm sú từ tháng 3 đến tháng 4, muộn nhất là đến tháng 5/2021.

Nuôi thâm canh công nghiệp và bán thâm canh (chủ yếu tập trung ở vùng Tứ giác Long Xuyên), vụ 1 thả giống từ tháng 1 đến tháng 4/2021, thu hoạch dứt điểm vào tháng 7. Vụ 2 cách thời điểm thu hoạch vụ 1 ít nhất 30 ngày, để xử lý vệ sinh, cải tạo ao và kết thúc thả giống trong khoảng tháng 8 đến tháng 9/2021.

Đối với cơ cấu tôm nuôi quảng canh cải tiến và tôm - rừng, căn cứ vào thời tiết và độ mặn từng vùng, tiến hành thả nuôi cho sao phù hợp. Khuyến khích nuôi theo hình thức “thu tỉa - thả bù”, định kỳ từ 1 đến 1,5 tháng thả giống một lần và thu hoạch khi tôm đạt kích cỡ nhu cầu thị trường. Nên ương vèo lưới tôm giống giai đoạn đầu từ 3 -4 tuần trước khi thả ra nuôi để giảm hao hụt.

Cùng với nhiều tỉnh ven biển ở ĐBSCL, người nuôi tôm ở tỉnh Sóc Trăng cũng đang tích cực thả nuôi vụ tôm mới. Theo kế hoạch, Sóc Trăng sẽ thả nuôi tôm nước lợ năm 2021 với diện tích 51.000 ha, trong đó tôm sú 16.000 ha, tôm thẻ chân trắng 35.000 ha. Sản lượng tôm nuôi 172.000 tấn (tôm sú 24.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 148.000 tấn).

Nông dân ĐBSCL đang chuẩn bị các điều kiện để xuống giống nhanh vụ tôm nuôi nước lợ năm 2021 và tăng cường các biện pháp chăm sóc diện tích đã thả nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân ĐBSCL đang chuẩn bị các điều kiện để xuống giống nhanh vụ tôm nuôi nước lợ năm 2021 và tăng cường các biện pháp chăm sóc diện tích đã thả nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Từ đầu vụ tôm năm nay, Chi Cục Thủy sản Sóc Trăng đã lên kế hoạch thông tin đến các HTX, hộ dân nuôi tôm các địa phương. Đáng chú ý là bám sát theo nhận định thời tiết của Đài Khí tượng Thủy văn địa phương. Theo đó điều kiện khí tượng và thủy văn năm 2021 trên địa bàn có những điểm đáng lưu ý là: La Nina sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 3/2021 với xác suất trên 95%. Sau đó, trong khoảng từ tháng 4-6/2021, khả năng La Nina tiếp tục hoặc chuyển sang pha trung tính có xác suất 50%.

Từ dự báo về tình hình thời tiết, đánh giá lịch mùa vụ và kết quả sản xuất năm 2020, tỉnh Sóc Trăng cho biết, khung lịch mùa vụ thả giống tôm nước lợ năm 2021 bắt đầu từ ngày 20/1 và sẽ kết thúc vào ngày 30/9. Trong đó đối với tôm thẻ chân trắng thả nuôi từ 20/1 - 30/9, tôm sú từ tháng 15/3 đến 30/8.

Riêng mô hình tôm - lúa bố trí thả nuôi tôm, thu hoạch kết thúc trước tháng 9 để chuẩn bị cho việc trồng lúa. Ở các vùng, cơ sở nuôi, nhất là hộ nuôi nhỏ lẻ không đáp ứng đủ điều kiện nuôi và cụ thể là không chủ động được nguồn nước, để hạn chế bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh đốm trắng và các yếu tố môi trường bất lợi thì hạn chế không thả nuôi vào các khoảng thời gian mà thời tiết khắc nghiệt theo dự báo là tháng 4 thời tiết nắng nóng và độ mặn cao và tháng 6 - 7 thời tiết mưa dầm.

Đối với mô hình có khả năng đáp ứng yêu cầu điều kiện nuôi, mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, nuôi 2 giai đoạn và nhiều giai đoạn có thể bố trí rải vụ quanh năm nhưng cần chủ động dự trữ nước, nuôi nước, có giải pháp phòng bệnh và ứng phó với thời tiết bất lợi.

Qua nhiều vụ nuôi tôm những năm gần đây, người nuôi tôm ở Sóc Trăng tích lũy nhiều kinh nghiệm, giảm thiểu tối đa rủi ro do dịch bệnh để đạt hiệu quả. Từ khâu đầu tiên chọn con giống tốt, sạch bệnh đến kế hoạch thả giống, tuân thủ lịch thời vụ. Đặc biệt theo dõi khuyến cáo tình hình khí hậu, thời tiết, quan trắc môi trường nước của cơ quan chuyên môn.  

Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, sản lượng thu hoạch tôm nuôi đang bắt đầu tăng lên. Cụ thể, trong tháng 2 nông dân trong tỉnh thu hoạch tôm nuôi nước lợ ước đạt hơn 5.000 tấn, lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 10.691 tấn. Hiện giá tôm nguyên liệu ổn định. Cụ thể, giá tôm sú loại 30 con/kg dao động ở mức 190.000 - 195.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, ở mức 95.000 - 100.000 đồng/kg.

Đảm bảo các điều kiện thả nuôi

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết, đơn vị đã  phổ biến khung lịch thời vụ thả giống tôm nuôi nước lợ năm 2021 để người dân thực hiện hiệu quả. Chủ động phối hợp với địa phương hướng dẫn người dân thực hiện đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, để được cấp giấy xác nhận.

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi thủy sản… để đảm bảo chất lượng đầu vào.

Sản lượng thu hoạch tôm nguyên liệu ở ĐBSCL đang bắt đầu tăng lên, nhờ điều kiện thuận lợi, nhiều diện tích thả nuôi sớm đã cho thu hoạch. Ảnh: Trung Chánh.

Sản lượng thu hoạch tôm nguyên liệu ở ĐBSCL đang bắt đầu tăng lên, nhờ điều kiện thuận lợi, nhiều diện tích thả nuôi sớm đã cho thu hoạch. Ảnh: Trung Chánh.

Năm nay, tỉnh Kiên Giang đã đưa vào vận hành 7 trạm quan trắc môi trường nước tự động, liên tục, đặt tại các điểm cấp nước, vùng nuôi trồng trọng điểm của tỉnh. Điều này giúp cho người nuôi biết được chất lượng nguồn nước trước khi quyết định lấy vào ao nuôi, giảm được rủi ro bởi các yếu tố bất lợi.  

“Các thông số chất lượng môi trường nước của từng trạm được hiện thị tương ứng trên các màn hình LED đặt trên cùng địa bàn. Đồng thời, cập nhật tổng hợp dữ liệu các trạm quan trắc trên ứng dụng “QTMTKG” của hệ điều hành Androi, IOS nên có thể truy cập bằng các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop… Người dân chỉ cần tải ứng dụng về là sử dụng được ngay, không phải trả phí, rất tiện lợi”, ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang cho biết.

Theo nhận định, tình hình xâm nhập mặn: Mùa khô năm 2020 - 2021 mặn sẽ xâm nhập sớm và cao hơn so với mùa khô 2019 - 2020. Tại Sóc Trăng, độ mặn cao nhất tại các trạm đo mà chịu ảnh hưởng chính của dòng chảy sông Hậu có khả năng xuất hiện vào khoảng cuối tháng 2 và đầu tháng 3. Đối với các trạm đo mặn mà chịu ảnh hưởng chính của dòng chảy sông Mỹ Thanh có khả năng xuất hiện vào khoảng cuối tháng 3 đến đầu 4, và đều ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.

Hiện giá tôm nguyên liệu ổn định, tôm sú loại 30 con/kg dao động ở mức 190.000 - 195.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, ở mức 95.000 – 100.000 đồng/kg. Ảnh: Trung Chánh.

Hiện giá tôm nguyên liệu ổn định, tôm sú loại 30 con/kg dao động ở mức 190.000 - 195.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, ở mức 95.000 – 100.000 đồng/kg. Ảnh: Trung Chánh.

Trải nghiệm từ thực tiễn đầu tư theo chuỗi giá trị, quản lý kiểm soát từ vùng nuôi tôm công nghệ cao hướng đến sản phẩm tôm sạch đạt tiêu chuẩn đáp ứng thị trường xuất khẩu. Theo các cán bộ phụ trách kỹ thuật trại nuôi tôm Tân Nam của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, điểm quan trọng tiên quyết là con tôm giống sạch bệnh. Tiếp theo là coi trọng nước nuôi, phải lọc và xử lý triệt để hạn chế mầm bệnh.

Điều lưu ý hiện nay theo nhiều người dân nuôi tôm ở Sóc Trăng là tình hình thời tiết, nhất là hiện nay nhiệt độ còn thấp, có thể nảy sinh dịch bệnh. Song song đó cần chú trọng an toàn sinh học khu ao nuôi.

ĐBSCL là vùng trọng điểm nuôi tôm 

Năm 2020, diện tích thả nuôi đạt trên 680.848/738.000 ha (chiếm 92% diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước). Trong đó, nuôi tôm sú là 597.465/626.626 ha (chiếm 95%), nuôi tôm thẻ chân trắng 83.383/112.000 (chiếm 74,4%). Sản lượng thu hoạch tôm nguyên liệu đạt 782.670 tấn/900.000 tấn (chiếm 86,9% sản lượng nuôi tôm nước lợ của cả nước), trong đó tôm sú 271.291/287.434 tấn (chiếm 94,3%), tôm thẻ chân trắng 511.379/612.566 tấn (chiếm 83,4%).

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), năm 2021, Việt Nam tham gia nhiều FTA thế hệ mới là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, ngành tôm nước lợ của nước ta vẫn phải đối mặt với khó khăn do biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, hạn hán, xâm nhập mặn có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là các tỉnh vùng ĐBSCL, cần có giải pháp hiệu quả nhằm thích ứng để vụ nuôi đạt hiệu quả cao nhất.

Xem thêm
Trà Vinh đề xuất đầu tư 14 công trình phục vụ nuôi trồng thủy sản

Giai đoạn 2026 - 2030, Trà Vinh đã đề xuất trung ương đầu tư 14 công trình hạ tầng phục vụ vùng nuôi thủy sản trên địa bàn với tổng kinh phí 1.900 tỷ đồng.

Chưa thể làm chợ đấu giá thủy sản khi ngư dân còn phụ thuộc đầu nậu

‘Khi nào giải quyết được việc bà con đi khai thác trên biển chủ động được kinh phí, không phụ thuộc vào nậu vựa thì mới có thể làm chợ đấu giá được’.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Bám biển xuyên Tết khai thác vụ cá Bắc

Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương ven biển tuyên truyền, động viên kịp thời các ngư dân bám biển khai thác hải sản vụ cá Bắc dịp Tết Nguyên đán đạt hiệu quả.