Ngày hội văn hóa thu hút nhiều du khách tới tham dự |
Huyện Phú Lương tỉnh Thái Nguyên có diện tích đất tự nhiên trên 35 km2 trong đó diện tích trồng chè hơn 4.300 ha, sản lượng đạt trên 44.400 tấn/năm. Được biết đến là vựa chè trọng điểm và là nơi có số lượng làng nghề nhiều nhất tỉnh Thái Nguyên với 35 làng nghề chè đã được công nhận. Theo đó, nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh các làng nghề và góp phần thúc đẩy sự phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương. Ngày 5/1 UBND huyện Phú Lương, đã tổ chức Ngày hội văn hóa - làng nghề và công bố Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Lễ hội cầu mùa người Sán Chay”.
Hầu hết, các làng nghề là nơi cư trú tập trung của đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số như tày, nùng và người Sán Chay. Do đó, người dân chủ yếu phát triển kinh tế bằng nông nghiệp, nghề truyền thống chuyên canh tác, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây chè.
Bà Tống Thị Xuyến, Tổ trưởng tổ sản xuất chè xóm Trung Thành II, xã Vô Tranh chia sẻ, trước đây giá trị sản phẩm của cây chè chưa được đánh giá cao do người dân chỉ trồng và chế biến sản phẩm thô, phương thức sản xuất thủ công. Không chú trọng xây dựng thương hiệu dẫn đến mức tiêu thụ kém, giá thành sản phẩm thấp.
Nhận thức được điều đó, bên cạnh việc đảm bảo năng suất, chất lượng và áp dụng đúng quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩnVietGAP. Ngoài ra, việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại vào trong chế biến và bảo quản chè đã mang lại hiệu quả cao cho người làm chè huyện Phú Lương.
Các làng nghề đều mang đến những sản phẩm trà đặc sắc bậc nhất của địa phương |
Không gian trà xanh ngát đã và đang trở thành điểm du lịch lý tưởng |
Ông Nguyễn Văn Tỵ GĐ HTX chè Khe Cốc cho biết, chè Phú Lương có diện tích sản lượng khá lớn đứng thứ 2 toàn tỉnh, là một lợi thế để phát triển kinh tế huyện. Thông qua ngày hội văn hóa làng nghề sẽ giúp cho sản phẩm chè địa phương có cơ hội được giới thiệu, quảng bá đến công chúng. Đồng thời, giúp nâng cao tầm nhìn và tạo sân chơi cho người làm chè. Qua đây, chú trọng hơn nữa vào sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, an toàn đến tay người tiêu dùng.
Với những nương chè sạch, an toàn, cùng không gian thoáng đãng, không khí trong lành và những nét đặc trưng về văn hóa. Đến nay, các làng nghề chè trên địa bàn không chỉ phát triển kinh tế địa phương, làm nên bản sắc riêng của người dân nơi đây mà còn trở thành một điểm đến du lịch cộng đồng lý tưởng. Tạo môi trường tốt cho du khách có cơ hội trải nghiệm và nghiên cứu về văn hóa tộc người, văn hóa trà của huyện Phú Lương.