| Hotline: 0983.970.780

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - Người làm nóng lên vấn đề chỉnh đốn Đảng

Thứ Ba 11/08/2020 , 10:09 (GMT+7)

Đó là chia sẻ của ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.

Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (1931-2020). Ảnh: Tùng Đinh.

Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (1931-2020). Ảnh: Tùng Đinh.

Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa VIII (12/1997), Thường trực Ban Bí thư Lê Khả Phiêu được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng. Đồng thời, Hội nghị cũng bầu bổ sung vào Bộ Chính trị các đồng chí: Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Minh Triết, Phan Diễn và Nguyễn Phú Trọng.

Đất nước sau công cuộc Đổi mới, mở cửa hội nhập với thế giới, tư tưởng thực dụng chạy theo đồng tiền làm cho một bộ phận xa rời lý tưởng, sa sút phẩm chất đạo đức; nạn tham nhũng, buôn lậu, làm giàu bất chính và nhiều tệ nạn xã hội phát triển. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã cùng Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tiến hành tự phê bình và phê bình từ 19/5/1999 đến 19/5/2001. Mục đích là để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo, nâng cao uy tín và thanh danh Đảng.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, ông Vũ Quốc Hùng chia sẻ:

Ấn tượng nhất của tôi với đồng chí Lê Khả Phiêu là phong cách giản dị, chân thành, không quan cách với cán bộ cho nên là một người dễ gần. Vì dễ gần ấy cho nên đồng chí Lê Khả Phiêu nghe được nhiều thông tin từ các đơn vị cơ sở và đảng viên.

Trong công việc, khi chúng tôi đến phản ảnh với đồng chí Lê Khả Phiêu và đồng chí trực tiếp lắng nghe, đồng chí không phân biệt việc nào là việc lớn, việc nào là nhỏ. Bởi vì có những việc bình thường thôi nhưng nó lại là những việc có ảnh hưởng lớn nếu không đề phòng. Vì đồng chí Lê Khả Phiêu lắng nghe như thế cho nên xử lý kịp thời và nhắc nhở cán bộ kịp thời. Tôi là Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiêm Bí thư Đảng ủy khối I, có lần cần phản ảnh sự việc ở Đảng ủy khối (Đảng ủy khối I chỉ như của cấp tỉnh thôi), nhưng đồng chí Lê Khả Phiêu vẫn sẵn sàng nghe và giải quyết. Cho nên có thể nói đồng chí Lê Khả Phiêu gần cán bộ, lắng nghe cán bộ.

Đồng chí Lê Khả Phiêu là tác giả Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII.

Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII (1/1999) đi thẳng vào những vấn đề cơ bản và cấp bách của công tác xây dựng Đảng để bàn kỹ hơn, sâu hơn, đúng với tầm then chốt của nó như Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã phát biểu khai mạc. Bây giờ nhìn lại, ông đánh giá hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII ra sao?

Tôi thấy đó là một hồi chuông để cảnh tỉnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bởi vì trong quá trình xây dựng Đảng thì Đảng ta rất chú ý chỉnh đốn Đảng. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”.

Khi nền kinh tế thị trường phát triển thì những mặt trái của cơ chế thị trường ở nước ta làm cho một số đảng viên thoái hóa, biến chất và thậm chí hư hỏng… Đảng thấy cần phải chỉnh đốn lại. Đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ký ban hành Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, theo tôi, đấy là một Nghị quyết lịch sử.

Nghị quyết ấy nếu như làm ráo riết trong 2 nhiệm kỳ thì nó sẽ đạt hiệu quả cao để không cần có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI vừa qua vì những vấn đề cơ bản Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) đã nêu rồi.

Thưa ông, Nghị quyết Trung 6 (lần 2) khóa VIII là hồi chuông cảnh báo, vậy Đảng đã có những việc làm cụ thể nào để chấn chỉnh?

Sau khi Nghị quyết Trung 6 (lần 2) khóa VIII ban hành, đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã có những việc làm cụ thể để chỉnh đốn Đảng. Cụ thể là nghe ý kiến của quần chúng nhân dân, lên danh mục tất cả những Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các đồng chí thuộc diện Trung ương quản lý có những dư luận gì thì bộ phận giúp việc của Văn phòng Trung ương Đảng đều phải liệt kê ra và đánh máy gửi đến từng đồng chí. Không phân biệt ai. Không có vùng cấm. Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu giải trình và họp hội nghị cấp ủy, họp cơ quan để các đồng chí giải trình những vấn đề mà Ban chỉ đạo Trung ương nêu. Ở các tỉnh cũng phải làm tương tự.

Đấy là một hiệu quả. Tất cả phải xem lại mình và do Ban chỉ đạo Trung ương nêu ra chứ không phải tự xem đâu. Trên cơ sở phản ánh của quần chúng, đảng viên, Bộ phận thường trực báo cáo Bộ Chính trị. Bộ Chính trị chuyển cho các đồng chí đó để được biết. Tôi dùng từ rất đơn giản là vỗ vai bảo nhau. Phải kịp thời vỗ vai các đồng chí như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”.

Như ông nói là không có vùng cấm, vậy Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có phải giải trình hay không?

Có chứ. Đồng chí Lê Khả Phiêu cũng phải giải trình trước những thông tin phản ánh của quần chúng, đảng viên có liên quan đến đồng chí. Và đồng chí thẳng thắn giải trình. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng kiểm tra và xác minh các thông tin phản ánh. Chính vì vậy, tôi mới nói là không có vùng cấm. Nhiệm kỳ của đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, theo tôi, trong xây dựng chỉnh đốn Đảng đã thực hiện kiểm điểm từ trên đầu xuống, chứ không phải kiểu dội nước từ gáy trở xuống hay tắm ngang thắt lưng.

Nhìn lại trong nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001), ông thấy có những điểm sáng nào?

Tôi thấy đồng chí đã làm nóng lên vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Tôi nhớ ngoài những việc có chủ trương đường lối với việc ra đời Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, đồng chí Lê Khả Phiêu còn chịu khó đi các cơ sở. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã xử lý công việc thực tiễn với tinh thần thực tiễn là chân lý. Cho nên đồng chí gần gũi cán bộ đảng viên, gần gũi cơ sở nhưng rất tiếc là thời gian làm Tổng Bí thư của anh quá ngắn.

Xin cám ơn ông!

Đảng quan tâm giải quyết đảng viên vi phạm kỷ luật

“Sau gần 3 năm kể từ Đại hội Đảng lần thứ VIII tháng 6/1996 đến nay, chúng ta đã phải thi hành kỷ luật 60.108 đảng viên, trong đó khai trừ 11.163, có 1.108 người bị xử tù.

Như vậy, chúng ta đã nói cả mặt mạnh, mặt yếu trong công tác xây dựng Đảng, chứ không phải không nói hoặc chỉ nói một chiều. Phải khẳng định, Đảng ta luôn quan tâm giải quyết tình trạng vi phạm kỷ luật của đảng viên, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề tư tưởng chính trị, trong đó có cả biểu hiện cơ hội chính trị; về đạo đức lối sống, về tệ tham nhũng, quan lieu, cá nhân chủ nghĩa, mất đoàn kết, cục bộ địa phương, ý thức tổ chức kỷ luật kém; về tập trung dân chủ chưa thực hiện được đúng như nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng” (Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phát biểu Khai mạc Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, ngày 25/1/1999).

Xem thêm
Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Sơn La duy trì 12 đơn vị cấp huyện sau sắp xếp

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Sơn La giảm được 4 đơn vị cấp xã...

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.