Tờ New York Times hôm 17/11 đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tấn công sâu trong lãnh thổ Nga. Washington đã không xác nhận cũng không phủ nhận tuyên bố trên.
Mike Waltz, hạ nghị sĩ bang Florida được ông Trump chọn làm Cố vấn An ninh Quốc gia, nói với Fox News hôm 18/11 rằng ông không được chính quyền sắp mãn nhiệm thông báo về động thái này như thường lệ.
"Đây là một động thái leo thang xung đột nữa. Và không ai biết điều này sẽ đi đến đâu. Triều Tiên đang triển khai tên lửa đạn đạo, pháo binh và hiện đã đưa hàng chục nghìn binh sĩ đến Nga. Chính quyền Mỹ phản ứng bằng cách dỡ bỏ hạn chế với Kiev. Triều Tiên có thể sẽ gửi thêm quân. Hàn Quốc hiện đang nói rằng họ có thể tham chiến...", ông Waltz nói với người dẫn chương trình Brian Kilmeade của Fox.
"Vì vậy, đây là một diễn biến leo thang xung đột khi ông Trump đang muốn chấm dứt cuộc chiến này. Làm thế nào để chúng tôi đưa cả hai bên ngồi vào bàn đàm phán để kết thúc cuộc chiến này? Khuôn khổ cho một thỏa thuận là gì, và ai sẽ làm trung gian hòa giải?", ông Waltz nói thêm.
Ông Trump đang tập hợp một "đội ngũ gồm những người giỏi nhất" để xem xét các vấn đề chiến lược và tìm cách để "chúng ta có thể kết thúc cuộc chiến này", ông Waltz nói.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã hứa sẽ chấm dứt xung đột Nga - Ukraine, tuyên bố rằng ông sẽ cố gắng làm điều này thậm chí trước lễ nhậm chức vào ngày 20/1. Nhiều người ủng hộ của ông Trump đã lên án động thái của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden là một nỗ lực nhằm cản trở bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai.
Dưới thời ông Biden, Mỹ đã viện trợ vũ khí, đạn dược và khí tài quân sự trị giá hơn 64 tỷ USD cho Ukraine để đối đầu với Nga. Washington đã đặt ra một số hạn chế nhất định đối với việc sử dụng các loại tên lửa tầm xa, để tránh bị coi là tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột với Nga. Ông Zelensky đã mất nhiều tháng để yêu cầu Mỹ dỡ bỏ những hạn chế này, gọi đó là một phần trong "kế hoạch chiến thắng" của ông.
Moscow đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh rằng việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa được xem là can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ ra rằng Kiev không có khả năng sử dụng tên lửa tầm xa mà không có vệ tinh và binh sĩ NATO để chỉ định mục tiêu và khai hỏa. Đó không phải là vấn đề Mỹ "cho phép" Ukraine, mà là đi quá giới hạn để can dự trực tiếp vào cuộc xung đột, ông Putin nói với các phóng viên hồi tháng 9.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 18/11 thừa nhận rằng các báo cáo về quyết định của Biden vẫn chưa được xác nhận, nhưng nói thêm rằng nếu Kiev thực sự sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, phản ứng của Moscow sẽ là "rõ ràng và toàn diện".