Chiều 6/2, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức giao ban tuần cho ý kiến về công tác chuẩn bị Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2022 và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2023-2025.
Theo báo cáo đánh giá, đến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh hoàn thiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, không còn huyện nghèo, cận nghèo; toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,067% tổng số hộ dân toàn tỉnh; 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,635% tổng số dân toàn tỉnh. Nổi bật, TP Hạ Long không còn hộ nghèo, cận nghèo; 3 địa phương (Quảng Yên, Cô Tô, Vân Đồn) không còn hộ nghèo; 9 địa phương còn lại tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, khẳng định mục tiêu đến năm 2025 là xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phải bền vững, xóa đói, giảm nghèo phải bền vững theo tiêu chí mới của tỉnh.
Để có được kết quả tốt, ông Ký yêu cầu phải xây dựng các khâu đột phá, trong đó chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nhưng kết nối chặt chẽ với thành thị và nông thôn, nội vùng, liên vùng, đồng bộ, hiện đại, nhất là về giao thông, thủy lợi, phòng chống thiên tai, trường học, trạm y tế, nước sạch tập trung, chợ đầu mối, chợ trung tâm gắn với bán sản phẩm OCOP, hạ tầng công nghệ thông tin. Ngoài ra cần đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn gắn với tạo việc làm theo nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp.
"Chúng ta cần tập trung phát triển giáo dục, đào tạo để người dân nông thôn và các thế hệ kế tiếp nhau vững vàng xây dựng quê hương; củng cố hệ thống chính trị ở nông thôn vững mạnh gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát huy dân chủ, củng cố khối đại đoàn kết và niềm tin trong nhân dân", Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh.
Về giải pháp thực hiện trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Xuân Ký yêu cầu phải tập trung rà soát quy hoạch kiến trúc nông thôn; rà soát các xã ven đô, xem giữ lại xã nào là thuần nông, xã nào sẽ lên phường và khi vẫn là xã ven đô, thuần nông thì cần tính toán người dân sẽ làm gì để có được cuộc sống vật chất, tinh thần tốt lên và gìn giữ các bản sắc, không gian vốn có của vùng nông thôn.