Theo đó, vào khoảng 9 ngày trước, nam học viên này được chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng sốt, đau họng, sưng to vùng hàm và hạch cổ.
Ngay lập tức, các bác sĩ đã nghi ngờ nam học viên này mắc bệnh bạch hầu và nhanh chóng triển khai phương án cách ly, khử khuẩn khu vực mà bệnh nhân tiếp xúc, đồng thời thông báo cho cơ quan chức năng rà soát các trường hợp tiếp xúc gần (tại nơi ở, nơi học tập - PV).
Hai mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân được lấy xét nghiệm tại Bệnh viện Quân y 175 và Viện Pasteur đều cho kết quả dương tính, xác định nam học viên mắc bạch hầu.
Trung tá Phan Bá Hiếu, phụ trách Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Quân y 175 cho biết, khoảng thời gian này bệnh viện thực hiện nghiêm ngặt theo quy định phòng chống Covid-19, nên toàn bộ bệnh nhân và nhân viên y tế tại bệnh viện đều được yêu cầu, hướng dẫn và đã tuân thủ quy định mang khẩu trang, khử khuẩn tay khi vào khu vực khám/phòng bệnh... Do đó, hạn chế được sự lây nhiễm bạch hầu từ bệnh nhân này.
Các cơ quan chức năng đã rà soát, thống kê có 16 người tiếp xúc gần với bệnh nhân tại nơi ở và nơi học tập (không có người tiếp xúc gần trong bệnh viện - PV). 16 trường hợp này đã được uống thuốc điều trị dự phòng, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm, kết quả xét nghiệm đều âm tính.
Theo Trung tá Phan Bá Hiếu, bệnh viện đã lập hồ sơ báo cáo với cơ quan chức năng để khoanh vùng, xử lý và khử khuẩn không để lây lan ra cộng đồng.
Sau hơn tuần điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định, hết sốt, hết đau họng và không còn sưng hạch cổ.
Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn bạch hầu gây ra (Corynebacterium diphtheria). Vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể.
Bệnh lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da…
Vì vậy, Trung tá Phan Bá Hiếu khuyến cáo, cần tiêm đủ 3 mũi vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) hoặc vắc xin DPT - VGB - Hib cho trẻ dưới 1 tuổi; Tiêm nhắc lại DPT cho trẻ từ 18 tháng.
Trước đó, Đăk Nông (gồm xã Quảng Hòa và Đăk R’măng) là địa phương đầu tiên xuất hiện ổ dịch bệnh bạch hầu với 12 trường hợp mắc bênh, trong đó 1 trẻ em tử vong và cách ly 1.200 người tiếp xúc gần với các trường hợp trên.
Ngành y tế Đăk Nông phối hợp với Bộ Y tế, các cơ quan chức năng tổ chức các biện pháp khử trùng khu vực bùng phát dịch bệnh, rà soát nguồn lây nhiễm để thực hiện các biện pháp ngăn chặn. Đồng thời, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã cấp 10.000 liều vắcxin uốn ván - bạch hầu giảm liều cho tỉnh Đăk Nông để tiêm cho nhóm người từ 7 - 40 tuổi ở khu vực bùng phát dịch.