Theo Sở Y tế TP.HCM, nhằm tăng cường hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, trên cơ sở số lượng vacxin phòng Covid-19 được Bộ Y tế phân bổ đợt 3 và đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại TP.HCM, tổ chức tiêm vacxin phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc Covid-19.
- Nhóm đã được tiêm vacxin phòng Covid-19 mũi 1, đủ điều kiện.
- Nhóm người làm việc tại cơ sở y tế: tiếp tục tiêm vắc xin cho các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM.
- Nhóm người làm việc trực tiếp tham gia tổ chức cách ly: tiếp tục tiêm vacxin cho nhân viên, người làm việc tại khách sạn trực tiếp tham gia tổ chức cách ly; nhân viên, người làm việc tại các khu cách ly mới triển khai của TP.HCM.
- Nhóm sinh viên của các trường y tình nguyện hỗ trợ ngành y tế.
- Nhóm người cung cấp dịch vụ thiết yếu: ưu tiên tiêm vắc xin cho nhóm nhân viên làm việc tại sân bay (người trực tiếp tiếp xúc với tổ bay, hành khách, hàng hóa, máy bay quốc tế, nhân viên phục vụ, làm việc trong các cửa hàng tại nhà ga); nhóm người làm việc tại cảng biển (người trực tiếp tiếp xúc với thuyền viên, hàng hóa, tàu thuyền.
- Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp (thành phố, quận, huyện, phường, xã, thị trấn).
- Nhóm bệnh nhân có bệnh lý nền đang điều trị nội trú <65 tuổi (bệnh thận mạn tính, đái tháo đường...).
Dự kiến 54.591 liều vacxin phòng Covid-19 cho người tiêm mũi thứ hai: Trong đó, bệnh viện công lập (38.469 liều); trung tâm y tế quận huyện (2.479 liều); đơn vị y tế công lập (917 liều); bệnh viện tư nhân (8.832 liều), khu cách ly tập trung có thu phí (368 liều); đơn vị vận chuyển người cách ly, cảng biển, sân bay (3.526 liều).
Còn 17.209 liều ưu tiên tiêm mũi một cho 10 nhóm người gồm: bệnh viện công lập (3.021 liều); trung tâm y tế quận huyện (491 liều); đơn vị y tế công lập (1.352 liều); phòng khám đa khoa tư nhân (3.725 liều); khu cách ly tập trung mới triển khai (960 liều); đơn vị vận chuyển người cách ly (150 liều); bệnh viện tư nhân (2.251 liều); Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 các cấp (3.079 liều); Người bệnh mạn tính đang điều trị nội trú (1.000 liều); Cảng biển, sân bay (1.180 liều).
Theo Sở Y tế TP.HCM, do quy cách đóng gói của nhà sản xuất, số liều vacxin phòng Covid-19 thực tế có thể nhiều hơn số liệu nêu trên khoảng 10%, sẽ được tiêm cho tổ Covid cộng đồng.
Chiến dịch tiêm đợt ba được tổ chức tiêm mũi một từ ngày 3/6 đến 10/6. Và từ ngày 10/6 đến 10/7 sẽ tổ chức tiêm mũi hai (toàn bộ người đã được tiêm mũi một trong các đợt trước (nếu đủ điều kiện), bảo đảm đúng khoảng cách sau 8 tuần kể từ ngày khi tiêm mũi một. Hoàn thành tiêm vét trước ngày 15/8 theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Chiến dịch tiêm chủng mở rộng quốc gia vacxin phòng Covid-19 được Việt Nam bắt đầu triển khai từ ngày 8/3. Riêng tại TP.HCM, từ ngày 8/3 đến ngày 19/4, TP.HCM đã tiến hành tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 đợt 1 cho 9.155 nhân viên y tế của 73 cơ sở y tế công. Các trường hợp có phản ứng sau tiêm đều được theo dõi và hiện tất cả đều ổn định.
Từ ngày 19/4 đến 23/5, TP.HCM tiến hành tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 đợt 2 cho 64.416 người (55.512 người tiêm mũi 1; 8.904 người tiêm mũi 2). Các trường hợp có phản ứng sau tiêm đều được theo dõi, tất cả đều ổn định.
Theo các chuyên gia, vacxin phòng Covid-19 có thể được coi như "tấm khiên", là giải pháp căn cơ, lâu dài giúp chúng ta chống đỡ virus SARS-CoV-2, tạo ra miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, nguồn vacxin phòng Covid-19 hiện nay vẫn còn hạn chế, do đó, Chính phủ, Bộ Y tế đã tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất để có thể có được nguồn vacxin phòng Covid-19 đủ để tiêm cho người dân trong thời gian tới.
Các chuyên gia khuyến cáo, thực hiện tốt thông điệp “vacxin + 5K”, đó là sử dụng thật hiệu quả nguồn vacxin, đồng thời duy trì ý thức phòng ngừa cao ở mỗi người và cả cộng đồng sẽ tiếp tục là chiến lược căn bản, lâu dài để triển khai hiệu quả “nhiệm vụ kép”: vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.