Theo GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thành phố có mật độ dân cư cao, cường độ giao thông, đi lại giữa TP.HCM và các nước trên thế giới cũng như các tỉnh/thành của Việt Nam là rất lớn, làm gia tăng nguy cơ bệnh xâm nhập và lây lan trong thành phố.
Với quy mô bệnh viện 500 giường bệnh với ít nhất 30 giường hồi sức tích cực gồm 2 cơ sở, vốn đầu tư khoảng hơn 255 tỷ đồng. Bệnh viện dã chiến sẽ là nơi tiếp nhận, theo dõi, chăm sóc và điều trị các trường hợp nghi ngờ bệnh nhân nhiễm nCoV khi tình hình dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng.
Cơ sở 1 với 300 giường tại Trường quân sự TP (ấp Bàu Đưng, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi) có ít nhất 20 giường hồi sức tích cực. Cơ sở 2 (số 25, đường Phạm Thị Quy, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè) có 200 giường và có ít nhất 10 giường hồi sức tích cực.
Nhân lực bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa hồi sức đảm bảo cho hoạt động hồi sức tích cực (bệnh nhân nặng) của bệnh viện dã chiến được điều động từ các bệnh viện TP như: Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Trưng Vương.
Nhân lực đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh của bệnh viện dã chiến (sàng lọc, chẩn đoán, điều trị... các bệnh nhân cách ly không nặng) được điều động từ các bệnh viện lân cận như: Bệnh viện Củ Chi, Hóc Môn, Quận 12, Gò Vấp, quận 7, quận 4, Nhà Bè...
Sở Y tế TP.HCM và Bộ Tư lệnh TP.HCM phối hợp để xây dựng cơ sở vật chất, dự kiến đến ngày 15/2 hoàn thành.
Ông Bỉnh cho biết, trong trường hợp số ca mắc tăng cao vượt quá khả năng bệnh viện dã chiến, sẽ đề nghị chuyển Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thành bệnh viện chuyên tiếp nhận bệnh nhân nCoV, dự kiến 500 giường, nâng tổng số giường tiếp nhận là 1.000 giường.