Một tháng, TP.HCM tạo ra 11.665 việc làm mới
Dù dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong đó, người lao động Việt Nam chịu nhiều tác động bởi sự hạn chế đi lại, giao thương, du lịch…
Theo Tổng Cục Thống kê, tính chung 10 tháng của năm 2020, cả nước có gần 111,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số lao động đăng ký là 850,3 nghìn lao động, giảm 2,9% về số doanh nghiệp, giảm 17% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Riêng trong tháng 10/2020, cả nước có 12,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới (tăng 18,4% về số doanh nghiệp) với số lao động đăng ký là 72,4 nghìn lao động (giảm 12,7% về số lao động so với tháng trước).
Mới đây, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi) đã có cuộc khảo sát nhu cầu nhân lực tại 16.800 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Kết quả cho thấy, gần 70% doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng Covid-19.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp gặp khó về vấn đề tài chính vì thế để duy trì hoạt động sản xuất nhiều doanh nghiệp đã phải luân phiên lao động làm việc, tinh giảm nguồn nhân lực theo lộ trình, hoặc cho người lao động nghỉ việc không lương, chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.
Người lao động của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19 như dệt may, du lịch dịch vụ, cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến tinh lương thực - thực phẩm, hóa chất - nhựa cao su.
Tại buổi họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh tháng 10 của UBND TP.HCM mới đây, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư TP.HCM cho biết, riêng trong tháng 10, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 28.586 lượt người và tạo ra 11.665 chỗ việc làm mới, nâng tổng số lao động được giải quyết việc làm đến nay là 253.365/300.000 lượt người (đạt 84,45% kế hoạch năm) và tạo ra 115.528/135.000 chỗ việc làm mới (đạt 85,58% kế hoạch năm).
Từ đầu năm đến nay, có 392.771 lượt người được tư vấn việc làm, 94.131 lượt người được giới thiệu việc làm; 46.346 người được nhận việc làm và 149.795 người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đồng thời, đã tiếp nhận 13 lượt hồ sơ đăng ký hoạt động, đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đã cấp 5 giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và 5 giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Tính đến tháng 10/2020, công tác tuyển sinh đào tạo nghề đạt 171.972/461.000 học viên (đạt 37,3% kế hoạch năm). Số lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 4.018.374 người (đạt 85,04%/85% kế hoạch năm).
Ngoài ra, trong tháng tiếp nhận, thẩm định và cấp phép hoạt động dịch vụ việc làm cho 10 đơn vị. Đã thẩm định và ban hành thông báo chấp thuận 1.142 vị trí công việc được sử dụng 1.642 lao động người nước ngoài; nâng tổng số hồ sơ trong 10 tháng đầu năm đã thẩm định và ban hành thông báo chấp thuận vị trí công việc được sử dụng lao động người nước ngoài của 10.508 vị trí với nhu cầu sử dụng 13.616 lao động nước ngoài.
“Tính đến ngày 12/10/2020, Thành phố đã giải quyết cho 555.436 đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, đạt tỷ lệ 100% với tổng số tiền hơn 607,392 tỷ đồng”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thông tin.
Cuối năm, TP.HCM cần 65.000 chỗ làm việc
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, đơn vị đã có nhiều phương án định hướng việc làm cũng như tổ chức các hoạt động hỗ trợ.
“Phương án tối ưu nhất là tổ chức cho những lao động thất nghiệp được học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp. Sở cũng giao Trung tâm Dịch vụ Việc làm tăng cường mở sàn giao dịch việc làm giúp người lao động tìm kiếm được việc làm mới phù hợp. Đồng thời, các doanh nghiệp đang dần khởi động, lên kế hoạch tuyển dụng lao động mới để phục vụ cho đợt sản xuất cao điểm cuối năm.
Chúng tôi sẽ tập trung duy trì việc làm của người lao động tại các doanh nghiệp thông qua các biện pháp hỗ trợ của thành phố đối với những doanh nghiệp đang cố gắng giữ người lao động. Và tiếp tục tổ chức đối thoại xã hội giữa người lao động với doanh nghiệp; doanh nghiệp với người lao động và cơ quan nhà nước để tìm ra các biện pháp nhằm giảm thiểu khả năng tác động của Covid-19 đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo niềm tin, sự tín nhiệm vào chính sách, các biện pháp mà Chính phủ, TP.HCM cũng như các doanh nghiệp đang thực hiện”, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Lê Minh Tấn chia sẻ.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lao động việc làm, trong những tháng cuối năm 2020, thị trường lao động TP.HCM sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, cả khu vực chính thức và phi chính thức. Khi thị trường đang tìm cách phục hồi, thì nhu cầu tìm việc làm tại Hà Nội, TP.HCM sẽ tăng dần.
Dự báo trong những tháng cuối năm, TP.HCM cần khoảng 62.000 - 65.000 chỗ làm việc tập trung ở các ngành nghề như kinh doanh - thương mại; dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; chế biến lương thực - thực phẩm; điện - điện tử - điện lạnh...
Tại Ngày hội việc làm năm 2020 do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM phối hợp với Trường Đại học Nông lâm TP.HCM tổ chức trong tháng 10/2020 có hàng ngàn sinh viên, học viên tìm được việc làm khi 50 doanh nghiệp đặt gian hàng tuyển dụng hơn 4.000 vị trí việc làm.
Đầu tháng 11/2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH quận 8 tổ chức “Sàn giao dịch việc làm”, các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng 833 người vào các vị trí thuộc lĩnh vực ngành may, lao động phổ thông, nhân viên kinh doanh, tư vấn tài chính, xây dựng…
Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM thường xuyên phối hợp với các Phòng LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động, các quận, huyện đoàn các quận, huyện và các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp nghề... để tổ chức các phiên Sàn giao dịch việc làm và các Ngày hội việc làm nhằm kết nối việc làm cho người lao động.