Theo TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), hiện nay, sự kết nối cung cầu giữa thị trường lao động ở Việt Nam còn hạn chế, sự dịch chuyển lao động giữa các địa bàn còn nhiều khó khăn, các kênh về giao dịch việc làm vẫn còn hạn chế về địa giới hành chính.
Bên cạnh đó, chi phí giao dịch của thị trường lao động của Việt Nam còn lớn, đặc biệt là chi phí thị trường lao động kết nối quốc tế. Không những thế, chi phí tuyển dụng chuyên gia cao cấp còn cao.
Trong khi đó, những định chế của thị trường lao động, thể chế doanh nghiệp dịch vụ việc làm, giao dịch việc làm thiếu sự kiểm định về chất lượng, quản trị về chất lượng. Chính vì vậy, xảy ra tình trạng nhiều tổ chức dịch vụ việc làm lừa đảo khiến nhiều người lao động bị mất tiền.
Do đó, TS.Vũ Trọng Bình cho rằng, việc xây dựng Đề án “Hỗ trợ phát triển thị trường lao động Việt Nam đến năm 2030” sẽ tạo ra một hệ thống dữ liệu của thị trường để cung cấp thông tin, tạo sự minh bạch cho thị trường lao động.
“Việc xây dựng đề án phải có một lý luận rõ trên cơ sở thực tiễn. Quá trình xây dựng Đề án là quá trình có sự tham gia của cơ quan nhà nước cùng phối hợp với các cơ quan nghiên cứu cũng như các tác nhân chịu sự tác động của đề án (các doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm, người lao động).
Ngay từ ban đầu, quá trình xây dựng đề án phải đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống, đồng thời những vấn đề thực tiễn từ cuộc sống phải được đi vào đề án. Đấy là những yếu tố đầu tiên đòi hỏi khi đề án đưa ra đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”, TS.Vũ Trọng Bình nói.
Cũng theo TS.Vũ Trọng Bình, các bước xây dựng “Đề án Hỗ trợ phát triển thị trường lao động Việt Nam đến năm 2030” đã được triển khai cẩn trọng và chi tiết. Ngay từ ban đầu, kế hoạch xây dựng đề án đều có sự tham gia của các chuyên gia thuộc Tổ tư vấn của Thủ tướng, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng phối hợp với Cục Việc làm.
Ngoài ra, Cục Việc làm cũng đánh giá khảo sát từ thực tiễn, chuyên đề nghiên cứu về lý luận, đặt hàng các nhà khoa học. Trên cơ sở đó, định hình ra các khung nội dung của đề án.
Quá trình biên tập đề án cũng có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học. Bước tiếp theo là xin ý kiến của các doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm, các trường đại học, các địa phương để xây dựng hình thành đề án.
“Đây là quá trình tương đối phức tạp, làm thế nào để tiếp thu, chắt lọc những kiến thức để đề án thực sự trở thành Đề án vừa có tính lý luận, vừa có tính thực tiễn đáp ứng được đòi hỏi của các nhà khoa học về lý luận cũng như người lao động, doanh nghiệp dịch vụ việc làm ở các địa bàn khác nhau.
Quá trình tiếp theo sẽ là quá trình chắt lọc xin ý kiến của các chuyên gia. Sau đó, khi hình thành được Đề án tiếp tục xin ý kiến của các Bộ ngành, địa phương trước khi trình lên Bộ LĐ-TB&XH và Thủ tướng Chính phủ”, TS.Vũ Trọng Bình cho hay.
Dự báo lực lượng lao động giai đoạn 2021-2025 tăng 860.000 người/năm với tốc độ tăng 1.65%; giai đoạn 2025-2030 tăng 743.000 người/năm với tốc độ tăng 1.22%/năm.
Với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp đòi hỏi mô hình tăng trưởng kinh tế đi vào chiều sâu dựa vào hiệu quả nguồn vốn và chất lượng nguồn nhân lực nên nhu cầu lao động qua đào tạo sẽ tăng.
Với tốc độ như hiện nay, giai đoạn 2020-2030 tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ tăng 9% và phần lớn lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ làm việc trong ngành dịch vụ 53.1% năm 2030.
“Đề án Hỗ trợ phát triển lao động Việt Nam năm 2030 ra đời sẽ thực hiện được các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và vận hành đồng bộ, thông suốt thị trường lao động.
Qua đó, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, có sự kết nối các thị trường với nhau, thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới”, TS Vũ Trọng Bình thông tin.
Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cũng cho biết, đề án đưa ra 5 nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động Việt Nam đến năm 2030.
Thứ nhất, nhóm giải pháp về định hướng phát triển và hoàn thiện khung pháp lý. Thứ hai, nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển cung – cầu lao động. Thứ ba, nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển kết nối cung – cầu. Thứ tư, nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm. Thứ năm là nhóm giải pháp hỗ trợ kết nối liên thông thị trường.