Trái ngon chờ ra
Anh Triển, dân thương lái buôn bán, cung ứng trái cây từ các tỉnh ĐBSCL đi Hà Nội, Đà Nẵng, cho biết: Sau khi một vài mặt hàng thanh long, mít… xuất qua các cửa khẩu phía Bắc chưa khơi thông, giới thương lái trái cây xoay qua chạy hàng về các chợ nội địa.
Do nguồn cung đang vào mùa rộ, một vài loại trái cây dồi dào, nhất là vú sữa, mận… ở Cần Thơ, Sóc Trăng tình hình tiêu thụ khá chậm.
Từ mùng 10 tháng Chạp, bán hàng ra chợ ngày rằm tới ngày đưa "Ông Công, Ông Táo", mận An Phước tại Cồn Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ) bắt đầu nhóng giá từ 7.000 đ/kg tăng lên 11.000 đồng/kg, nhưng mận Hồng Đào Đá vẫn đứng giá 6.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp hơn 10.000 - 15.000 đồng/kg so với trước Tết năm ngoái.
Trong khi đó, vú sữa các loại (vú sữa tím, trắng, Lò Rèn) ở miệt vườn Giai Xuân, huyện Phong Điền hay Trường Thành, huyện Thới Lai (Cần Thơ) đang chín rộ, thu mua bán chợ ngày Rằm tháng chạp giá 13.000-15.000 đồng/kg, chỉ tăng nhẹ thêm 3
.000 đồng/kg.
Đến thời điểm này, một số địa phương có vườn nhãn tới lứa chín kịp ra chợ Tết. Trong mấy ngày qua, giá nhãn Ido trải dài tháng ngày ảm đạm, nhà vườn bán ra 7.000 - 8.000 đồng/kg, nhưng nay phục hồi lên được 11.000 - 12.000 đ/kg.
Riêng mít Thái thương lái báo tin xuất hàng được đi qua Móng Cái (Quảng Ninh). Mít đang thu mua trở lại nhưng mức giá mua tại vườn chỉ tầm 7.000 - 8.000 đồng/kg, thấp hơn chục lần so thời kỳ đỉnh giá.
Một thương lái mua bán trái cây tại huyện Phong Điền, thổ lộ: Khi trái chín vào mùa nhà vườn cần bán và trong thế buộc phải bán. Vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dù tăng giá cũng phải mua. Ngặt một nỗi, năm nay sức mua yếu vì dịch Covid-19 kéo dài. Cung đang vượt cầu, giá thấp. Còn thương lái chỉ thuê mặt bằng tạm đóng chốt làm vựa thu mua dã chiến không cần đến vườn thì nhà vườn lo tự hái (thu hoạch) chở tới vựa.
Mỗi ngày vựa nhỏ chỉ cần bán qua điện thoại sang tay theo đường dây mối lái cho các chợ trong vùng ĐBSCL, lãi thu được 200-500 đồng/kg cho 5-6 tấn/trái cây/ngày cũng ngon ăn hơn nhà vườn.
Chờ ngày giáp Tết
Trước một tháng chuẩn bị hàng ra chợ Tết, ông Thọ, một thương lái chạy xe tới các nhà vườn trồng bưởi Thanh Kiều ở phường Thới An, quận Ô Môn để ra vườn xem trái, ước lượng trái đẹp đặt hàng.
Giống bưởi Thanh Kiều to trái, màu vàng óng ả dành trưng mâm trái cây trong ba ngày tết rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, loại bưởi này chất lượng không thể sánh được với hàng bưởi Năm Roi, Da Xanh. Ông Thọ cho hay, giá bưởi Thanh Kiều tại vườn hiện có giá thấp nhất, chừng 7.000 - 8.000 đ/kg nên chỉ có thể tăng giá lên chút ít khi chợ cận tết có sức mua tăng khá hơn.
Trong số ít nhà vườn chuyển đổi trồng giống bưởi Da Xanh ở phường Thới An, ông Tùng, chủ vười bưởi nói: Tình hình qua tháng chạp hơn 10 ngày mà chợ tết sức mua èo uột. Một số nhà vườn để trái rải vụ thay vì tập trung cho mùa bán tết. Vậy mà giá bưởi Da Xanh loại I ngon nhất trên 1,2 kg/trái giá bán tại bườn thương lái mua 25.000-28.000 đ/trái, còn bưởi Năm Roi loại ngon, đẹp trái thấp hơn Da Xanh khoảng 5.000 đồng/kg. So với chợ tết mấy năm trước giá bưởi Da Xanh đứng đầu bảng với mức 40.000-50.000 đồng/kg.
Có thông tin trong 60 ngày tới cơ hội mới cho mặt hàng bưởi xuất khẩu đi Mỹ, mở ra thêm cánh cửa mới cho nhà vườn làm hàng đạt tiêu chuẩn để nâng cao giá trị. Tuy nhiên, hỏi qua các nhà vườn trồng bưởi, một số nhà vườn còn thờ ơ, suy nghĩ có phần thụ động, bởi nặng tâm lý theo cách làm hàng dễ dãi.
Một nhà vườn cho rằng: Sau nhãn, chôm chôm, vú sữa, xoài…lần lượt xuất khẩu qua châu Âu và Mỹ. Thế nhưng, muốn qua cửa kiểm soát chất lượng gắt gao. Nhà vườn phải đáp ứng theo tiêu chuẩn doanh nghiệp thu mua. Số lượng hàng xuất chưa nhiều.
Còn một số nhà vườn khác, tính xa tích cực hơn, nghĩ theo hướng mới: Đã đến lúc nhà vườn phải làm hàng theo thị trường cần mua. Chấp nhận chen chân vào thị trường phải chấp nhận cạnh tranh. Theo xu thế chung, bất kỳ thị trường xuất khẩu sang nước nào cũng có yêu cầu tiêu chuẩn và buộc phải đáp ứng. Kể cả thị trường Trung Quốc cũng đã đưa ra yêu cầu tiêu chuẩn. Như vậy nông dân sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường đặt ra.
Thực tế, trong những năm qua có không ít nhà vườn ở các tỉnh ĐBSCL như Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp và gần đây miệt vườn ở huyện Kế Sách…đã có nhiều HTX liên kết với doanh nghiệp đặt hàng thu mua xuất khẩu và nhà vườn đã bắt đầu đáp ứng được dần các yêu cầu, tiêu chuẩn đặt ra.