| Hotline: 0983.970.780

Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Thứ Năm 28/03/2024 , 13:45 (GMT+7)

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Anh Phạm Văn Hùng (áo trắng) trong khu trại nhỏ để khách mua hàng đến xem cầy và dúi. Ảnh: Tùng Đinh.

Anh Phạm Văn Hùng (áo trắng) trong khu trại nhỏ để khách mua hàng đến xem cầy và dúi. Ảnh: Tùng Đinh.

Nối nghiệp

Sinh năm 1986, Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam (Bắc Giang) theo nghiệp chăn nuôi từ sớm khi bố anh là chủ trang trại và rất tâm huyết với dúi và cầy vòi mốc. Vào những năm 2006 - 2007, qua giới thiệu của người quen, bố anh mua được cầy vòi mốc giống từ Trung Quốc về nuôi.

Với kinh nghiệm chăn nuôi, lại thêm sự tâm huyết với nghề, lượng cầy vòi mốc của gia đình anh Hùng ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, đến năm 2011, người cha qua đời, muốn giữ gìn sản nghiệp của bố để lại cùng với niềm đam mê anh Hùng đã quyết tâm đầu tư xây dựng mô hình ngày một phát triển.

Chủ trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc nói: "Bố tôi khi còn sống rất tâm huyết với con cầy vòi mốc này. Vì thế tôi quyết tâm xây dựng mô hình như ông từng mong mốn. May mắn khi còn sống bố chỉ dạy tôi rất nhiều nên khi tiếp quản tôi không bị bỡ ngỡ".

Ban đầu, anh Hùng vẫn còn thiếu kinh nghiệm, vì thế tỷ lệ sinh sản của một số con cầy mẹ thấp, thường mắc các bệnh về đường ruột. Không bỏ cuộc, anh học hỏi bạn bè, người quen, đọc thêm sách báo nên dần khắc phục những khó khăn. Chưa kể, khi mới đầu tiếp quản trang trại từ bố, khó khăn lớn nhất của anh là vốn đầu tư.

Nhờ chịu khó, cùng với nền tảng và kinh nghiệm từ người bố để lại và tư duy dám nghĩ, dám làm mô hình của anh Hùng ngày càng phát triển đem lại hiệu quả kinh tế, không những phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của địa phương mà còn góp phần giảm áp lực săn bắt động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên, bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Hiện anh Hùng có khoảng 7.000 đầu cầy vòi mốc, cầy hương và dúi má đào, trong đó 70% là cầy vòi mốc. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện anh Hùng có khoảng 7.000 đầu cầy vòi mốc, cầy hương và dúi má đào, trong đó 70% là cầy vòi mốc. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện mô hình của anh Hùng gồm hai cơ sở. Cơ sở phía Bắc được phân khu ra 4 trang trại gồm khu nuôi sinh sản, khu nuôi thương phẩm, khu nuôi hậu bị, khu giới thiệu sản phẩm với diện tích khu rộng nhất vào khoảng 17.000m2. Các khu có được xây dựng sạch sẽ thoáng mát, thêm ao cá, vườn cây đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học.

Các trang trại ở miền Bắc của anh có khoảng 7.000 con gồm cả cầy giống bố mẹ, giống mới và cầy thương phẩm. Thậm chí, có những năm cao điểm, lượng cầy nuôi trong trại nhà anh Hùng lên đến 10.000 con. Ngoài ra còn có thêm một lượng nhỏ dúi má đào. Mỗi tháng mô hình cung cấp ra thị trường hàng trăm cặp giống và 3 - 4 tạ cầy thương phẩm.

Cơ sở phía Nam của anh Hùng đặt tại khu vực Đông Nam Bộ, chủ yếu để nhân rộng mô hình, cung cấp giống cho người dân. Anh chia sẻ về việc phát triển cơ sở phía Nam: "Mô hình của tôi được rất nhiều khách hành từ Bắc đến Nam biết đến. Để khâu vận chuyển cho khách hàng đỡ vất vả tôi làm luôn trang trại tại đó. Khách hàng có thể đến trực tiếp tại cơ sở để lựa chọn dễ dàng hơn".

Sở hữu giấy phép chăn nuôi của lực lượng Kiểm lâm địa phương, anh Hùng không chỉ cung cấp cầy, dúi thương phẩm cho các nhà hàng, khách sạn mà còn bán con giống cho các hộ chăn nuôi khác trong cả nước. Ngoài ra, nếu trường hợp nào gặp khó khăn trong việc chăn nuôi, anh Hùng sẵn sàng nhập lại con giống đã bán ra.

Dễ mà khó

Như anh Hùng chia sẻ, cầy vòi mốc không khó chăm sóc, thậm chí rất nhàn nếu biết nuôi nhưng chúng đòi hỏi người nuôi phải có tâm huyết, cẩn thận và chịu khó để ý đến từng con cầy.

Khi hỏi về bí quyết chăn nuôi anh Hùng chia sẻ: "Khâu chọn giống là rất quan trọng. Khi nuôi, tôi cho ăn cám dành cho gà 1 tháng tuổi. Lớn lên chủ yếu là ăn cháo trắng với các loại phụ phẩm. Nếu có điều kiện có thể cho ăn thêm hoa quả. Đối với chuồng nên làm chuồng với chiều rộng, chiều sâu, chiều sâu cao bằng 80cm là vừa".

Theo chủ trang trại Phạm Văn Hùng, hằng năm, cầy và dúi của anh được tiêm vacxin phòng bệnh vào giai đoạn chuyển mùa, khoảng tháng 7 - 8. Vacxin được sử dụng là loại 7 trong 1 thường dành cho chó mèo, giá vào khoảng 100.000 đồng/liều.

Với cầy vòi mốc, thời gian nuôi thường vào khoảng 10 tháng sẽ đến lúc xuất bán, trọng lượng con cầy khi đó vào khoảng 4 - 4,5kg và giá bán có thể từ 2 - 2,5 triệu đồng/kg trở lên, tùy thời điểm. Anh Hùng chia sẻ, do việc nuôi cầy cần sự tỉ mỉ, chu đáo nên không nhiều người có thể nuôi, quy mô lớn như nhà anh lại càng ít nên cung lúc nào cũng không đủ cầu.

Thức ăn cho cầy, dúi được bổ sung bột tre. Ảnh: Tùng Đinh.

Thức ăn cho cầy, dúi được bổ sung bột tre. Ảnh: Tùng Đinh.

Không ít người từng tìm đến trang trại của anh Hùng để mua cầy giống về nuôi nhưng không đủ sức chăm sóc, đàn cầy suy dinh dưỡng, còi cọc, phải bán lại cho anh. Theo anh, nuôi cầy phải sạch sẽ, vệ sinh nhưng nhiều người lại rải trấu, rắc men vi sinh dưới sàn cho sạch lại làm cho cầy dễ bị viêm phổi, cách tốt nhất là phải dọn, rửa thường xuyên.

Về thức ăn, ngoài nguồn hoa quả, cháo, cơm, cầy và dúi còn được anh Hùng cho ăn thêm thân tre nghiền nhỏ để đảm bảo dưỡng chất. Mỗi ngày chúng chỉ cần cho ăn một lần vào khoảng từ 4 - 8 giờ tối, đây là khoảng thời gian phù hợp với tập tính sinh hoạt ban đêm của các loài động vật này.

Do việc cho ăn chỉ tập trung trong vài tiếng, lại có thể ngoài giờ hành chính nên anh Hùng nói nhiều nhân viên văn phòng, cán bộ vẫn tăng gia được. Cháo cho cầy, dúi được nấu bằng gạo với cổ, cánh gà mua từ lò mổ, hay nấu với cá rô phi, món ăn này giúp bổ sung dinh dưỡng, giúp vật nuôi nhanh lớn.

Cầy vòi mốc và dúi má đào nuôi nhàn, không vất vả nhưng đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ. Ảnh: Tùng Đinh.

Cầy vòi mốc và dúi má đào nuôi nhàn, không vất vả nhưng đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ. Ảnh: Tùng Đinh.

Từ thực tế bản thân, anh Hùng khuyên những người khởi nghiệp, mới đầu nên tiếp cận từng bước một, không nên đầu tư ồ ạt. Hai năm đầu chỉ nên nuôi 1 đến 2 cặp giống, vừa nuôi vừa học hỏi, sau đó mới nhân dần lên.

"Mặc dù cầy vòi mốc có giá trị kinh tế cao, với gần 20 triệu đồng/cặp giống và khoảng 2,5 triệu đồng/kg thịt thương phẩm, nhưng đầu tư phát triển chăn nuôi loại động vật này không giàu lên ngay được, mà cần có thời gian cùng với sự kiên trì", chủ trại cầy lớn nhất miền Bắc chia sẻ.

Ngoài ra, chi phí đầu tư mua con giống còn cao, chuồng trại phải xây dựng đúng kỹ thuật, việc quản lý, kiểm soát tình hình giống, phòng bệnh trong chăn nuôi hiện chưa có cơ sở đào tạo bài bản mà chủ yếu học tập kinh nghiệm từ người đi trước nên cần có thời gian tích luỹ.

Hiện mô hình của anh Hùng đem lại doanh thu từ 20 - 30 tỷ đồng/năm. Mô hình còn tạo công ăn việc làm cho gần 10 lao động thường xuyên tại địa phương với thu nhập bình quân từ 8-10 triệu/tháng.

Trên thị trường có hai loại cầy được bán là cầy thuần và cầy rừng. Cầy thuần là những con cầy nuôi tại những trang trại hợp pháp có giấy tờ hợp pháp rõ ràng. Còn cầy rừng là những con cầy được săn bắt, bẫy từ rừng, khi mang về nuôi dễ mắc bệnh đường ruột, không chữa được hay khó sinh sản. Chưa kể, đây là con cầy không rõ nguồn gốc và xếp vào loại bất hợp pháp. Người nuôi nên lưu ý khi mua tránh nhầm lẫn vừa tiền mất tật mang, lại vừa vi phạm pháp luật, anh Hùng chia sẻ thêm về pháp lý và rủi ro nếu muôn nuôi cầy vòi mốc.

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm