Hình thành tầng lớp "Thanh Nông" mới
Theo chia sẻ của bà Khâu Tường Linh (Shiny), Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Phát triển Nông trại du lịch Đài Loan thì Đài Loan hiện có 760.000 hộ nông dân với khoảng 2,4 triệu người làm nông nghiệp, chiếm 10% dân số (Đài Loan có gần 24 triệu người).
Dù chỉ đóng góp 6,6% GDP trong tổng số gần 800 tỷ USD của Đài Loan nhưng nông nghiệp vẫn được xác định là lĩnh vực vô cùng quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội cho hòn đảo này.
Cũng giống Việt Nam, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, Đài Loan cũng không tránh khỏi được quy luật thế hệ trẻ rời bỏ các vùng nông thôn, bỏ nghề nông để di cư lên đô thị, khu công nghiệp, thành phố lớn tìm việc làm bởi thu nhập cao và ổn định hơn.
Nhằm hỗ trợ và thu hút giới trẻ, giới tinh hoa về nông thôn lập nghiệp nghề nông, chính quyền, Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách. Bên cạnh đó là các phong trào, giải thưởng giống "Lương Định Của" tại Việt Nam nhằm vinh danh những thanh niên nông thôn khởi nghiệp, nối nghiệp thành công tại quê nhà và gọi đây là tầng lớp “Thanh Nông” mới.
Từ chủ trương bài bản, đồng bộ, nhân văn và ý nghĩa này của chính quyền, trong khoảng 5 năm trở lại đây, Đài Loan đã hình thành được một tầng lấp “Thanh Nông” thực sự chất lượng.
Đó là những thanh niên được đào tạo, học hành bài bản không chỉ trong nước mà cả trên thế giới quay trở về giúp gia đình, quê hương phát triển nông nghiệp theo hướng lương thiện, hữu cơ một cách bền vững và hiệu quả.
Khác với thế hệ ông cha trước đây chủ yếu giỏi ở khâu sản xuất, thế hệ “Thanh Nông” mới của Đài Loan ngày nay giỏi toàn diện, từ kiến thức nông nghiệp, kỹ năng quản trị tới chuyển đổi số, AI, marketing, bán hàng online,…
Từ những hình mẫu trong việc kế nghiệp, khởi nghiệp nghề nông thành công tại nông thôn, sự vào cuộc ủng hộ của tầng lớp tri thức và giới nghệ sĩ, nghề nông, đặc biệt là nông nghiệp du lịch nay trở thành nghề “hot trend” tại Đài Loan.
Câu khẩu hiệu “nghề nông là thời thượng” hay “tôi là nông dân, tôi tự hào” dần trở nên phổ biến với tầng lớp trẻ tại xứ Đài cả ngoài đời thực lẫn trên không gian mạng xã hội.
Trong đó, điển hình nhất về tình yêu và sự tự hào với nghề nông là câu chuyện về việc nông trại Bò Bay (Flying Cow Ranch) tại Miêu Lật, gắn bó với cả cuộc đời của một du khách bất kỳ.
Theo đó, khi còn nhỏ được bố mẹ, nhà trường cho tới Bò Bay trải nghiệm giáo dục thực nông, lớn lên hẹn hò bạn gái rồi tổ chức đám cưới tại trang trại Bò Bay. Khi có con rồi lại cho con quay lại Bò Bay chơi, rồi về già quây quần cùng con cháu tại Bò Bay mỗi dịp nghỉ lễ.
Bò Bay là nông trại rộng nhất nhì Đài Loan với 6 khu sinh thái theo chủ đề. Nơi đây mang đến một thiên đường hạnh phúc cho cả gia đình và cung cấp các dịch vụ đầy đủ từ giáo dục, hội họp, giải trí, công viên trải nghiệm đến nông trại động vật.
Du khách được trải nghiệm miễn phí các hoạt động vô cùng thú vị cùng với con cái theo lịch trình, như cùng nhau vắt sữa bò, xem vịt diễu hành, cho bê con bú sữa, cho cừu ăn, tự mình làm các sản phẩm DIY hấp dẫn từ những nguyên liệu có sẵn của trang trại để mang về làm kỉ niệm.
Ngoài ra, khu mua sắm Bò Bay còn cung cấp hàng chục sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao từ sữa bò, sữa dê mà có thể làm hài lòng bất cứ du khách khó tính nào.
Sự chuyển giao thế hệ thành công
Nhìn toàn cảnh nền nông nghiệp của Đài Loan ngày nay có thể thấy bóng dáng của sự kết hợp giữa nông nghiệp Nhật Bản và nông nghiệp Đức.
Người Đài Loan chọn hai quốc gia đại diện cho Á - Âu này làm hình mẫu để sao chép, kết hợp, sáng tạo ra một nền nông nghiệp mang bản sắc riêng của xứ Đài.
Trang Tử Hoặc, sinh năm 1997, thế hệ thứ 2 của trang trại nấm Bách Cô Trang (Aliang Mushroom Garden) chia sẻ, sở dĩ Đài Loan chọn học tập mô hình nông nghiệp của Đức và Nhật bởi thích sự khoa học, logic, chính xác của người Đức và sự tỉ mỉ, tinh tế của người Nhật.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý học, Đại học Sư phạm Đài Loan, thay vì ở lại thành phố, Trang Tử Hoặc quyết định chọn về quê nối nghiệp nghề trồng nấm của cha mẹ đúng lúc Đài Loan đang phát triển mạnh môn học giáo dục thực nông.
Nếu như trước đây đa phần đầu ra của trang trại phải phụ thuộc vào bán nấm tươi cho các nhà hàng, bếp ăn, hiện Bách Cô Trang đã tự chủ được đầu ra với một nhà hàng nổi tiếng ở Đài Loan chuyên chế biến các món ăn từ nấm.
Số nấm còn lại được Trang Tử Hoặc chế biến sâu, sấy khô thành nhiều loại snack, bim bim mang hương vị khác nhau bán cho du khách khắp trong và ngoài nước mà không phải lo dội chợ hay thời tiết thất thường.
Nếu như trang trại nấm Bách Cô Trang chuyển giao thế hệ nhẹ nhàng, đúng người, đúng thời điểm bao nhiêu việc chuyển giao thế hệ tại trang trại Tiên Hồ (Fairy Lake Leisure Farm) lại đau đớn, trắc trở bấy nhiêu.
Ngô Khản Tường, sinh năm 1982, thế hệ thứ 6 của trang trại Tiên Hồ. Trước khi Ngô Khản Tường tiếp quản, trang trại của gia đình cũng khá nổi với du khách trong vùng.
Tuy nhiên, các dịch vụ ăn, nghỉ tại trang trại vẫn còn rất sơ khai với những căn nhà gỗ cũ kỹ, các bộ chăn ga con công rực rỡ họa tiết màu sắc có thể tìm thấy ở bất cứ gia đình người Đài Loan nào lúc bấy giờ.
Để quyết định cuộc cách mạng chuyển đổi sang mô hình trang trại từ nghỉ dưỡng thôn quê sang nông trại du lịch theo tiêu chuẩn hiện đại, Ngô Khản Tường và cha của mình đã có sự đấu tranh vô cùng căng thẳng, thậm chí có một thời gian không nói chuyện được với nhau.
Trong khi bố của Ngô Khản Tường cho rằng, trang trại vẫn có khách, thu nhập ổn sao phải thay đổi thì Ngô Khản Tưởng lại nhìn thấy rằng, với cách làm truyền thống như hiện nay, đến một lúc nào đó sẽ bị đào thải.
Cuối cùng, với sự tỉ tê mưa dầm thấm lâu của người mẹ, sự giúp đỡ nhiệt tình của Hiệp hội Phát triển Nông trại Du lịch Đài Loan, bố của Ngô Khản Tường đã đồng ý để anh chuyển toàn bộ hệ thống chăn ga con công sang chăn ga màu trắng. Cách làm này giúp du khách phân biệt được giữa đồ mới giặt hay đã qua sử dụng. Tiếp đến, là việc chuyển từ tivi đời cũ màn hình lồi sang tivi màn hình phẳng LCD, LED mỏng.
Nhưng trắc trở nhất là việc chuyển từ nhà nghỉ gỗ sang nhà xây vách kính hiện đại. Do chủ quan tin người, Ngô Khản Tường đã bị một kiến trúc sử rởm lừa mất toàn bộ tiền bản vẽ thiết kế khách sạn lên tới cả trăm triệu đồng.
Để lấy công chuộc tội, Ngô Khản Tường lên mạng mày mò học hỏi để tự vẽ bản thiết kế khu phòng nghỉ và phải mất tới gần 2 năm anh mới hoàn thành được bản vẽ ưng ý cho trang trại Tiên Hồ của gia đình.
Hiện tại, Tiên Hồ trở thành một trong những nông trại nghỉ dưỡng nổi tiếng hàng đầu xứ Đài nhờ được các tiktoker, người nổi tiếng, nghệ sĩ tại Đài Loan tới nghỉ dưỡng, checkin.
Điều này không chỉ giúp Ngô Khản Tường và gia đình có được nguồn thu nhập cao và ổn định từ chính nghề nông tại quê nhà mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương cũng như lan tỏa được tình yêu và tự hào về nghề nông cho nhiều bạn trẻ tại Đài Loan.