| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 02/10/2024 , 08:15 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 08:15 - 02/10/2024

Trái phiếu doanh nghiệp giữa mê trận sở hữu chéo

Trái phiếu doanh nghiệp chỉ phát triển bền vững khi tăng cường giám sát sở hữu chéo, đó là bài học từ phiên tòa xét xử đại án Vạn Thịnh Phát đang diễn ra.

Trái phiếu doanh nghiệp được xem như một kênh huy động vốn hiệu quả để phục vụ cho các dự án kinh tế. Thế nhưng, sau một thời gian bùng nổ, thì trái phiếu doanh nghiệp đang chững lại, do nhà đầu tư bị đẩy vào sự rủi ro khó lường của thực trạng sở hữu chéo.

Chủ doanh nghiệp cũng là cổ đông lớn có quyền chi phối một tổ chức tín dụng nào đó, luôn hình thành sở hữu chéo đầy mờ ám. Bởi lẽ, khi trái phiếu doanh nghiệp được tạo điều kiện phát hành qua tổ chức tín dụng sẽ không ai đoán được các góc khuất mờ ám.

Giai đoạn 2 của đại án Vạn Thịnh Phát đang được xét xử tại TP.HCM khiến cộng đồng càng thêm ái ngại sự sở hữu chéo. Vì có quyền chi phối Ngân hàng SCB nên đối tượng Trương Mỹ Lan dễ dàng dùng pháp nhân bốn công ty con trực thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra để phát hành hơn 308 triệu trái phiếu “khống”, nhằm chiếm đoạt 30 nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư.

Trước tòa án, đối tượng Trương Mỹ Lan phủi bỏ trách nhiệm khá hồn nhiên: “Khi các em mượn công ty phát hành trái phiếu thì Chủ tịch chứng khoán Tân Việt - Nguyễn Tiến Thành nói mọi thông tin tụi em đã công bố, nghiệp vụ của tụi em, chị không phải lo. Tôi thắc mắc là có cần tài sản không thì Nguyễn Tiến Thành nói đã công bố thông tin rộng rãi rằng gói trái phiếu không có tài sản đảm bảo, người dân tin tưởng thì mua”. Nhân vật được đề cập Nguyễn Tiến Thành đã chết, nên không thể xác định thực hư câu chuyện, chỉ biết hầu hết nhà đầu tư đã mua trái phiếu thông qua Ngân hàng SCB. Vì vậy, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB Võ Tấn Hoàng Văn bật khóc thú tội: “Tôi chỉ nghĩ việc phát hành trái phiếu nhằm tăng nguồn thu cho SCB, không nghĩ hành vi của mình lại gây thiệt hại cho nhiều người. Bản thân bị cáo vô cùng đau lòng”.

Câu chuyện sở hữu chéo từng được đặt ra nhiều lần trên các diễn đàn của Chính phủ và Quốc hội. Chính việc sở hữu chéo cũng đã dẫn đến thất thoát tài chính tại Ngân hàng Xây dựng CB Bank và Ngân hàng Thương mại Toàn cầu GP Bank. Cho nên, không khó để nhận diện hành vi thao túng ngân hàng qua việc sở hữu chéo là thủ đoạn được lựa chọn có chủ đích và khá tinh vi. Nếu không ngăn chặn quá trình leo thang sở hữu chéo sẽ không giám sát được thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Để tránh bi kịch tương tự Vạn Thịnh Phát và SCB, Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua, đã có điều 631 khống chế, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 05% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, và một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Đồng thời, khoản 4 Điều 1 Thông tư 11/2024 của Ngân hàng Nhà nước cũng quy định “trường hợp doanh nghiệp phát hành không mua lại trái phiếu trước hạn theo cam kết và yêu cầu của tổ chức tín dụng, thì tổ chức tín dụng thực hiện xử lý, thu hồi tiền gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật”.

Muốn thúc đẩy trái phiếu doanh nghiệp, không thể không ngăn chặn sở hữu chéo và cần công khai thông tin cổ đông từ 1% trở lên nhằm giúp cộng đồng có cái nhìn rõ ràng hơn về cơ cấu sở hữu làm cơ sở đánh giá chính xác mức độ an toàn của tổ chức tín dụng. Ngoài ra, nhân viên ngân hàng không được phép đánh lận hai khái niệm "trái phiếu doanh nghiệp" và "tiết kiệm linh hoạt" khi tư vấn cho nhà đầu tư phổ thông.