Tiếp ngọt cho sản xuất
Với tổng diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 83%, kinh tế nông nghiệp là thế mạnh của huyện Bắc Tân Uyên. Xác định thủy lợi là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy năng suất, chất lượng cây trồng, bên cạnh các công trình hồ đập, việc đưa vào vận hành các trạm bơm điện đã tiếp ngọt cho vùng cây có múi nơi đây phát triển bền vững.
Là địa phương thường xuyên ảnh hưởng bởi nắng hạn, Tân Mỹ là một trong các xã hưởng lợi trực tiếp từ trạm bơm điện. Theo người dân, do cách xa các công trình hồ đập thủy lợi, trước đây, hầu hết bà con sử dụng “nước trời”, một số hộ cạnh sông Đồng Nai phải đầu tư máy bơm công suất lớn chạy bằng dầu diesel cùng hệ thống ống cỡ lớn dài hàng trăm mét để đưa nước từ sông lên tới vườn.
Từ khi nhà nước quan tâm đầu tư trạm bơm và hệ thống kênh mương thủy lợi, những vườn bưởi, cam quýt giá trị cao dần hình thành, đời sống bà con ngày một khấm khá, thậm chí có hộ đất rộng thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Theo ông Đoàn Văn Báo, cán bộ vận hành trạm bơm Tân Mỹ, theo thiết kế, trạm có 2 máy bơm công suất lớn phục vụ tưới cho hơn 100 ha đất sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt hơn 100 hộ dân trong vùng. “Thời điểm này đang cao điểm mùa khô, chỉ cần người dân báo thiếu nước là chúng tôi cung cấp ngay”, ông Báo nói.
Chúng tôi theo chân cán bộ Phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên đến thăm trạm bơm Tân Mỹ vào thời điểm lực lượng thủy nông trạm bơm đang tất bật lấy nước từ sông Đồng Nai vào hệ thống kênh chính. Từ đây, dòng nước mát rẽ vào các tuyến kênh nhỏ và dẫn tới tận vườn cây giúp bà con đảm bảo sản xuất trong mùa khô.
Đang tất bật kiểm tra ao, hồ trữ nước và hệ thống tưới tiết kiệm của gia đình, anh Lê Minh Sang, chủ trang trại cây có múi tại ấp 3, xã Tân Mỹ phấn khởi cho biết, hàng chục năm trước, anh theo gia đình vào xã Tân Mỹ lập nghiệp. Do khó khăn nguồn nước tưới, khu vực này chủ yếu là các vườn hồ tiêu, cao su. Từ khi trạm bơm điện đưa vào vận hành cũng là lúc nhiều người dân nơi đây chuyển sang trồng cây có múi.
Theo anh Sang, nguồn nước giàu hàm lượng khoáng chất từ sông Đồng Nai không chỉ giúp vườn cây phát triển xanh tốt mà còn giúp sản phẩm cam quýt nơi đây nức tiếng ngọt thơm. Từ vài ha cây có múi, đến nay anh đã sở hữu trang trại lên tới hơn chục ha cam, bưởi đem lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
“Cây có múi nói chung, cam, bưởi nói riêng là loại cây trồng có khả năng chịu hạn kém. Tuy ở gần trạm bơm, nhưng hiểu được nguồn nước có hạn, nhất là đang trong giai đoạn nắng nóng gay gắt nên tôi đã chuẩn bị chu đáo các biện pháp chống hạn. Việc này giúp tiết kiệm nước để mọi người dân cùng được hưởng lợi”, anh Sang chia sẻ.
Chú trọng quản lý, khai thác hiệu quả
Theo Phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên, là huyện được quy hoạch sản xuất nông nghiệp là chính, trong những năm qua, hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện luôn được quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới.
Theo đó, những năm gần đây, huyện Bắc Tân Uyên đã triển khai 5 dự án về điện, trên 10 dự án về thủy lợi và hàng chục dự án về giao thông với số vốn lớn nhằm phục vụ cho phát triển nông nghiệp nói chung và vùng chuyên canh cây ăn trái nói riêng.
Hiện toàn huyện có 7 công trình thủy lợi, gồm 1 hồ chứa và 6 trạm bơm cùng hệ thống kênh mương tưới tiêu có chiều dài gần 71 km, tổng năng lực thiết kế tưới cho khoảng 789 ha.
Để khai thác, vận hành có hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên tiếp tục duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình hiện có. Đến năm 2030, huyện hoàn thành và đưa vào sử dụng theo phương án chuyển đổi công năng hồ Đá Bàn, xây dựng mới 2 trạm bơm tại xã Lạc An và xã Thường Tân...
“Với giải pháp công trình, địa phương đang khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, gia công sang sản xuất chuyên nghiệp với hệ thống tưới tiêu tự động, tiết kiệm...”, ông Nguyễn Hoàng Quốc Việt - Trưởng Phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên chia sẻ.