Ngày 27/3, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra thực địa tại các địa điểm xả thải gây ô nhiễm nước sông Bắc Hưng Hải. Tại khu vực cầu Lực Điền (huyện Yên Mỹ - Hưng Yên) và cống Kênh Cầu, đoàn công tác của Bộ nhận định, sau 3 ngày vận hành thử trạm bơm dã chiến Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) nguồn nước tại khu vực này cơ bản giảm tình trạng ô nhiễm và mùi hôi.
Trong vòng 72h vận hành 8 tổ máy với tổng lượng nước bổ sung hơn 4,1 triệu m3, nước ô nhiễm trên kênh Kim Sơn có thể được pha loãng đoạn dài khoảng 33km (từ hạ lưu cống Báo Đáp đến khu vực Bình Giang).
Dù ghi nhận hiệu quả bước đầu, nhưng theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, về lâu dài để khắc phục tận gốc tình trạng xả thải cần có sự tham gia của một số bộ ngành khác trong vấn đề môi trường.
Đến kiểm tra và đánh giá công tác vận hành trạm bơm dã chiến Xuân Quan, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp biểu dương nỗ lực của đơn vị thi công “vượt nắng thắng mưa”, đưa công trình vào vận hành chỉ trong vòng 2 tháng.
“Tính đến thời điểm hiện tại, đây là một trong những trạm bơm có tốc độ triển khai nhanh nhất ở Việt Nam. Nhờ đó, có thể đưa trạm bơm vào vận hành ngay trong cao điểm của mùa khô năm nay, để kịp thời bổ sung nước từ sông Hồng vào hệ thống Bắc Hưng Hải, phục vụ công tác thủy lợi của bà con nhân dân”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ.
Trạm bơm dã chiến Xuân Quan được khởi công vào ngày 28/12/2023, ngày hoàn thành dự kiến 28/3/2023. Tuy nhiên đến ngày 22/3/2024 công trình đã vận hành thử và đến sáng ngày 24/3/2024 công trình đã vận hành chính thức để kịp bổ sung nguồn nước vào hệ thống Bắc Hưng Hải giữa cao điểm mùa khô năm 2024.
Công trình được đầu tư xây dựng với tổng vốn lên đến 61,3 tỉ đồng, được thiết kế bởi Viện Kỹ thuật tài nguyên nước – Đại học Thủy lợi. Công trình có 8 tổ máy bơm chìm, tổng công suất lên đến 16m3/s, khi bơm cột nước dâng cao đến 3,2m. Theo chuyên gia, trạm bơm dã chiến Xuân Quan là công trình giữ nhiều kỷ lúc nhất của ngành Thủy lợi tính đến thời điểm hiện tại.
“Trạm bơm hoàn thành chỉ trong 2 tháng và có tới 8 máy bơm được đặt chìm, từ trước đến nay, chưa có trạm bơm với công suất trên 10m3/s được đặt chìm”, GS.TS Dương Thanh Lương chia sẻ.
Trước đó tại Hội nghị thống nhất kế hoạch điều hành hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, lãnh đạo Cục Thủy lợi, các Chi cục Thủy lợi Hải Dương, Hưng Yên; các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương, Hưng Yên, Nam Đuống (Bắc Ninh) và Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Gia Lâm (Hà Nội) đã nhất trí kế hoạch điều tiết nước cụ thể cho từng địa phương, chuẩn bị phương án xử lý sự cố, tránh bị động.
Trong đó khoanh vùng những khu vực có nguy cơ thiếu nước, hoặc nước bị ô nhiễm không thể tưới dưỡng để chủ động lắp đặt trạm bơm dã chiến ở những khu vực này.
Lãnh đạo Sở NN-PNT các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên cũng để nghị trong thời gian tới các đơn vị quản lý sông Bắc Hưng Hải cần quan tâm vấn đề xử lý vi phạm công trình thủy lợi, việc xả thải làm ô nhiễm nguồn nước sông.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp mong muốn, trong thời gian vận hành trạm bơm dã chiến Xuân Quan, đơn vị quản lý trạm bơm cần phối hợp chặt chẽ trong việc quan trắc độ mặn nước trong hệ thống Bắc Hưng Hải và nước sông ngoài để điều tiết nước phù hợp phục vụ sản xuất.
Đại diện đơn vị quản lý trạm bơm, ông Trịnh Thế Trường - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cho biết, giai đoạn tới sẽ mở cống Xuân Quan lấy nước kết hợp với vận hành trạm bơm bổ sung nguồn nước cho kênh Kim Sơn, khi đó ô nhiễm nước trên kênh Kim Sơn được cải thiện. Trước mắt, Công ty Bắc Hưng Hải sẽ vận hành tối đa trạm bơm Xuân Quan để pha loãng, giảm thiểu ô nhiễm nước. Dự kiến sẽ vận hành liên tục từ nay đến hết tháng 4/2025.
Với việc vận hành trạm bơm dã chiến Xuân Quan, không chỉ giải quyết vấn đề thiếu nước và ô nhiễm môi trường vùng đồng bằng sông Hồng suốt nhiều năm qua mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương nằm trong vùng hưởng lợi.