| Hotline: 0983.970.780

Hưng Yên: Tạm dừng bơm tưới dưỡng nhiều nơi do sông Bắc Hưng Hải ô nhiễm

Thứ Sáu 24/04/2020 , 19:41 (GMT+7)

Theo phản ánh của nhiều người dân Hưng Yên, nước sông Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm làm ảnh hưởng đến cuộc sống, đặc biệt trong việc lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Cuộc sống đảo lộn

Hệ thống sông Bắc Hưng Hải (BHH) đang ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng khiến năng suất lúa giảm, rau xanh không thể ăn và bán được, sản lượng nuôi trồng thủy sản giảm. Theo ghi nhận của chúng tôi những ngày này, nông dân trồng rau hai bên bờ sông Bắc Hưng Hải đang ngày đêm mất ăn mất ngủ, đêm đêm họ phải “canh” xem nước sông có trong không để lấy nước tưới cho rau, nhưng hết đêm này qua đêm khác, nước vẫn không trong.

Hệ thống sông Bắc Hưng Hải đang ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Người dân cung cấp.

Hệ thống sông Bắc Hưng Hải đang ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Người dân cung cấp.

Ông Nguyễn Văn Vụ, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm than thở: Anh nhìn nước sông hiện nay xem, bẩn đen ngòm, mùi thối nồng nặc thế kia, chúng tôi không thể tưới cho rau được. Nước này mà tưới cho rau thì rau chết liền. Mấy hôm trước có nhà chờ mấy ngày nước không trong, rau héo khô, cố múc nước bẩn tưới, sau một đêm cả ruộng rau chết sạch. Nhà tôi đây thì cứ ngày đêm ngồi canh thôi, khi nào người ta tháo cống Cầu Kênh rác thải, nước bẩn chảy đi, sau đó xả cống Xuân Quan lấy nước từ sông Hồng thì có nước sạch về, mới dám múc nước tưới. Nhưng khổ nỗi, có đợt cả tháng trời không có nước sạch, phải lấy từng bình nước ở trong làng ra tưới hoặc để rau héo khô.

 “Ngày xưa nước ở đây trong và sạch lắm chúng tôi còn lấy nước này để sinh hoạt. Nhưng hiện nay, cực kì ô nhiễm không biết nước thải ở đâu đổ về mà làm cho nước sông cứ đen kịt như mực. Trước có thằng cháu thấy rau muống trên sông xanh và non hái về ăn. Ăn xong cả nhà đều bị đau bụng, đi ngoài vì ngộ độc. Từ đó những hôm nước bẩn tôi không dám dùng nước trên sông để tưới cho rau nữa. Bình thường muốn tưới rau là tôi phải sang tận mương cách xa bên kia đường để lấy nước. Mãi mới được hôm nay nước trong, tôi mới dám ra tưới” - Bà Đào Thị Soi ở xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ cho biết.

Người dân 'canh' từng ngày đợi nước trong để tưới cây. Ảnh: HƯNG GIANG

Người dân "canh" từng ngày đợi nước trong để tưới cây. Ảnh: HƯNG GIANG

Ông Đào Xuân Mười ở xã Đồng Than (Yên Mỹ) cũng cho hay: “Mấy năm gần đây nước càng ngày càng ô nhiễm, rau trồng tưới bằng nước này lớn chậm hơn, sản lượng thấp hơn so với ngày trước”.

Tạm dừng lấy nước nhiều nơi

Từ đầu năm 2020, hệ thống bắt đầu trữ và lấy nước diện rộng cho giai đoạn đổ ải. Tuy nhiên, do cống Xuân Thụy xả nước thải có mùi hôi thối, nước đen, bọt trắng xóa vào kênh Kim Sơn đầu nguồn hệ thống đã gây ô nhiễm không chỉ ở khu vực Hưng Yên mà ảnh đến cả khu vực cống Tranh, Bá Thủy thuộc Hải Dương.

Bên cạnh đó, hệ thống còn tiếp nhận lượng nước thải từ các kênh Trần Thành Ngọ của tỉnh Hưng Yên, kênh tiêu T2 của thành phố Hải Dương gây ô nhiễm nghiêm trọng cho hệ thống.

Trong giai đoạn đổ ải năm 2020, nguồn nước sông Hồng tại cống Xuân Quan thấp, công ty phải đóng kín cống này để giữ nước, do vậy không có dòng chảy để pha loãng, nước thường xuyên ô nhiễm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình lấy nước phục vụ sản xuất của các địa phương.

Ô nhiễm nước cụ thể nhận biết được bằng cảm quan, trực quan như có màu đen, nước đen kịt như luyn, bốc mùi hôi thối. Ô nhiễm nước trong hệ thống đã tăng lên hàng năm cả về phạm vi và mức độ đặc biệt là ô nhiễm chất hữu cơ, nitrit, amoni và vi sinh vật.

Cũng theo phản ánh của người dân, thời gian qua, một số xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi (CTTL) các huyện (Văn Giang, Yên Mỹ, Ân Thi) đã thực hiện việc bơm tưới dưỡng cho lúa từ nguồn sông BHH đang bị ô nhiễm nặng.

Theo phản ánh của người dân, thời gian qua, một số xí nghiệp khai thác CTTL các huyện (Văn Giang, Yên Mỹ, Ân Thi) đã thực hiện việc bơm tưới dưỡng cho lúa từ nguồn sông BHH đang bị ô nhiễm nặng. Ảnh: Người dân cung cấp

Theo phản ánh của người dân, thời gian qua, một số xí nghiệp khai thác CTTL các huyện (Văn Giang, Yên Mỹ, Ân Thi) đã thực hiện việc bơm tưới dưỡng cho lúa từ nguồn sông BHH đang bị ô nhiễm nặng. Ảnh: Người dân cung cấp

Trước tình trạng trên, Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên đã tiến hành kiểm tra đột xuất. Qua quá trình kiểm tra cho thấy nguồn nước trên một số đoạn sông Kim Sơn bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là phía thượng lưu của sông. Hiện tại, các trạm bơm lấy nước trực tiếp từ các đoạn sông trên đã dừng hoạt động.

Để đảm bảo nước tưới dưỡng và phòng trừ sâu bệnh cho lúa Xuân 2020, Sở đã có văn bản đề nghị Cty TNHH MTV khai thác CTTL tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các xí nghiệp khai thác CTTL thường xuyên kiểm tra tình hình nguồn nước, vận hành các trạm bơm lấy nước linh hoạt, bảo đảm tưới dưỡng và phòng trừ sâu bệnh cho lúa kịp thời, an toàn cho cây trồng và môi trường sinh thái.

Tăng cường tích trữ nước vào trục sông trục, kênh mương nội đồng; vận hành hiệu quả, kịp thời các cống điều tiết ngăn nguồn ô nhiễm từ các sông trong hệ thống BHH vào nội đồng. Rà soát, xây dựng phương án, kế hoạch tưới cho những vùng mà nguồn nước thường xuyên bị ô nhiễm để đảm bảo chất lượng nước phục vụ sản xuất.

Cùng đó, Sở cũng đề nghị Cty TNHH MTV khai thác CTTL Bắc Hưng Hải tăng cường quản lý, giám sát chất lượng nước trên hệ thống. Vận hành hệ thống thau rửa nguồn nước bị ô nhiễm khi có điều kiện cho phép, bảo đảm cung cấp nguồn nước cho các địa phương phục vụ sản xuất, dân sinh đạt hiệu quả và chất lượng. Phối hợp với Hà Nội để điều hành hệ thống, nhất là công Xuân Thụy (sông Cầu Bây) để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước sông Kim Sơn.

Theo kết quả quan trắc của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, chất lượng nước trong hệ thống thủy lợi BHH trong năm 2019 có tỷ lệ số điểm quan trắc vượt quy chuẩn Việt Nam cao nhất từ trước đến nay với 12/15 vị trí, chiếm 80% số vị trí quan trắc. Các vị trí bị ô nhiễm nghiêm trọng là: Cống Xuân Thụy, cống Như Quỳnh, cống Kênh Cầu, cầu Lương Bằng, cống Cầu Cất, cống Tranh, cống Bá Thủy, cống Ngọc Đà, cống Ngọc Lâm, cống Phần Hà, cống Bình Lâu, cống Neo (tăng 8% so với năm 2018). Tỷ lệ này cao nhất từ năm 2005 trở lại đây. Nước bị ô nhiễm cao nhất vào tháng 2 và 3 (vào thời kỳ bón phân để gieo cấy và chăm sóc lúa thời kỳ đẻ nhánh).

Gần như 100% nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, làng nghề và 70-80% nước thải công nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu trước khi xả vào hệ thống thủy lợi.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất