| Hotline: 0983.970.780

Trạm khuyến nông đặc biệt

Thứ Sáu 07/05/2021 , 14:27 (GMT+7)

Có hẳn một xưởng sản xuất mạ khay, cấy máy cỡ lớn cùng hoa, quả sản xuất theo mùa nên tuy đông người nhất nhưng trạm lại tự chủ được đến một nửa thu nhập.

Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất. Ảnh: Dương Đình Tường.

Từ cái trại lợn cũ

Đó là tôi đang muốn nói về Trạm Khuyến nông của huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Anh Nguyễn Bùi Hải - Trạm trưởng kể lại, trước năm 1993 - thời điểm thành lập ngành khuyến nông, địa điểm này vốn là trại lợn giống của huyện với tổng diện tích 6 ha với 60 công nhân. Khi trại bị giải thể, trạm mới đặt trụ sở tại đây trong bối cảnh chuồng lợn đã bị đập bỏ chỉ còn một số thiết bị lỗi thời.  

Năm 1994 thì anh Hải về trạm. Tận dụng đất đai mọi người mới bàn nhau làm kinh tế bằng cách nuôi gà đẻ, thỏ đẻ, vịt đẻ rồi bán đủ loại cây giống chiết, ghép. Thiếu kỹ thuật thì họ mời chuyên gia về hướng dẫn. Thiếu nhân lực thì họ thuê những sinh viên nông nghiệp mới ra trường đến để vừa học vừa làm.

Những mô hình này lại là nơi cho bà con đến tham quan, học hỏi một cách thực tế về các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Khi diện tích quản lý chỉ còn có 1,5 ha, trạm chuyển đổi dần dần sang sản xuất rau sạch, hoa và từ năm 2012 đến nay tiến hành làm mạ khay, cấy máy. Đây vốn được coi là khâu “xương xẩu” nhất trong các công đoạn cơ giới hóa, chẳng mấy hộ cá nhân muốn đầu tư vào vì không chỉ tốn tiền, tốn diện tích mà còn liên quan đến kỹ thuật phức tạp. Phải làm mạ với đủ tiêu chí như độ dày, độ kết rễ, tỷ lệ sạch bệnh, chiều cao cây, độ đồng đều…

Anh Nguyễn Bùi Hải - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Thạch Thất. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Bùi Hải - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Thạch Thất. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tuy nhiên với diện tích gieo cấy hàng năm vào khoảng 8.000 ha lại ở vùng ven đô, làng nghề nhiều, lao động nông nghiệp ngày càng giảm thì mạ khay, cấy máy là con đường không thể thiếu để Thạch Thất hạ giá thành sản phẩm cũng như giải phóng các công đoạn của nghề nông vất vả.

Xác định như thế nên năm 2012 anh em trong Trạm Khuyến nông sau khi bỏ mấy ngày đi xem mô hình mạ khay ở Thanh Hóa về đã mua 1 máy cấy 4 hàng, 1 máy gieo hạt đẩy tay và 1.500 khay mạ mất tổng cộng 150 triệu đồng. Sau khi thanh lý hết gà đẻ, thỏ đẻ (do không thể mở rộng ra) được ½ số tiền đó, phần còn lại thì huy động, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít và một phần xin…chịu.

Vừa sản xuất mạ khay, họ vừa cấy luôn dịch vụ cho bà con. Bởi mạ khay là thứ quá mới nên một số hộ thấy cấy thưa hơn hẳn so với truyền thống ngàn xưa nên đã xin thêm mạ mà dặm vào thậm chí còn cào bỏ hết cả đi. Lúc đó cán bộ của trạm phải đứng ra cam kết bằng miệng rằng cứ để nguyên, nếu giảm năng suất sẽ xuất tiền túi ra để bù vào. Những hộ cấy lại vừa mất công, vừa mất sản lượng vì chậm thời vụ, còn những hộ "gan to" để nguyên thì bội thu bởi lúa cấy máy thưa cây nên ruộng đồng thông thoáng, ít sâu, bệnh.

Vụ đầu tiên chủ yếu làm để giới thiệu công nghệ, thực hiện 7 ha, số lãi thu được chỉ đủ trả công và khấu hao máy móc. Vụ sau bà con đã bắt đầu thấy lợi ích của mạ khay, cấy máy, đăng ký đông hơn nên trạm phải mua thêm khay về để mở rộng sản xuất. Năm 2014 huyện lại hỗ trợ cho 1 máy cấy 4 hàng, 1 dây chuyền gieo tự động cùng 1 vạn khay nên sau đó diện tích thực hiện được mở rộng lên 70 ha.

Khu nhà lưới của Trạm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khu nhà lưới của Trạm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đến một trung tâm mạ khay chất lượng Nhật Bản

Năm 2017, trạm thành lập Trung tâm Sản xuất mạ khay chất lượng cao đạt tiêu chuẩn Kubota của Nhật Bản, là trung tâm thuộc top sớm đầu tiên của thương hiệu này tại Việt Nam.

Trước đó mọi thứ được chọn, được làm theo cảm quan nhưng từ năm 2017 là theo tỷ lệ cố định của Nhật Bản. Tỉ mỉ từ chuyện làm giá thể, không được lấy đất sét mà phải là đất mặt nên anh em tranh thủ khai thác ở các công trình xây dựng, ở các chỗ dồn điền đổi thửa cần hạ mặt bằng. Đất ấy lấy về phải lọc sạch rễ cây, đá sạn rồi phối trộn với phân bón theo công thức riêng sao cho cây mạ đạt sức sống tốt nhất khi đưa vào cấy máy.

Mật độ gieo trên khay phụ thuộc vào từng giống, từng trọng lượng hạt nhưng không được quá 5.000 hạt/khay. Mùa đông giá rét phải thắp bóng điện trong nhà làm mạ như úm gà để tăng nhiệt độ, hạn chế nấm phát triển rồi lại còn phải phòng trừ sâu bệnh cẩn thận.

Mỗi vụ số lượng khay lại tăng thêm, từ 17.000 năm 2017 tới vụ xuân năm 2021 đã lên tới 58.000 khay, tương đương hơn 200 ha. Ngoài trung tâm mạ khay của trạm còn có các trung tâm của những cá nhân ở xã Canh Nậu, Phú Kim, Hương Ngải nâng tổng diện tích mạ khay của huyện lên 400 ha/4000 ha lúa.

Trạm có 17 người thì 11 viên chức còn lại là hợp đồng, được phiên chế làm 2 tổ sản xuất, lúc vào mùa vụ gấp gáp thì thuê thêm 5-7 người. Để khuyến khích tính tự giác, sáng tạo trong lao động, đơn vị đặt ra cơ chế khoán sản phẩm.

1 khay mạ bán 16.000 đồng, sau khi trừ chi phí giống, giá thể, khấu hao máy móc, cộng trích một phần quản lý phí thì được khoán với giá 5.000 đồng. Người nhận khoán chịu trách nhiệm dọn dẹp bãi, quây tôn chắn chuột, ngâm ủ thóc giống, gieo mạ, rải mạ, chăm sóc đến khi khách hàng lấy thì bê lên xe, khi khách hàng trả khay thì bốc xuống, xếp vào kho, thu dọn bãi. 

Cấy bằng máy ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cấy bằng máy ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhờ có khoán mà ai cũng thấy nghĩa vụ và quyền lợi của mình ở trong đó nên không phải nhắc nhở gì nhiều. Mùa hè 5 giờ sáng mọi người đã đi làm để 10 giờ nghỉ, chiều 4 giờ làm đến 9 giờ tối mới nghỉ còn mùa đông 6 giờ còn đang rét cóng đã bắt tay vào công việc.

Bình thường chỉ có 3-4 người nhà ở xa phải ăn cơm tập thể ngay tại trạm nhưng vào vụ đến 80% ở lại, ngay cả trạm trưởng cũng thế, vẫn mướt mải mồ hôi cùng lao động với anh em. Vất vả hơn vì vừa kinh doanh vừa phải đảm bảo công tác chuyên môn, tập huấn, hướng dẫn cho các mô hình mà Trung tâm Khuyến nông thành phố giao cho nhưng được cái lại gia tăng thu nhập.

Với số lãi xấp xỉ 300 triệu, trừ công thuê ngoài, phương tiện vận chuyển thuê ngoài, từ mạ khay, cấy máy, người làm nhiều được chia 15-20 triệu, người làm ít được chia 5-7 triệu. Thêm vào đó, khu nhà lưới rộng trên 1.200m2 do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đầu tư cho trạm, lúc đầu thực nghiệm sản xuất rau sạch nhưng do sản lượng không đủ yêu cầu của khách hàng nên 3 năm nay chuyển sang làm một vụ hoa, một vụ dưa lê. Tính ra cũng lãi được cỡ 50-60 triệu.

Cả hai nguồn thu là mạ khay, cấy máy và hoa, dưa này đảm bảo cỡ 50% thu nhập cho trạm, giúp mỗi viên chức ngoài đồng lương trung bình 4,5-5 triệu đồng hàng tháng còn được thêm 2-2,5 triệu đồng.

Anh Hải bảo với tôi rằng khuyến nông giờ đây không chỉ đơn thuần là hướng dẫn kỹ thuật nữa mà phải xem xét các tín hiệu thị trường để giúp đỡ cho bà con. Bởi thế, hướng đi sắp tới của trạm sẽ là tư vấn kỹ thuật cùng các dịch vụ mới gắn với tiêu thụ sản phẩm. 

Riêng về diện tích áp dụng mạ khay, máy cấy sẽ còn tăng nữa bởi nông dân hiện nay ở các vùng đất có nhiều nghề như Thạch Thất đã không còn muốn nhúng tay, chân xuống bùn. Để đáp ứng cho nhu cầu này, Trạm Khuyến nông cần thêm vốn nhưng vì là đơn vị sự nghiệp nên không có tài sản đảm bảo để thế chấp ngân hàng. Hơn nữa, trạm cũng không được hỗ trợ theo Nghị định 83 như các cá nhân, HTX.

Nhu cầu mạ khay, máy cấy của người dân nhiều tuy nhiên lãnh đạo cơ sở một số nơi lại chưa “nóng” về chuyện này. Muốn thúc đẩy, phải giao chỉ tiêu giống như nông thôn mới chứ không thể mỗi tuyên truyền suông. Cơ chế chính sách hiện nay không thiếu nhưng chưa được vận dụng linh hoạt. Trong khi đó một hộ khó có thể đứng lên đảm trách được khâu dịch vụ này mà phải là một tổ hợp hoặc một cá nhân lớn.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.