Lên Shopee mua vacxin ngoài danh mục được phép lưu hành
Trong quá trình thâm nhập thị trường, chúng tôi biết đến Phạm Văn Sáng, hiện đang sinh sống tại xã Chất Bình, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) - một trong những đầu nậu cung cấp các sản phẩm vacxin, kháng sinh nguyên liệu.
Điểm mạnh trong "kỹ nghệ" kinh doanh của Sáng là sử dụng triệt để các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử để quảng cáo, tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài facebook, zalo, Sáng đăng bán rất nhiều sản phẩm vacxin, thuốc thú y ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí là hàng giả trên ứng dụng mua bán Shopee.
Cụ thể, thời điểm sáng 26/5/2022, “cửa hàng online” Sangyen01 do Phạm Văn Sáng điều hành (liên hệ với khách hàng qua 2 số điện thoại 0904***622 và 0966***622) trên ứng dụng mua bán Shopee giao bán rất nhiều vacxin ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam như: Vacxin E.coli bại huyết liều 1.000 tiêm vịt, ngan với giá bán 190.000 đồng/sản phẩm (số lượng sản phẩm có sẵn là 969, số lượng sản phẩm đã bán qua ứng dụng Shopee là 31 sản phẩm); vacxin cúm gia cầm bảo hộ các chủng H5N1, H7N9, H9N2 với giá 290.000 đồng/sản phẩm (số lượng sản phẩm có sẵn là 499); kháng thể rụt mỏ + viêm gan trên vịt SINDER liều 500 con (giá bán từ 120.000 - 145.000 đồng/sản phẩm, có sẵn 23.350 sản phẩm)…
Ngoài ra, gian hàng Sangyen01 còn bán nhiều loại kháng sinh nguyên liệu như Doxycyline; Amoxxicillin, Tyloshin Tartrate; Sulfamonomethoxine hàm lượng 98% đựng trong hũ khối lượng 1kg dùng để điều trị bệnh trên gà, lợn.
Trên bao bì các sản phẩm không có nhãn phụ (số lượng sản phẩm có sẵn 213, giá bán từ 455.000 - 480.000 đồng/sản phẩm).
Mặc dù chủ cửa hàng giới thiệu đây là “hàng Thái Lan cao cấp”, tuy nhiên, ông Lê Toàn Thắng - Trưởng phòng Quản lý Thuốc thú y khẳng định: Đây là thông tin sai sự thật, bởi Thái Lan không có nhà máy sản xuất kháng sinh nguyên liệu.
Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, Giám đốc một nhà máy sản xuất thuốc thú y đạt tiêu chuẩn GMP ở phía Bắc cho biết, hiện nay công ty nhập kháng sinh nguyên liệu Amoxicillin với giá từ 800.000 - 900.000 đồng/kg; Tylosin có giá khoảng 1,4 - 1,5 triệu đồng/kg; Doxycyline có giá khoảng 2,4 triệu đồng/kg.
“Tôi khẳng định bất kỳ ai rao bán các loại kháng sinh nguyên liệu 98% xuất xứ từ Thái Lan với giá dao động từ 450.000 – 500.000 đồng thì đều là hàng giả, không phải kháng sinh nguyên chất”, vị Giám đốc khẳng định.
Trên gian hàng Sangyen01, chiều 24/5, chúng tôi đặt mua 2 chai vacxin E.coli bại huyết vịt ngan 250ml, liều 1.000 con (bao bì sản phẩm in toàn chữ Trung Quốc được giới thiệu do Ringpu sản xuất) với giá 245.000 đồng/sản phẩm.
Tiếp đến, chúng tôi gọi vào số điện thoại của cửa hàng Sangyen01: 09660**622 để xác nhận đơn hàng với người bán. Ở đầu dây bên kia, người đàn ông cho biết vẫn còn sản phẩm và sẽ giao hàng qua Shopee.
Khi được hỏi về phương thức bảo quản trong quá trình vận chuyển, người này nói: “Đây là vacxin nhũ dầu nên không cần bảo quản lạnh đâu, bạn yên tâm nhé. Vì nhiều người không biết cứ bắt bảo quản lạnh”.
Chưa cấp phép mua bán thuốc thú y, vacxin cho sàn thương mại điện tử nào
Giống như các loại dược phẩm sử dụng trong y tế, tất cả các loại vacxin, thuốc thú y, kháng sinh nguyên liệu có tác dụng phòng và điều trị bệnh trên động vật là hàng hóa đặc biệt, kinh doanh có điều kiện và được kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt.
Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: “Tổ chức, cá nhân muốn buôn bán thuốc thú y phải tuân thủ theo quy định tại Điều 92 của Luật Thú y”. Đó là, có giấy chứng nhận đăng ký hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm, cơ sở vật chất, kỹ thuật phù hợp; có người quản lý, người trực tiếp bán thuốc thú y phải có Chứng chỉ hành nghề thú y.
Đặc biệt, tổ chức, cá nhân phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y và phải đáp ứng rất nhiều điều kiện ngặt nghèo như: có địa điểm kinh doanh và biển hiệu; có tủ, kệ, giá để chứa đựng các loại thuốc phù hợp; có trang thiết bị bảo đảm điều kiện bảo quản thuốc theo quy định; có sổ sách, hóa đơn chứng từ theo dõi xuất, nhập hàng…
Ông Lê Toàn Thắng - Trưởng phòng Quản lý Thuốc thú y (Cục Thú y) khẳng định: “Hiện nay cơ quan chức năng chưa cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y, vacxin trên bất cứ nền tảng thương mại điện tử nào, kể cả các ứng dụng mua bán như Shopee, Lazada”.
Theo chính sách của Shopee, các sản phẩm vi phạm bản quyền (hàng nhái, hàng giả..); thực phẩm thuốc (các mặt hàng được giới thiệu là có tác dụng trong chẩn đoán, cứu chữa, điều trị hoặc phòng ngừa bệnh ở người hoặc động vật;…) nằm trong danh sách sản phẩm bị cấm/hạn chế mua bán trên Shopee.
Tuy nhiên, truy cập vào ứng dụng Shopee và gõ từ khóa “thuốc thú y”, kết quả tìm kiếm đưa ra rất nhiều loại thuốc thú y phòng và điều trị bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản được quảng cáo rao bán.
Ngoài các sản phẩm thuốc thú y chính hãng, có trong danh mục sản phẩm được phép lưu hành tại Việt Nam, nhiều “cửa hàng online” còn bán thuốc thú y, vacxin, kháng sinh nguyên liệu ngoài danh mục, trên bao bì sản phẩm in chữ Trung Quốc, Thái Lan và không có nhãn phụ tiếng Việt.
Lỗ hổng pháp lý
Theo Luật sư Dương Lê Ước An, hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc xử lý vi phạm khi các trang thương mại điện tử cho phép các cửa hàng đăng bán tràn lan các loại thuốc thú y không rõ nguồn gốc, hàng hóa ngoài danh mục sản phẩm được phép lưu hành tại Việt Nam.
Pháp luật chỉ quy định về việc xử lý đối với người bán hàng khi đăng bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc hàng hóa, ngoài danh mục sản phẩm được phép lưu hành tại Việt Nam chứ không có chế tài xử lý nào đối với các trang thương mại điện tử cung cấp dịch vụ, mọi quy định chỉ dừng lại ở “trách nhiệm chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.
Mặc dù các sản phẩm là hàng lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có các loại thuốc thú y cũng được Shopee cấm bán, đồng nghĩa với việc sẽ không vận chuyển. Tuy nhiên, hiện nay việc đăng bán hàng trên Shopee không có bất cứ quy định nào về yêu cầu giấy tờ xác định nguồn gốc hàng hóa, về nhập khẩu hàng hóa,…
Chính vì vậy có thể nói, với Shopee thì hiện chưa có bất kỳ cơ chế kiểm soát nào cho hàng giả, hàng nhái, hàng cấm mua bán theo quy định.
Thứ nữa, Shopee không phải là đơn vị trực tiếp vận chuyển mà chỉ liên kết, cung cấp dịch vụ giữa khách hàng với các đơn vị vận chuyển… Đây có thể coi là lỗ hổng pháp luật khi chưa có bất kỳ quy định nào cụ thể về vấn đề này, điều này dễ tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Shopee quy định chặt chẽ nhưng kiểm soát lỏng lẻo
Việc Shopee cho đăng bán tràn lan các loại thuốc thú y không rõ nguồn gốc và ngoài danh mục sản phẩm được phép lưu hành tại Việt Nam có thể gây hại cho môi trường xã hội. Trong trường hợp sản phẩm không đạt chất lượng, không đạt chuẩn, không có hướng dẫn sử dụng của bác sĩ thú y, sẽ thiệt hại đến sức khỏe các loài động vật và là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh vô cùng nguy hiểm.