| Hotline: 0983.970.780

Tràn lan thuốc thú y, vacxin lậu: [Bài 3] Đi tìm 'trùm' buôn vacxin, kháng sinh nguyên liệu Trung Quốc

Chủ Nhật 22/05/2022 , 10:20 (GMT+7)

Kháng sinh nguyên liệu chỉ được sử dụng để sản xuất thuốc thú y và là mặt hàng cấm bán trực tiếp cho người chăn nuôi. Thế nhưng, bất ngờ là ai cũng mua được.

Kháng sinh nguyên liệu sản - hàng hóa cấm bán cho người chăn nuôi

Kháng sinh nguyên liệu dùng trong sản xuất thuốc thú y là hàng hóa đặc biệt và được kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt. Bởi nếu sử dụng bừa bãi, vật nuôi không thể đào thải hết, dẫn đến tồn dư kháng sinh trong cơ thể, gây mất an toàn thực phẩm, nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Hiện nay 100% nguyên liệu thuốc thú y, trong đó có kháng sinh phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Hiện nay 100% nguyên liệu thuốc thú y, trong đó có kháng sinh phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Bài liên quan

Các chuyên gia trong lĩnh vực thú y và y tế đã nhiều lần cảnh báo rằng, việc sử dụng rộng rãi kháng sinh trong chăn nuôi ở Việt Nam làm gia tăng sự hiện diện của các vi khuẩn kháng thuốc, thậm chí gây nguy cơ kháng kháng sinh trên người. Bởi, trên thực tế, rất nhiều nguyên liệu kháng sinh được sử dụng để bào chế thuốc thành phẩm điều trị bệnh trên người và động vật.

Bà Nguyễn Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, hiện nay 100% nguyên liệu thuốc thú y, trong đó có kháng sinh phải nhập khẩu từ nước ngoài. Việc quản lý nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh làm thuốc thú y được thực hiện chặt chẽ.

Cụ thể, trong giấy phép nhập khẩu có ghi rõ “nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu chỉ được dùng cho sản xuất thuốc thú y”. Cục Thú y yêu cầu đơn vị đăng ký nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh báo cáo việc sử dụng, kinh doanh, địa chỉ cơ sở mua nguyên liệu kháng sinh của lô nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu lần trước, rồi mới được Cục Thú y xem xét hồ sơ đăng ký nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh lô hàng tiếp theo.

Bà Thủy cũng lưu ý: “Không được bán nguyên liệu làm thuốc thú y cho các đại lý, cửa hàng buôn bán thuốc thú y để bán cho người dân trực tiếp phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản hoặc bán trực tiếp cho các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để sử dụng”.

Một đơn vị muốn nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc phải đáp ứng rất nhiều điều kiện ngặt nghèo như: có Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) hoặc giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng (ISO) hoặc giấy chứng nhận khác tương đương đối với một số hóa chất thông dụng; Giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm (CFS, CPP, MA) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp; Phiếu phân tích chất lượng sản phẩm (CoA) của nhà sản xuất…

Năm 2021 cả nước chỉ có 34 cơ sở nhập khẩu 250 loại nguyên liệu thuốc thú y, số lượng 11.000 tấn với giá trị 130 triệu USD của 420 nhà sản xuất từ 26 nước. Trong đó, nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu có 61 loại với số lượng 1.760 tấn, trị giá 83 triệu USD của 168 nhà sản xuất từ 8 nước (Bulgaria, China, India, Italy, Japan, Spain, USA, UK).

“Tổng kho” kháng sinh nguyên liệu bán tận tay người chăn nuôi

Mặc dù đơn vị nhập khẩu chỉ được phép kinh doanh, sử dụng kháng sinh nguyên liệu để sản xuất các loại thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam, tuy nhiên, trong quá trình điều tra, thâm nhập thị trường, chúng tôi thật bất ngờ khi rất nhiều loại kháng sinh nguyên liệu (độ tinh khiết 98% - 99%) là hàng giả, có dấu hiệu nhập lậu được quảng cáo và mua bán công khai trên mạng xã hội.

Hình ảnh Group (Thuốc Thú y - Vacxin - Sỉ lẻ toàn quốc) HỆ THỐNG ĐẠI LÝ DKVET VIỆT NAM  có 23,5 nghìn thành viên được giới thiệu là 'Tổng kho kháng sinh nguyên liệu' do tài khoản Phạm Kim Anh là người kiểm duyệt. Ảnh: Minh Phúc.

Hình ảnh Group (Thuốc Thú y - Vacxin - Sỉ lẻ toàn quốc) HỆ THỐNG ĐẠI LÝ DKVET VIỆT NAM  có 23,5 nghìn thành viên được giới thiệu là "Tổng kho kháng sinh nguyên liệu" do tài khoản Phạm Kim Anh là người kiểm duyệt. Ảnh: Minh Phúc.

Thậm chí, trên nền tảng Facebook còn có hẳn một nhóm công khai với hơn 23.500 thành viên có tên: “Thuốc Thú y - Vacxin - Sỉ lẻ toàn quốc) HỆ THỐNG ĐẠI LÝ DKVET VIỆT NAM”, chuyên cung cấp thuốc thú y, vacxin nhập ngoại các loại. Đặc biệt, nhóm này đặt ảnh bìa nổi bật là hình ảnh những lọ kháng sinh nguyên liệu (98%), thông tin trên nhãn mác in toàn chữ Thái Lan kèm dòng chữ lớn: “Tổng kho kháng sinh nguyên liệu”.

Có thể nói đây là một “địa chỉ” chuyên cung ứng các loại vacxin, thuốc thú y và kháng sinh nguyên liệu nhập lậu quy mô lớn trên không gian mạng, phạm vi bao trùm toàn quốc. Trong đó, thành viên tích cực (giữ vai trò người kiểm duyệt của nhóm từ ngày 11/5/2015) và thường xuyên đăng bài quảng cáo bán hàng lậu, hàng giả là tài khoản cá nhân mang tên Phạm Kim Anh.

Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, Phạm Kim Anh đăng tải các bài viết quảng cáo bán buôn và bán lẻ nhiều loại vacxin có nguồn gốc từ Trung Quốc (ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam) như vacxin Reovirus cho vịt ngan; vacxin Ecoli bại huyết vịt ngan; vacxin Circo cho vịt, ngan; vacxin Tembusu vịt ngan; vacxin Scocvac 4 phòng bệnh cầu trùng gà; vacxin cúm gia cầm các chủng H5N1, H7N9, H9N2…; vacxin phòng bệnh marek (teo chân gà hay còn gọi là ung thư gà); kháng thể viêm gan thể vùi…

Tài khoản Phạm Kim Anh nhận oder tất cả các mặt hàng thuốc + vx (vacxin - PV) từ Trung Quốc.

Tài khoản Phạm Kim Anh nhận oder tất cả các mặt hàng thuốc + vx (vacxin - PV) từ Trung Quốc.

Cùng với đó, hình ảnh rất nhiều loại kháng sinh nguyên liệu 98% (loại đựng trong hũ/thùng khối lượng 1kg hoặc 10kg, 25kg) như Enrofloxacin; Florfenicol; Colistin sulfate, Amoxycilin, Doxycycline, Tylosin Tartrate,… được xếp chồng đống lên nhau để "khoe hàng". Phạm Kim Anh giới thiệu đây là hàng nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc… Do số lượng hàng hóa lớn, nên cần tìm đại lý giao sỉ toàn quốc.

Đặc biệt, trên các hình ảnh sản phẩm đều được gắn số điện thoại liên hệ zalo/phone là: 0987.***.525 (MS. Kim Anh hoặc NPP Quốc tế Kim Tuấn).

Hình ảnh những hũ kháng sinh nguyên liệu như Amoxicilin,  Florfenicol; Colistin sulfate, Enrofloxacin; Florfenicol; Colistin... được tài khoản Phạm Kim Anh đăng lên Group HỆ THỐNG ĐẠI LÝ DKVET VIỆT NAM để quảng cáo.

Hình ảnh những hũ kháng sinh nguyên liệu như Amoxicilin,  Florfenicol; Colistin sulfate, Enrofloxacin; Florfenicol; Colistin... được tài khoản Phạm Kim Anh đăng lên Group HỆ THỐNG ĐẠI LÝ DKVET VIỆT NAM để quảng cáo.

“Bà trùm” là ai?

Để trả lời câu hỏi: Phạm Kim Anh là ai? NPP Quốc tế Kim Tuấn là gì? Chúng tôi truy ngược tài khoản Facebook cá nhân mang tên Phạm Kim Anh từ các bài đăng trên nhóm “Thuốc Thú y - Vacxin - Sỉ lẻ toàn quốc) HỆ THỐNG ĐẠI LÝ DKVET VIỆT NAM”. Kết quả, đây là trang facebook có 9.800 người theo dõi.

Thông qua các đầu mối thông tin, chúng tôi tiếp tục xác minh và được biết tại tỉnh Bắc Ninh có 3 cơ sở phân phối thuốc thú y – thủy sản – thức ăn chăn nuôi mang tên Kim Tuấn tại huyện Gia Bình, Yên Phong và Thuận Thành, đều do thạc sỹ Phạm Kim Anh phụ trách, số điện thoại liên hệ được in trên biển hiệu cửa hàng: 0987.***.525 (trùng với số điện thoại mà tài khoản facebook Phạm Kim Anh giao bán các loại vacxin, thuốc thú y không rõ nguồn gốc trên nhóm “Thuốc Thú y - Vacxin - Sỉ lẻ toàn quốc) HỆ THỐNG ĐẠI LÝ DKVET VIỆT NAM”.

Nhà phân phối thuốc thú y - thủy sản - thức ăn chăn nuôi Kim Tuấn tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Nhà phân phối thuốc thú y - thủy sản - thức ăn chăn nuôi Kim Tuấn tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Tìm kiếm số điện thoại 0987.***.525 trên ứng dụng Zalo, chúng tôi tiếp cận tài khoản có tên: Npp Quốc tế Kim Tuấn. Vào mục tin nhắn đặt mua kháng sinh nguyên liệu Florfenicol 98% dạng bột, người này gửi cho chúng tôi hình ảnh hai hũ kháng sinh Florfenicol 98% và Amoxycilin 98% khối lượng 1kg. Cả hai sản phẩm đều in chữ Thái Lan và không có nhãn phụ tiếng Việt.

“580 nghìn một lọ, mua 10 tặng 1. Bạn lấy nhiều không?”, người này hỏi. Khi chúng tôi trả lời “Em lấy 1 lọ thôi. Chị ship cho em lên… nhé”, người này xin số điện thoại và địa chỉ của tôi và nói “lấy lẻ thế trả c (chị) 600k nhé”.

Sau đó, người này gửi cho tôi 2 số tài khoản. Tài khoản thứ nhất là Kimtuan25251***, chủ tài khoản là Phạm Thị Kim Anh, mở tại Viettinbank Chi nhánh KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Số tài khoản thứ hai là: 035100071****, chủ tài khoản vẫn là Phạm Thị Kim Anh, mở tại Vietcombank chi nhánh Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Sau khi chuyển tiền vào số tài khoản của Phạm Kim Anh, 3 ngày sau chúng tôi nhận được một lọ Florfenicol nguyên liệu, được gói trong một hộp các tông và vận chuyển qua hệ thống Viettel Post, Thông tin người gửi ghi rõ: pham kim anh / 098****525 kèm theo địa chỉ nơi gửi đi.

Hũ kháng sinh Florfenicol nguyên liệu (98%) phóng viên đặt mua từ tài khoản Zalo Npp quốc tế Kim Tuấn theo số điện thoại 098****525. Ảnh: Minh Phúc.

Hũ kháng sinh Florfenicol nguyên liệu (98%) phóng viên đặt mua từ tài khoản Zalo Npp quốc tế Kim Tuấn theo số điện thoại 098****525. Ảnh: Minh Phúc.

Được biết, trước đó, ngày 15/7/2021 Đội Quản lý thị trường số 3, trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Đội 3 Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Ninh kiểm tra đột xuất đối với cửa hàng thuốc thú y thủy sản Kim Tuấn, do bà Phạm Thị Kim Anh làm đại diện, có địa chỉ tại thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Qua quá trình kiểm tra phát hiện cửa hàng của bà Kim Anh có hành vi vi phạm do buôn bán 2 loại thuốc thú y (gồm 360 lọ thuốc kháng thể vịt SINDER 250ml/lọ và 160 lọ vacxin H5N1-H9N2 250ml/lọ) do nước ngoài sản xuất, trị giá ước tính gần 30 triệu đồng, không có trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Viêt Nam.

Ngày 06/8/2021 Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 26 triệu đồng; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề thú y 2 tháng đối với bà Phạm Thị Kim Anh; buộc tiêu hủy 2 loại thuốc thú y nhập lậu nêu trên.

Tiếp đến, Đội 3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (Công an tỉnh Bắc Ninh) lại bắt quả tang Đặng Thế Tuấn, sinh năm 1986 trú tại Phố Mới, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có hành vi “buôn bán hàng giả” đối với sản phẩm mang nhãn hiệu Neobro (là sản phẩm kích thích tăng trọng, chống stress, tăng cường chức năng gan thận).

Ngày 11/01/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Đặng Thế Tuấn và tuyên phạt 12 tháng tù nhưng được hưởng án treo. Qua xác minh thông tin, được biết Đặng Thế Tuấn là chồng của bà Phạm Thị Kim Anh, đại diện cửa hàng thuốc thú y - thủy sản Kim Tuấn tại thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.