| Hotline: 0983.970.780

Tràn lan vacxin, thuốc thú y lậu [Bài 4]: Sử dụng kháng sinh vô tội vạ, hiểm họa cho sức khỏe con người

Thứ Hai 23/05/2022 , 09:40 (GMT+7)

Nhiều loại kháng sinh nguyên liệu, thuốc thú y lưu hành nội bộ (không được bán) được các cửa hàng thuốc thú y bán và tự 'vẽ' phác đồ điều trị bệnh cho vật nuôi.

Bác sỹ thú y tự “vẽ” phác đồ điều trị

"Anh muốn mua kháng sinh nguyên liệu nhập lậu, cứ đến cửa hàng kinh doanh thuốc thú y V.T.N - VTY” ở Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội”, một nhân viên tiếp thị thuốc thú y chia sẻ với chúng tôi. Để chứng minh, người này còn cung cấp số điện thoại của bà V.T.N là người đại diện cửa hàng (036778****) và nói: “Thỉnh thoảng bà N. vẫn đăng sản phẩm để bán hàng lậu, hàng giả trên Zalo đăng ký theo số điện thoại này”.

Mới đây nhất, V.T.N đăng cùng lúc 5 ảnh về các loại kháng sinh nguyên liệu gốc: Florfenicol, Amoxicillin, Enrofloxxaxin Hydrochloride đựng trong thùng xốp (6 hũ/thùng) với lời quảng cáo: “Hàng tốt giá đẹp zalo em có ngay”.

V.T.N hướng dẫn kháng hàng trộn 1kg Florfenicol 98% với 2 tấn thức ăn để điều trị bệnh cho lợn. Ảnh: Minh Phúc.

V.T.N hướng dẫn kháng hàng trộn 1kg Florfenicol 98% với 2 tấn thức ăn để điều trị bệnh cho lợn. Ảnh: Minh Phúc.

Dựa theo địa chỉ của cửa hàng, chúng tôi tìm đến đặt mua 1 hũ kháng sinh Florfenicol 98% loại 1kg để phòng và điều trị lợn bị ho và viêm đường ruột. Khi được hỏi về hướng dẫn sử dụng, bà N. cho biết: “Nếu điều trị bệnh thì pha trộn 1kg với 2 tấn thức ăn, còn phòng bệnh thì pha 1kg cho 3 tấn thức ăn. Pha thức ăn chứ không phải pha tiêm, pha tiêm thì phải dùng dòng khác”.

Chúng tôi rất bất ngờ, bởi trước khi tư vấn sử dụng kháng sinh, bà N. không hề hỏi khách hàng về ngày tuổi của lợn, cũng không khuyến cáo sử dụng kháng sinh nguyên liệu trộn vào thức ăn chăn nuôi trong bao nhiêu ngày thì phải chấm dứt.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y cho biết: “Theo quy định, kháng sinh nguyên liệu không được phép sử dụng trực tiếp trong chăn nuôi. Bởi vậy, các đại lý thuốc thú y, bác sỹ thú y tự vẽ phác đồ điều trị cho người chăn nuôi phòng, điều trị bệnh trên vật nuôi là vô cùng nguy hiểm”.

Trên thực tế, tùy vào từng mục đích sử dụng, các nhà máy sản xuất thuốc thú y sẽ thiết kế các loại thuốc thành phẩm có hàm lượng kháng sinh khác nhau như 10%, 20%, 30%, 50%... cùng với các thành phần khác để đảm bảo hiệu quả phòng và điều trị bệnh cao nhất.

Việc phối trộn phải sử dụng những thiết bị hiện đại, cũng như máy test hàm lượng như HPLC, UVVIS… để đưa ra kết quả hàm lượng các thành phần đúng theo công thức thiết kế, phù mục đích sử dụng. Các thiết bị này vô cùng đắt, không có tính chất cảm quan, không thể sửa chữa được kết quả và có thể test hàng triệu thành phần dược thư khác nhau.

Đặc biệt hơn, đối với mỗi công thức thành phần thuốc khác nhau, nhà sản xuất phải chỉ định thời gian sử dụng thuốc bao nhiêu ngày thì phải chấm dứt và chống chỉ định đối với các trường hợp cụ thể. Ví dụ, có những loại kháng sinh không được sử dụng trong chăn nuôi bò sữa vì có thể gây biến đổi gen, dị tật và hiện tượng kháng kháng sinh trên người. Nếu người dân tự phối trộn kháng sinh nguyên liệu vào thức ăn chăn nuôi thủ công và sử dụng bừa bãi thì hậu quả đem lại là vô cùng lớn.

Thuốc lưu hành nội bộ rao bán tràn lan 

“Hàng trại quay đầu”, “thuốc trại C.P”, “hàng nội bộ công ty” là những thuật ngữ được giới kinh doanh và người chăn nuôi sử dụng trong quá trình mua - bán các sản phẩm thuốc thú y lưu hành nội bộ trong các trang trại để phòng, điều trị bệnh cho vật nuôi.

Đây là các loại thuốc, hóa chất “đặc biệt” mà các công ty thuốc thú y sản xuất riêng để cung ứng cho các công ty chăn nuôi. Bởi vậy, nó không phải là thuốc thương phẩm được bán trên thị trường. Để giấu thông tin về thành phần thuốc, các nguyên liệu dạng bột chỉ được đựng trong túi nilong và thắt dây rút gắn thẻ mã số sản phẩm để quản lý.

Nhiều loại kháng sinh điều trị bệnh cho vật nuôi được gắn logo của C.P Group, trên bao bì ghi chữ 'không được bán' vẫn được rao bán rầm rộ trên thị trường. Ảnh: Minh Phúc.

Nhiều loại kháng sinh điều trị bệnh cho vật nuôi được gắn logo của C.P Group, trên bao bì ghi chữ "không được bán" vẫn được rao bán rầm rộ trên thị trường. Ảnh: Minh Phúc.

Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, rất nhiều cá nhân giao bán các loại thuốc, kháng sinh của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Cụ thể, trang facebook “Thuốc Thú Y – Hàng Nội Bộ Công Ty” hiện đang rao bán nhiều “hàng trại” như kháng sinh Doxycylin 50%, Vamoxine 50% (Thái Lan), Amoxicilin, Florfenicol 40% (Korea), Tylosin, Tiamulin 20%… của C.P. Trên bao bì sản phẩm có in logo của C.P Group và hướng dẫn liều dùng. Ví dụ, với kháng sinh Doxycylin 50%, liều dùng được khuyến nghị là: “25mg/1 kg thể trọng + 500g/tấn thức ăn”. “Sản phẩm sử dụng nội bộ cho các trại của c.ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam. CN XM-HN. Không được bán”. Hoặc “Tài sản của C.ty C.P CN Xuân Mai sử dụng nội bộ không được bán”.

Trang facebook này hiện có hơn 6.000 người theo dõi và 6.000 người thích, chủ trang giới thiệu: “Thuốc thú y sử dụng nội bộ Công ty CP với Dabaco. Em có nguồn ra hàng được phục vụ các bác đại lý thuốc và các chủ trại ạ. Có thể gặp trao đổi trực tiếp tại HCM”.

Để tìm hiểu nguồn gốc các loại thuốc, kháng sinh đang được bán tràn lan trên thị trường, chúng tôi đã liên hệ với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Kết quả, sau khi kiểm tra hình ảnh hiện vật, C.P Việt Nam phản hồi:

Thứ nhất, “trước đây C.P có sử dụng Logo C.P, nhưng từ tháng 12/2020 đến nay, kho thuốc 2 miền không sử dụng bao bì logo C.P nữa. Một số nhà cung cấp Anova, APA cũng đã không in tên C.P và logo C.P trên bao bì bán cho C.P”. Do đó, những hình ảnh mà phóng viên gửi không phải là hàng của C.P, túi đựng, chữ in và dây rút cũng không phải là của C.P.

Một trang facebook chuyên giao bán thuốc lưu hành nội bộ của Công ty C.P và Dabaco. Ảnh: Minh Phúc.

Một trang facebook chuyên giao bán thuốc lưu hành nội bộ của Công ty C.P và Dabaco. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ hai, theo quy trình thì khi hàng công ty xuất đi trại, kho thuốc có nhân viên đến trại kiểm tra thuốc/vacxin, vỏ thuốc/vacxin đã sử dụng hàng tháng và thu hồi vỏ đã sử dụng và chuyển đi công ty môi trường. C.P không bán thuốc ra bên ngoài, chỉ cấp cho các trang trại của công ty rồi thu hồi vỏ chai/gói trại đã sử dụng.

Như vậy, chất lượng các sản phẩm thuốc, kháng sinh mạo danh sản phẩm của C.P Việt Nam được bán trôi nổi trên thị trường như thế nào? Đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, lấy mẫu phân tích và kiểm định. Bởi, nếu đây là các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả thì rất nguy hại. Và thiệt hại sẽ đổ lên đầu người chăn nuôi.

Việt Nam sử dụng kháng sinh cho lợn cao hơn 5 - 10 lần Đan Mạch

TS. Đặng Thị Thanh Sơn (Viện Thú y), Chủ nhiệm dự án “Kháng kháng sinh và sức khỏe trong chăn nuôi lợn tại Việt Nam, giai đoạn 2019 - 2021” cho biết “tỷ lệ kháng thuốc chống vi khuẩn E.coli ở lợn, đặc biệt là kháng sinh colistin là trên 40%”. Một số nguy cơ do sử dụng kháng kháng sinh như: Sử dụng kháng sinh điều trị khi chưa chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra bệnh. Ví dụ, khi đàn lợn có triệu chứng ốm có thể là do virus hoặc một ký sinh trùng (như cầu trùng) nhưng thú y địa phương, chủ trại đã chủ động sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh khi chưa có kết quả chẩn đoán.

Thứ hai là một số kháng sinh (như Colistin, Sulfadimidine, Norfloxaxin…) vẫn được sử dụng tràn lan, thiếu kiểm soát trong chăn nuôi dẫn đến nguy cơ lây lan vi khuẩn kháng kháng sinh và tồn dư kháng sinh trong thực phẩm.

Thứ ba, việc sử dụng chế phẩm thay thế kháng sinh chưa được sử dụng phổ biến hiện nay ở Việt Nam cũng là nguy cơ dẫn đến tỷ lệ kháng kháng sinh rất cao.

Thứ tư, tại Đan Mạch, tính trung bình kháng sinh sử dụng cho lợn khoảng 50mg/kg trọng lượng lợn nhưng tại Việt Nam con số này có thể tăng lên từ 5-10 lần.

Bà Hoàng Hương Giang - Phó trưởng phòng Thức ăn chăn nuôi (Cục Chăn nuôi). Ảnh: Minh Phúc.

Bà Hoàng Hương Giang - Phó trưởng phòng Thức ăn chăn nuôi (Cục Chăn nuôi). Ảnh: Minh Phúc.

Bà Hoàng Hương Giang - Phó trưởng phòng Thức ăn chăn nuôi (Cục Chăn nuôi) chia sẻ: Theo quy định hiện hành, đến hết năm 2022 sẽ hầu như không còn kháng sinh được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi công nghiệp để phòng bệnh nữa (trừ đối với gia súc non). Chúng ta cần khuyến cáo cho người dân, thà năng suất chăn nuôi thấp hơn một chút, giá thành chăn nuôi cao hơn một chút nhưng chúng ta không sử dụng kháng sinh bừa bãi, tùy tiện để phòng và điều trị bệnh cho vật nuôi, thì giá trị cuộc sống sẽ tốt hơn. Chứ nếu bằng mọi cách để có hiệu quả trước mắt thì cá nhân tôi không mong muốn.

Giáo sư Anders Dalsgaard, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Quốc tế về Giải pháp giảm thiểu kháng sinh Đan Mạch (ICARS) (từng được Bộ NN-PTNT (Việt Nam) trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”) chia sẻ: Nếu chúng ta cho động vật không hề bị nhiễm bệnh sử dụng các loại kháng sinh hàng tuần, hàng tháng thì sẽ tạo ra hiện tượng vi khuẩn kháng kháng sinh. Thực tế ở Hà Nội đã xuất hiện những loại vi khuẩn kháng kháng sinh rồi.

Giáo sư Anders Dalsgaard, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Quốc tế về Giải pháp giảm thiểu kháng sinh Đan Mạch có nhiều năm gắn bó với ngành thú y tại Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đức Minh.

Giáo sư Anders Dalsgaard, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Quốc tế về Giải pháp giảm thiểu kháng sinh Đan Mạch có nhiều năm gắn bó với ngành thú y tại Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đức Minh.

“Hiện nay, kháng sinh colistin được sử dụng rất nhiều trong chăn nuôi và nó đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người”, ông Anders cho biết thêm. Ở trung Quốc đã cấm kháng sinh colistin vài năm để xem xét quá trình tiến triển hiện tượng kháng kháng sinh trên hệ miễn dịch của động vật và cả trên cơ thể người. Do đó, chúng ta phải làm sao giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.

Cục Thú y báo cáo kết quả xác minh nội dung Báo Nông nghiệp Việt Nam nêu

Ngày 24/5, Cục Thú y có văn bản số 781/TY-TTr,PC gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kết quả kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng ngày 23/5/2022 “Tràn lan vacxin, thuốc thú y lậu” và tham mưu chỉ đạo ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc, vacxin thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Tại bản báo cáo, Cục Thú y cho biết, chủ cửa hàng thuốc thú y Xuân Hòa (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) thừa nhận trong tháng 2/2022 đã mua 1 loại vacxin phòng bệnh cúm gia cầm, trên vỏ lọ in chữ Trung Quốc… với số lượng 200 chai (loại 250ml), giống chủng loại vacxin được Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh.

Cũng theo Cục Thú y, thời gian qua, Cục đã chủ động tổ chức kiểm tra, đôn đốc và kịp thời tham mưu cho Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị quán triệt, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương tổ chức ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc, vacxin thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc; đồng thời phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam và các cơ quan truyền thông để thông tin, tuyên truyền và cảnh báo các trường hợp sai phạm.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.