| Hotline: 0983.970.780

Tràn lan vacxin, thuốc thú y nhập lậu [Bài 2] Trại chăn nuôi thành 'phòng thí nghiệm' vacxin lậu

Thứ Bảy 21/05/2022 , 09:57 (GMT+7)

Nguồn cung không thiếu, cần là có. Nhiều sản phẩm thuốc thú y, vacxin nhập lậu ngoài danh mục được phép lưu hành dễ dàng đến tay người chăn nuôi thông qua nhiều hình thức.

Tiêm “thuốc tàu” cho cả vạn con giống

Thời gian qua, giới chăn nuôi thủy cầm (ngan, vịt, ngỗng) ở Việt Nam không còn xa lạ với sản phẩm kháng thể rụt mỏ vịt SINDER xuất xứ từ Trung Quốc. Mặc dù được nhập lậu vào nước ta, nhưng sản phẩm này được mua bán tràn lan với số lượng lớn bằng nhiều hình thức (cả trực tiếp và gián tiếp) thông qua các đại lý thuốc thú y, mạng xã hội (youtube, facebook, zalo cũng như các trang thương mại điện tử).

Cận cảnh tiêm kháng thể rụt mỏ vịt SINDER nhập lậu cho hàng nghìn con vịt tại cơ sở cung ứng vịt giống của Q.T. Ảnh: Minh Phúc.

Cận cảnh tiêm kháng thể rụt mỏ vịt SINDER nhập lậu cho hàng nghìn con vịt tại cơ sở cung ứng vịt giống của Q.T. Ảnh: Minh Phúc.

Tại một cơ sở cung cấp vịt giống ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, những chú vịt con sau khi ấp nở sẽ được tiêm phòng bệnh rụt mỏ vịt trước khi đưa đến tay người chăn nuôi. Để chứng thực, trên trang cá nhân facebook có gần 5.000 bạn bè, Q.T - chủ cơ sở thường xuyên phát trực tiếp video cận cảnh những lọ kháng thể rụt mỏ vịt tên SINDER được nhập lậu từ Trung Quốc cùng với loại thuốc dạng bột màu trắng đựng trong thủy tinh để phối trộn và tiêm cho đàn vịt con.

Q.T liên tục giới thiệu sản phẩm SINDER là “made in China”, “rụt mỏ Trung Quốc”, “thuốc Tàu”. Thậm chí, thanh niên này không ngại chia sẻ cận cảnh vợ và những người lao động tiêm thuốc cho vịt giống.

Một cơ sở tiêm kháng thể rụt mỏ vịt nhập lậu cho đàn vịt giống.

Mỗi lọ thuốc SINDER 250ml có thể tiêm phòng bệnh cho khoảng 500 con vịt. Tùy từng lô hàng, mỗi đợt, số lượng kháng thể rụt mỏ vịt SINDER nhập lậu được cơ sở của Q.T tiêm cho vịt từ vài trăm lên đến cả vạn con. Để chủ động nguồn kháng thể, có thời điểm Q.T nhập cả thùng với số lượng lớn. Sau khi được tiêm kháng thể rụt mỏ vịt Trung Quốc, vịt giống được xuất bán cho người chăn nuôi ở tỉnh Hưng Yên và nhiều tỉnh, thành lân cận.

Thuốc rụt mỏ vịt SINDER được quảng cáo rao bán rất phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội. Tùy thời điểm, giá sản phẩm biến động từ 130.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng mỗi lọ.

Hàng xách tay nên chất lượng… hên - xui

Trong quá trình điều tra, chúng tôi biết đến Tùng - một “mắt xích” cung cấp nhiều loại kháng thể, “vacxin tàu” cho hàng loạt trang trại chăn nuôi trên toàn quốc. Không cần cửa hàng kinh doanh, Tùng kết nối với người có nhu cầu sử dụng thuốc lậu thông qua kênh Youtue có tên “Thú y xóm” cũng như zalo theo số điện thoại 0965893XXX.

Tùng - người cung cấp các loại thuốc, vacxin thú y nhập lậu cho các trại chăn nuôi ngan, vịt giới thiệu 3 sản phẩm vacxin E.coli - Bại huyết do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: Minh Phúc.

Tùng - người cung cấp các loại thuốc, vacxin thú y nhập lậu cho các trại chăn nuôi ngan, vịt giới thiệu 3 sản phẩm vacxin E.coli - Bại huyết do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: Minh Phúc.

Mới đây, Tùng giới thiệu 3 loại vacxin E.coli - Bại huyết Trung Quốc, trong đó có 2 loại nhãn xanh của WOHUA và 1 loại của Ringpu. Về chất lượng, Tùng thú thực: “Loại này về Việt Nam theo đường xách tay nên bảo quản thì không bàn nhé, hên - xui”.

Để kiểm định khả năng bảo hộ bệnh E.coli và bại huyết của 3 loại “vacxin tàu”, Tùng đã biến các trang trại nuôi vịt, ngan thành “phòng thí nghiệm” trong suốt nhiều năm, đồng thời tự đưa ra kết luận: “Hai loại vacxin của WOHUA bản chất là giống nhau, chỉ khác ở chỗ một loại là dạng keo phèn, một loại là dạng nhũ dầu. Trên bao bì ghi là bảo hộ được bại huyết virus do 2 chủng Riemerella anatipestifer gây ra và một chủng gây bệnh E.coli. Tuy nhiên, hai loại vacxin này thì rất kém và gần như là không mấy hiệu quả”.

Tùng đang tiêm vacxin E.coli - Bại huyết cho đàn vịt.

Cũng theo Tùng, nếu chủ trại tiêm các loại vacxin này vào thì vịt, ngan sẽ bị sốc, bỏ ăn 1-2 ngày. Bởi vậy trước và sau khi tiêm buộc phải cho uống Beta glucan, điện giải, hạ sốt thì con vật mới đỡ được.

Loại vacxin E.coli - Bại huyết thứ ba là của Ringpu sản xuất, chai 250ml tiêm được cho 1.000 con. Tùng cho biết loại này có thể bảo hộ được cho 4 serotype Riemerella anatipestifer gây bệnh bại huyết. “Nghe thì rất hay nhưng phải thử thì mới biết là sành sứ hay đất nung. Mình đã thử nên kết luận luôn là hiệu quả 75% với các trại có dịch tễ… Còn E.Coli thì không phòng được đâu”.

Ông Hải (nhân vật đã được giấu tên) một cơ sở chăn nuôi vịt quy mô khá lớn chia sẻ, khi nhập vịt giống về thì nhà lò (cơ sở cung cấp giống) đã tiêm sẵn một mũi vacxin rụt mỏ vịt và một mũi phòng bệnh viêm gan. Đàn vịt 2.000 con của ông H. vừa mới tiêm vacxin E.coli - Bại huyết của Trung Quốc cách đây ít ngày.

Ông Hải thường xuyên sử dụng vacxin nhập lậu để tiêm phòng bệnh E.coli - Bại huyết cho đàn vịt. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Hải thường xuyên sử dụng vacxin nhập lậu để tiêm phòng bệnh E.coli - Bại huyết cho đàn vịt. Ảnh: Minh Phúc.

“Vịt được 1 tuần tuổi thì tiêm vacxin E.coli - Bại huyết. Vịt được 10 - 12 ngày thì tiêm 1 mũi vacxin phòng dịch tả. Vịt được 15 - 16 ngày thì tiêm nhắc lại 1 mũi vacxin E.coli - Bại huyết của tàu”, ông Hải nói và cho biết, nếu vịt mắc bệnh, chỉ cần tiêm vacxin E.coli - Bại huyết (Ringpu) là được, còn những đợt trước là tiêm liên tục, tiêm đến phát chán.

Ngoài bán vacxin E.coli bại huyết nhập lậu, Tùng còn bán kháng thể rụt mỏ vịt tàu thẩm lậu ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Những lọ kháng thể được thanh niên này đựng trong cốp xe ô tô Mazda màu đen biển kiểm soát 88A 236.XX (đăng ký tại tỉnh Vĩnh Phúc) để vận chuyển đến các trang trại. Theo lời Tùng, đối với vịt, ngan dưới 5 ngày tuổi tiêm 0,5ml/con; vịt trên 5 ngày tuổi tiêm 0,8ml/con, còn vịt từ 10 - 20 ngày tuổi tiêm liều gấp đôi hoặc gấp 3 lần thì càng tốt.

“Mình đi làm cho các trại thì chỉ cần tiêm kháng thể SINDER 250ml. Mình ship vào miền Nam nhiều lắm. Vận chuyển từ Bắc vào Nam thì không cần bảo quản lạnh”, thanh niên này cho biết.

Đặc biệt, Tùng tuyên bố: “Mình nhận những ca bệnh rụt mỏ dưới 20 ngày tuổi. Nếu (vịt) dưới 20 ngày tuổi có thể tiêm kháng thể rụt mỏ liều gấp 3 và pha lẫn với kháng sinh ceftriaxone hoặc cefotaxime là được”.

Tiêm kháng thể rụt mỏ vịt nhập lậu. Ảnh: Minh Phúc.

Tiêm kháng thể rụt mỏ vịt nhập lậu. Ảnh: Minh Phúc.

Mặc dù phác đồ tiêm phòng và điều trị bệnh rụt mỏ vịt này không hề được cơ quan chuyên môn kiểm chứng, tuy nhiên, những thông tin chia sẻ của đối tượng này này đã thu hút hàng vạn lượt xem. Và, nếu có nhu cầu sử dụng loại thuốc này, khách hàng chỉ có thể liên hệ số điện thoại hoặc Zalo theo số điện thoại 0965893XXX.

Là hàng nhập lậu, nên giá sản phẩm liên tục nhảy múa

Vào vai người chăn nuôi, chúng tôi liên hệ với K.S.Đ.T (người chuyên bán thuốc thú y trên facebook) để mua kháng thể rụt mỏ vịt SINDER nhập lậu. Người này cho biết, bình thường mỗi lọ kháng thể rụt mỏ vịt Trung Quốc (250ml) có giá khoảng 100.000 - 130.000 đồng, nhưng vào thời điểm tháng 3, tháng 4/2022, mỗi lọ thuốc được đẩy giá lên 250.000 - 300.000 đồng. Nguyên nhân là do thời gian qua, việc “đánh” hàng qua biên giới gặp khó khăn dẫn đến khan hàng. Nếu “biên thông” trở lại thì hàng sẽ rẻ.

Ngoài thuốc phòng bệnh rụt mỏ vịt, vacxin Tembusu (hay còn gọi là hội chứng lật ngửa ở vịt) dạng đông khô trong lọ thủy tinh và dạng nhũ dầu đựng trong chai nhựa thể tích 250ml do Trung Quốc sản xuất cũng được rao bán khá phổ biến trên các tài khoản Youtube, hội nhóm facebook, zalo…, để phòng và điều trị bệnh do virus Tembusu gây ra trên vịt.

Theo giới buôn vacxin nhập lậu, không chỉ riêng vacxin Tembusu mà nhiều loại vacxin hoặc kháng thể phòng và điều trị bệnh cho vật nuôi thường vận chuyển qua đường tiểu ngạch. Quá trình vận chuyển qua đường tiểu ngạch thì sản phẩm sẽ rất khó để bảo quản và đảm bảo chất lượng được.

3 loại vacxin phòng bệnh E.coli - Bại huyết nhập lậu đang lưu hành tại Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc.

3 loại vacxin phòng bệnh E.coli - Bại huyết nhập lậu đang lưu hành tại Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc.

“Đừng nghe giới buôn lậu tâng bốc”

Để xác minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của các loại vacxin, thuốc thú y nhập lậu từ Trung Quốc thu thập được trong quá trình điều tra, chúng tôi tìm đến ông Lê Toàn Thắng - Trưởng phòng Quản lý thuốc (Cục Thú y).

Cầm các loại vacxin phòng cúm gia cầm, bệnh cầu trùng, rụt mỏ vịt… toàn chữ Trung Quốc, ông Thắng lắc đầu và nói: “Đây là hàng thẩm lậu, hàng xách tay qua biên giới” và hoàn toàn không có trong danh mục được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Thậm chí, đối với bộ sản phẩm vacxin dùng để phòng bệnh cầu trùng trên gà, được phóng viên mua tại một đại lý ở huyện Ba Vì (Hà Nội) với giá 540.000 đồng, ông Thắng không thể đoán được đó là loại thuốc gì vì “trên nhãn toàn chữ Trung Quốc, không có dấu hiệu nào để nhận biết”.

“Chắc chắn hàng nhập lậu thì không thể đảm bảo chất lượng vì không ai kiểm định chất lượng, không ai khảo nghiệm, kiểm nghiệm và kiểm tra về an toàn hiệu lực trước khi sử dụng. Thứ hai, người buôn bán không có chuyên môn nghiệp vụ, thậm chí bảo quản sản phẩm không đúng. Khi bán cho người chăn nuôi, họ không chịu trách nhiệm”, ông Thắng khuyến cáo và khuyên người dân không nên sử dụng sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Đặc biệt, bà con không nên nghe giới buôn lậu tâng bốc về công hiệu sản phẩm, vì chẳng có ai kiểm chứng chất lượng.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.