| Hotline: 0983.970.780

Trân quý những người gìn giữ màu xanh cho đất nước

Thứ Bảy 20/05/2023 , 05:52 (GMT+7)

Lòng trắc ẩn của người kiểm lâm viên sẽ đến khi họ thấy được vai trò, vị trí của mình trong hệ sinh thái rừng, trong bức tranh thiên nhiên hùng vĩ của Việt Nam...

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm bên gốc cây cổ thụ quý hiếm hơn 700 năm tuổi trong chuyến thăm và làm việc với Vườn Quốc gia Cát Tiên vào 17/3/2023. Ảnh: Trần Trung.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm bên gốc cây cổ thụ quý hiếm hơn 700 năm tuổi trong chuyến thăm và làm việc với Vườn Quốc gia Cát Tiên vào 17/3/2023. Ảnh: Trần Trung.

Ngày 21/5/1973, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/CP quy định về hệ thống tổ chức và nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng kiểm lâm nhân dân. Kể từ đó, ngày 21/5 hàng năm được lấy làm ngày thành lập lực lượng kiểm lâm Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập lực lượng kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 - 21/5/2023), báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan về vai trò của lực lượng kiểm lâm trong tiến trình bảo vệ rừng và phát triển ngành lâm nghiệp.

Đóng góp của lực lượng kiểm lâm là rất lớn 

Thưa Bộ trưởng, trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, lực lượng kiểm lâm đã có nhiều đóng góp trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Xin Bộ trưởng chia sẻ thêm về vai trò của lực lượng kiểm lâm thời gian qua và định hướng xây dựng, phát triển lực lượng kiểm lâm trong thời gian tới?

Trước khi nói về ngành lâm nghiệp và lực lượng kiểm lâm, chúng ta cần nói đến một đất nước Việt Nam xanh với tỉ lệ che phủ rừng khoảng 42% được duy trì trong cả một giai đoạn. Trong suốt chặng đường vừa qua, lâm nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của đất nước khi đã tạo ra giá trị gia tăng, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người dân. Nếu chúng ta không có rừng, chúng ta sẽ không có những giá trị đó vì rừng vừa đóng vai trò phát triển kinh tế, vừa đóng vai trò ổn định an sinh xã hội, đặc biệt là đối với cộng đồng dân tộc sinh sống dưới tán rừng. Nếu không có rừng, chúng ta sẽ không có một môi trường sinh thái để gìn giữ màu xanh cho đất nước, để bảo tồn đa dạng sinh học cho muôn loài. Hệ sinh thái rừng của Việt Nam đã trở thành một cấu trúc được liên kết chặt chẽ bởi 3 yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, không chỉ bảo vệ và phát triển rừng, lực lượng kiểm lâm còn góp phần bảo vệ và phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, không chỉ bảo vệ và phát triển rừng, lực lượng kiểm lâm còn góp phần bảo vệ và phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cần phải nhìn nhận hệ sinh thái rừng dưới góc độ bao trùm như vậy thì chúng ta mới thấy được sự đóng góp của lực lượng kiểm lâm lớn đến nhường nào. Không chỉ bảo vệ và phát triển rừng, lực lượng kiểm lâm còn góp phần bảo vệ và phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Từ đó chúng ta càng thấy trân quý hơn những người giữ gìn màu xanh, giữ gìn kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường cho đất nước.

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo Bộ NN-PTNT xây dựng Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng để biến lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý” trở thành hiện thực. Cần nhìn nhận giá trị của rừng dưới góc nhìn đa dạng, đa dụng và đa giá trị, đồng thời xác định rừng không chỉ là gỗ, rừng không chỉ để khai thác thủy điện… mà rừng là một hệ sinh thái, là nơi bảo tồn đa dạng sinh học, là nơi có thể phát triển du lịch trải nghiệm đời sống dưới tán rừng, trải nghiệm môi trường, thiên nhiên kì vĩ trong hệ sinh thái rừng. Giá trị đa dụng đó còn nằm ở từng cây dược liệu, cây gia vị được trồng dưới tán rừng, nằm ở từng đối tượng thủy sản được nuôi trong các hồ đập trong rừng, nằm ở từng đối tượng được chăn nuôi dưới tán rừng. Kích hoạt được tất cả giá trị đa dụng đó, chúng ta sẽ phát huy được những tiềm năng chúng ta còn bỏ quên từ rừng.

Rừng vừa đóng vai trò phát triển kinh tế, vừa đóng vai trò ổn định an sinh xã hội, đặc biệt là đối với cộng đồng dân tộc sinh sống dưới tán rừng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Rừng vừa đóng vai trò phát triển kinh tế, vừa đóng vai trò ổn định an sinh xã hội, đặc biệt là đối với cộng đồng dân tộc sinh sống dưới tán rừng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Từ thực tế đó đã đặt ra một yêu cầu là phải giữ được tán rừng để tất cả các giá trị đa dụng đó phát huy hết tiềm năng vốn có. Muốn thực hiện được yêu cầu đó, cần có một chiến lược về lâm nghiệp cũng như chiến lược nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm lâm, biến lực lượng kiểm lâm thành đội quân chủ lực có sứ mạng giữ gìn hệ sinh thái rừng để tạo ra giá trị đa dụng dưới tán rừng. Một giá trị đa dụng có thể giải quyết vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường cho cộng đồng bà con dân tộc, những người bao đời nay sống và gắn bó dưới tán rừng, nhờ rừng. Qua đó xua tan nỗi ám ảnh về rừng của chúng ta ngày càng nghèo kiệt, ngày càng mất đi những giá trị vốn có do các biến cố trong lịch sử. Giờ là lúc chúng ta phải nhìn về tương lai để tái tạo, xây dựng lại hệ sinh thái rừng, nâng cao chất lượng rừng một cách bền vững, gìn giữ môi trường thiên nhiên trong lành. Đó cũng là niềm tự hào của Việt Nam với bạn bè quốc tế và lực lượng kiểm lâm chính là những người gìn giữ niềm tự hào đó.

Đối xử công bằng hơn với lực lượng kiểm lâm

Trước những khó khăn, thách thức trong tình hình mới, Cục Kiểm lâm nói riêng và Bộ NN-PTNT nói chung sẽ đề xuất, kiến nghị và triển khai những hoạt động gì để có thể đảm bảo quyền lợi, cơ chế nhằm hỗ trợ lực lượng kiểm lâm viên, thưa Bộ trưởng?

Bộ NN-PTNT đang xây dựng chiến lược phát triển lực lượng kiểm lâm trong giai đoạn mới. Chúng ta cần nhìn lực lượng kiểm lâm ở tầm chiến lược, là một lực lượng xung yếu, thường xuyên đối mặt với những thách thức, rủi ro, đối mặt với những tổn thương về thể xác lẫn tinh thần do điều kiện công tác phải sống ở nơi rừng sâu, hiểm trở, sống xa gia đình… Những điều đó, đôi lúc cũng làm lực lượng kiểm lâm trăn trở, tâm tư.

Chiến lược phát triển lực lượng kiểm lâm sẽ nâng cao đời sống từ vật chất đến tinh thần cho anh em kiểm lâm. Bên cạnh đó tạo dựng tính chuyên nghiệp để quản lý rừng một cách hiệu quả hơn trong bối cảnh mới. Qua đó khơi dậy niềm tự hào của một lực lượng kiểm lâm được đào tạo, huấn luyện, được truyền cảm hứng, được giao sứ mạng cao cả gìn giữ màu xanh giữa muôn vàn khó khăn trong cuộc sống.

Cần nhìn nhận lực lượng kiểm lâm ở tầm chiến lược, là một lực lượng xung yếu, thường xuyên đối mặt với những thách thức, rủi ro, đối mặt với những tổn thương về thể xác lẫn tinh thần do điều kiện công tác phải sống ở nơi rừng sâu, hiểm trở, sống xa gia đình… Ảnh: TL.

Cần nhìn nhận lực lượng kiểm lâm ở tầm chiến lược, là một lực lượng xung yếu, thường xuyên đối mặt với những thách thức, rủi ro, đối mặt với những tổn thương về thể xác lẫn tinh thần do điều kiện công tác phải sống ở nơi rừng sâu, hiểm trở, sống xa gia đình… Ảnh: TL.

Bên cạnh đó, từ vấn đề phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, chúng ta có thể tạo ra những việc làm, những sinh kế cũng như ngành nghề mới. Do vậy, bên cạnh nhiệm vụ gìn giữ, tuần tra rừng, chúng ta có thể trao cho lực lượng kiểm lâm những nhiệm vụ mới như phát triển việc làm dưới tán rừng, dưới từng chốt bảo vệ rừng. Qua đó để người kiểm lâm viên không còn cảm thấy bị tổn thương, bị bỏ rơi trong rừng, công tác kiểm lâm không còn đơn điệu với việc cảnh giới, tuần tra mỗi ngày. Đặc biệt, để người kiểm lâm viên có thể nâng cao chất lượng cuộc sống bằng việc tạo ra những giá trị cho rừng, cho xã hội. Chúng ta cần có sự đối xử công bằng hơn với lực lượng gìn giữ tài nguyên đất nước, gìn giữ hệ sinh thái cho thế hệ mai sau.

Lòng trắc ẩn, niềm tự hào & người kiểm lâm viên của tương lai

Thưa Bộ trưởng, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập lực lượng kiểm lâm (21/5/1973 - 21/5/2023), Bộ trưởng có gửi gắm những tâm tư, tình cảm gì tới lực lượng kiểm lâm trên toàn quốc?

Đứng trước cột mốc kỷ niệm 50 năm ngày thành lập lực lượng kiểm lâm, một lần nữa, chúng ta cần tri ân những thế hệ kiểm lâm, đặc biệt là những đồng chí đã hi sinh, những đồng chí mang thương tật trên thân thể cũng như trong tinh thần, những đồng chí sống xa gia đình, xa vợ, xa con để tới nơi công tác đầy hiểm nguy cách trở, nơi cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Họ đã hi sinh để gìn giữ màu xanh, gìn giữ tài nguyên của đất nước, gìn giữ sự tôn nghiêm của pháp luật.

Lực lượng kiểm lâm có quyền tự hào về sứ mạng, nhiệm vụ của mình. Ảnh: Tùng Đinh.

Lực lượng kiểm lâm có quyền tự hào về sứ mạng, nhiệm vụ của mình. Ảnh: Tùng Đinh.

Lực lượng kiểm lâm có quyền tự hào về sứ mạng, nghiệp vụ của mình. Không chỉ góp phần bảo vệ và phát triển rừng mà lực lượng kiểm lâm còn là cầu nối nhân văn trong mối quan hệ giữa những chủ rừng, những doanh nghiệp lâm nghiệp, đặc biệt là cộng đồng bà con dân tộc sinh sống dưới tán rừng…

Trong không gian xúc động của ngày kỷ niệm 50 năm thành lập lực lượng kiểm lâm, tôi mong rằng mỗi người kiểm lâm viên đang công tác dọc theo chiều dài của đất nước hãy nghĩ về mình, hãy tự hào về sự đóng góp của mình trong nhiệm vụ gìn giữ màu xanh cho đất nước, cho thế hệ mai sau và hãy chuẩn bị một hành trình cống hiến nhiều hơn trong tương lai.

Mọi sự trắc ẩn trong cuộc sống đều xuất hiện khi ta biết tự hào về công việc của mình. Lòng trắc ẩn của người kiểm lâm sẽ đến khi họ thấy được vai trò, vị trí của mình trong hệ sinh thái rừng, trong bức tranh thiên nhiên hùng vĩ của Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Kiểm lâm 50 năm hình thành và phát triển

Lãnh đạo Cục Kiểm lâm qua các thời kỳ. Ảnh: Tư liệu.

Lãnh đạo Cục Kiểm lâm qua các thời kỳ. Ảnh: Tư liệu.

Cách đây 50 năm, ngày 21/5/1973, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/CP quy định Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng kiểm lâm nhân dân. Ra đời trong bối cảnh đất nước còn chiến tranh, gặp rất nhiều khó khăn, ban đầu mới có 3 tỉnh được thành lập là Tuyên Quang, Yên Bái và Vĩnh Phú, nhưng chỉ 1 năm sau đó lực lượng kiểm lâm đã được thành lập tại hầu hết các tỉnh ở miền Bắc.

Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976, tổ chức kiểm lâm được thành lập tại các tỉnh miền Nam. Thời kỳ này, lực lượng kiểm lâm đã gặp không ít khó khăn, thách thức, lực lượng mỏng lại phải dàn trải trên suốt chiều dài đất nước. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm luôn phải đối mặt với những phần tử chống phá cách mạng, đặc biệt là tổ chức Phun Rô ở khu vực Tây Nguyên.

Để bảo vệ rừng, các chiến sỹ kiểm lâm không chỉ đổ mồ hôi, công sức, trí tuệ mà cả xương máu, tính mạng của mình, đã có nhiều đồng chí kiểm lâm dũng cảm hy sinh trước phần tử chống phá cách mạng Phun Rô hoặc những kẻ phá rừng hung hãn.  

Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, có thể khái quát quá trình xây dựng và phát triển của tổ chức của kiểm lâm qua các giai đoạn sau.

Giai đoạn từ năm 1973 – 1979, tổ chức kiểm lâm thực hiện theo Nghị định số 101/CP ngày 21/5/1973 của Chính phủ; hệ thống được tổ chức theo ngành dọc, Cục Kiểm lâm trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, Chi Cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm cấp huyện trực thuộc Chi Cục Kiểm lâm cấp tỉnh.

Thời kỳ này lực lượng kiểm lâm hoạt động trong bối cảnh vừa mới thành lập trong khi đất nước còn chiến tranh và sau khi thống nhất đất nước, mọi nguồn lực tập trung cho việc giải phóng và tái thiết đất nước; việc tổ chức theo hệ thống ngành dọc để củng cố xây dựng lực lượng là phù hợp với bối cảnh và yêu cầu quản lý trong giai đoạn đó.

Giai đoạn từ năm 1980 – 1994, tổ chức kiểm lâm được thực hiện theo Nghị định số 368/CP ngày 08/10/1979 của Chính phủ, Cục Kiểm lâm trực thuộc Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ NN-PTNT), Chi Cục Kiểm lâm trực thuộc Ty Lâm nghiêp (nay là Sở NN-PTNT), Hạt Kiểm lâm trực thuộc Ban Nông Lâm nghiệp huyện (nay là Phòng NN-PTNT).

Giai đoạn từ năm 1994 - 2006, tổ chức kiểm lâm thực hiện theo Nghị định số 39/CP ngày 18/5/1994 của Chính phủ, Cục Kiểm lâm trực thuộc Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ NN-PTNT, Chi Cục Kiểm lâm trực thuộc UBND cấp tỉnh, Hạt Kiểm lâm cấp huyện trực thuộc Chi Cục Kiểm lâm.

Giai đoạn từ năm 2007 đến nay, tổ chức kiểm lâm thực hiện theo Nghị định 119/2006/NĐ-CP và Nghị định 01/2019/NĐ-CP của Chính phủ; Cục Kiểm lâm trực thuộc Bộ NN-PTNT (từ tháng 10/2010 đến tháng 4/2023 thuộc Tổng cục Lâm nghiệp); Chi Cục Kiểm lâm trực thuộc Sở NN-PTNT, Hạt Kiểm lâm cấp huyện, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ trực thuộc Chi Cục Kiểm lâm.

Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, lực lượng kiểm lâm đã khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng của mình trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, lực lượng kiểm lâm luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; trực tiếp là Bộ NN-PTNT và chính quyền các cấp; sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành và sự ủng hộ, giúp đỡ của quần chúng nhân dân; lực lượng kiểm lâm đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành cả về phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Xem thêm
4 nguyên nhân của tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền

Sáng 4/11, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phân tích 4 nguyên nhân tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

TP Đà Nẵng sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính các cấp

Theo phương án sau khi sắp xếp, TP Đà Nẵng sẽ còn 36 phường, giữ nguyên 11 xã thuộc huyện Hòa Vang.