Nỗ lực trong khó khăn
Được thành lập vào năm 2015, Chi cục Kiểm lâm vùng IV có phạm vi hoạt động trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố của khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ. Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2021, toàn khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ có 5,315 triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng là 4,522 triệu ha, bao gồm 3,236 triệu ha rừng tự nhiên và 1,287 triệu ha rừng trồng. Hiện toàn vùng có 177 đơn vị chủ rừng, gồm: 8 Vườn quốc gia, 17 Khu bảo tồn thiên nhiên, 11 Ban Quản lý rừng đặc dụng, 75 Ban Quản lý rừng phòng hộ và 66 Công ty lâm nghiệp.
Từ khi được thành lập, Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã góp phần quản lý, kiểm soát chặt chẽ các dự án có liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đặc biệt là các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang các mục đích khác trong khu vực hoạt động; dự án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2016 - 2020; phương án điều tra, thu thập số liệu các chỉ tiêu thống kê quốc gia về lâm nghiệp; điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp khôi phục, phát triển rừng khộp ở Tây Nguyên… Nâng cao năng lực nghiệp vụ cho lực lượng kiểm lâm trong vùng.
Theo ông Bùi Sanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV, đơn vị này đã phối hợp với các Chi cục Kiểm lâm địa phương xác định được toàn vùng có trên 1.446 triệu ha rừng có nguy cơ xảy ra cháy và hơn 828 ngàn ha có nguy cơ dễ bị phá rừng, lấn chiếm đất rừng và khai thác rừng trái phép. Đặc biệt, Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin như công nghệ GIS, ảnh viễn thám (Planet, Sentinel), cảnh báo mất rừng của Cục Kiểm lâm (JICA) để theo dõi, giám sát diễn biến, phát hiện sớm các điểm mất rừng để cung cấp, chia sẻ thông tin cho các địa phương, các chủ rừng chủ động thực hiện các biện pháp nhằm kịp thời ngăn ngừa, chữa cháy rừng.
“Trong những tháng cao điểm về cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm vùng IV thành lập các tổ công tác hỗ trợ, tham gia ứng cứu khi xảy ra cháy rừng. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã phối hợp với lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng của lực lượng kiểm lâm các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên và chính quyền địa phương tham gia ứng cứu chữa cháy 15 vụ cháy rừng với diện tích 310ha”, ông Sanh cho hay.
Cũng theo ông Sanh, năm 2022, Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã phối hợp, hỗ trợ Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng… kiểm tra, truy quét, xử lý các điểm nóng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Đã phát hiện, lập hồ sơ 10 vụ vi phạm với khối lượng lâm sản vi phạm hơn 41m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại; diện tích rừng bị thiệt hại gần 12,5 ha. Ngoài những nỗ lực thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường, Chi cục Kiểm lâm vùng IV còn tham gia xây dựng các chương trình, đề án, dự án trọng tâm của ngành.
Vững tư tưởng, hoàn thành tốt nhiệm vụ
Theo chia sẻ của ông Sanh, công cuộc bảo vệ và phát triển rừng bền vững trong khu vực có sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác lâm nghiệp là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương, Bộ NN-PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm. Cùng sự quan tâm phối hợp, hỗ trợ tích cực của các đơn vị kiểm lâm trong vùng, đặc biệt nhờ nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được nâng cao.
Theo ông Sanh, Chi cục Kiểm lâm vùng IV luôn xác định và đặt công tác giáo dục chính trị lên hàng đầu, đặc biệt quan tâm và tăng cường lãnh đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan. Quán triệt trong các cuộc họp định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất, để củng cố niềm tin và trách nhiệm cho công chức, viên chức và người lao động.
“Đơn vị quán triệt cho 100% công chức, viên chức và người lao động được học tập đầy đủ, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Bộ NN-PTNT, của Đảng uỷ Tổng cục Lâm nghiệp, Đảng uỷ Cục Kiểm lâm và của Chi bộ; các văn bản pháp luật của Nhà nước, của ngành... Vì vậy, toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị đều thực hiện và chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”, ông Bùi Sanh khẳng định.
Nhờ sự đồng lòng của toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị, trong hơn 8 năm hoạt động, Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã phối hợp đấu tranh ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng trong khu vực. Trong đó, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, Đội đặc nhiệm Cục Kiểm lâm, Cục A86 Bộ Công an, PA81 Công an tỉnh Đắk Lắk, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng và các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ và xử lý 207 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, tịch thu tang vật 4.758 m3 gỗ tròn, xẻ các loại và hơn 37kg sản phẩm động vật hoang dã các loại, tổng số tiền thu nộp ngân sách được hơn 5,1 tỷ đồng.
Đơn vị còn hỗ trợ Chi cục Kiểm lâm các tỉnh tổ chức truy quét các điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Chủ động lập kế hoạch, tổ chức trinh sát, nắm tình hình và tham gia phối hợp với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, các Vườn quốc gia Biduop Núi Bà, Chư Yang Sin, Chư Mom Ray và Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim truy quét các trọng điểm xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép tại vùng giáp ranh giữa các địa phương và phát hiện nhiều vụ khai thác, cưa xẻ gỗ trái phép có quy lớn.