| Hotline: 0983.970.780

Dấu ấn kiểm lâm trong phát triển kinh tế đồi rừng

Thứ Tư 17/05/2023 , 14:09 (GMT+7)

Việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng mang lại diện mạo mới cho Lào Cai và dần trở thành ngành kinh tế quan trọng phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường (giữa) bóc vỏ quế cùng người dân huyện Bảo Yên. Ảnh: Hải Đăng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường (giữa) bóc vỏ quế cùng người dân huyện Bảo Yên. Ảnh: Hải Đăng.

Từng bước xã hội hóa nghề rừng

Ông Nguyễn Việt Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai cho biết, sau khi tái lập tỉnh (năm 1991), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai đã quan tâm chỉ đạo ngành lâm nghiệp tập trung thực hiện nhiệm vụ phục hồi rừng. Theo đó, giai đoạn 1991 - 1998, đặc biệt là Chương trình số 327-CT Ngày 15/9/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trồng, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước (Chương trình 327) đã được ngành lâm nghiệp tỉnh triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Giai đoạn này, việc khoanh nuôi tái sinh tự nhiên rừng được đẩy mạnh, đây là giải pháp đột phá trong việc tăng nhanh diện tích rừng với điều kiện đất đai khí hậu thuận lợi và chi phí đầu tư thấp, hàng năm tỉnh giao kế hoạch khoanh nuôi tái sinh mới cho các địa phương từ 5 nghìn đến 7 nghìn ha/năm. Đồng thời, thực hiện trồng từ 3 - 5 nghìn ha rừng trồng phòng hộ, sản xuất hằng năm… 

Tiếp tục phát huy những thành quả trong việc phát triển diện tích rừng trồng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng từ Chương trình 327, giai đoạn 1998 - 2010, thực hiện Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (gọi tắt là Chương trình 661), ngành lâm nghiệp tỉnh lại tích cực triển khai thực hiện.

Giai đoạn 2010-2020, ngành lâm nghiệp tỉnh nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao trong thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng thông qua việc phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết chương trình, Đề án Phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2011 – 2015 của Tỉnh ủy Lào Cai, dự án Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011-2020. Giai đoạn này diện tích rừng của tỉnh tăng nhanh cả về mặt số lượng cũng như chất lượng, đặc biệt đã hình thành tư duy xã hội hóa - người dân tự bỏ vốn trồng rừng.

Từ năm 2016, khái niệm kinh tế lâm nghiệp bắt đầu xuất hiện thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 24/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, Đề án số 01- ĐA/TU ngày 27/11/2015 của Tỉnh ủy về tái cơ cấu kinh tế ngành nông lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020 và Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020. 

“Bằng sự nỗ lực của đội ngũ lực lượng kiểm lâm tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, vận động, thực hiện chính sách của Nhà nước, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học trong kinh doanh rừng trồng; từ năm 2016 đã từng bước xã hội hóa nghề rừng. Người dân nhận thức được giá trị từ rừng và bắt đầu tự bỏ vốn trồng rừng”, ông Nguyễn Việt Hà cho biết. 

Kinh doanh rừng chuyển hướng từ quảng canh sang thâm canh, từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Kết hợp với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây trồng lấy gỗ (keo, mỡ...) sang các loài cây đa mục đích cho giá trị cao như: Quế, bồ đề, trẩu, thông... Bên cạnh đó, công tác chế biến, nâng cao giá trị lâm sản cũng được quan tâm. Các sản phẩm lâm sản, cơ bản đã chuyển đổi cơ cấu sản phẩm gỗ thô như dăm gỗ nguyên liệu giấy, gỗ cốp pha, cây chống, ván bóc chuyển sang các sản phẩm chế biến sâu hơn như ván dán, ván ghép thanh, ván tre, tinh dầu quế; tận dụng phế liệu để sản xuất chất đốt dạng viên nén xuất khẩu, làm sạch môi trường...

Các cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ lẻ, giá trị sản xuất thấp, công nghệ đơn giản chuyển dần sang hình thành các nhà máy chế biến sản phẩm lâm sản quy mô lớn, được đầu tư dây chuyền công nghệ tiến tiến, tạo ra các sản phẩm tinh, giá trị cao; đồng thời các cơ sở chế biến lớn đều được xây dựng gắn với vùng nguyên liệu. 

Bước đầu đã hình thành hai trung tâm chế biến lâm sản tại Bảo Yên và Bảo Thắng với các nhà máy chế biến có quy mô như: Nhà máy chế biến lâm sản xuất khẩu đóng tại xã Xuân Giao (huyện Bảo Thắng) công suất 80 nghìn m3 sản phẩm/năm; Nhà máy sản xuất ván MDF đóng tại huyện Bảo Yên công xuất 100 nghìn m3 sản phẩm/năm, Công ty TNHH TM XNK Trường Phát đóng tại Bảo Yên chuyên sản xuất ván ghép thanh... 

Sản xuất gỗ ép tại Nhà máy sản xuất ván MDF đóng tại huyện Bảo Yên (Lào Cai). Ảnh: Hải Đăng.

Sản xuất gỗ ép tại Nhà máy sản xuất ván MDF đóng tại huyện Bảo Yên (Lào Cai). Ảnh: Hải Đăng.

Phát triển theo hướng bền vững

Cùng với phát triển rừng trồng lấy gỗ, các loài cây cho đa dạng sản phẩm, lâm sản ngoài gỗ được chú trọng phát triển. Trong đó, cây quế được trồng trên 50 nghìn ha, trong đó khoảng 30 nghìn ha đã đến tuổi cho khai thác sản phẩm với sản lượng hàng năm bình quân 44 nghìn tấn cành là để chiết xuất ra 350 tấn tinh dầu, khai thác vỏ bình quân trên 20 nghìn tấn; cây bồ đề gần 6,7 nghìn ha, trong đó có 480 ha tại huyện Văn Bàn đang cho thu hoạch nhựa cánh kiến trắng, với sản lượng bình quân 1,5-1,8 tấn nhựa, giá thu mua 350 nghìn đồng/kg. 

Hiện toàn tỉnh Lào Cai có gần 500 trang trại tổng hợp, trong số đó có 137 trang trại lâm nghiệp với diện tích trên 2 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng phát triển một số loài lâm sản đặc hữu giá trị kinh tế cao như chè dây, thuốc tắm, một số loài măng (măng bói, măng sặt), các loài cây dược liệu quý hiếm (thất diệp nhất chi hoa, ba kích, sâm...); xây dựng mô hình trồng cây bản địa và lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng như ba kích, chè dây đã có hiệu quả và là hướng phát triển bền vững trong thời gian tới. 

Đến hết năm 2020, giá trị sản xuất lâm nghiệp toàn tỉnh đạt 2.354 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với năm 2010. Ông Nguyễn Việt Hà cho hay, trong những năm gần đây, tư duy về phát triển lâm nghiệp được thay đổi mạnh mẽ từ trồng rừng nâng cao tỷ lệ che phủ rừng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái sang “phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học” và “phát triển kinh tế đồi rừng theo hướng bền vững”.

Bên cạnh đó, tư duy về phát triển lâm nghiệp xã hội đã từng bước hình hành và trở thành xu thế chung. Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp - kinh tế đồi rừng đã chính thức trở thành mục tiêu phát triển của ngành nông nghiệp, được phê duyệt tại Đề án số 01-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025; 

Đặc biệt, lĩnh vực lâm nghiệp có cây quế và phát triển sản xuất lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng được xác định là một trong 6 sản phẩm chủ lực, lĩnh vực trọng tâm theo Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Cán bộ cùng nhân dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) trồng quế giúp phủ xanh đất rừng, vừa tạo nguồn thu nhập từ loại cây này. Ảnh: Hải Đăng.

Cán bộ cùng nhân dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) trồng quế giúp phủ xanh đất rừng, vừa tạo nguồn thu nhập từ loại cây này. Ảnh: Hải Đăng.

Chỉ trong vòng 2 năm (2021 - 2022), toàn tỉnh trồng mới trên 16 nghìn ha rừng, chủ yếu là rừng sản xuất; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên gần 9,5 nghìn lượt ha; trồng mới trên 4,7 triệu cây xanh phân tán; tư duy về trồng rừng thâm canh tăng năng suất đã chuyển sang trồng rừng bền vững, theo hướng chuẩn chứng nhận FSC, hữu cơ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm; năng xuất chất lượng, giá trị rừng trồng ngày càng tăng nhờ áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng. 

Đến nay đã tạo được vùng nguyên liệu trên 90 nghìn ha, trong đó diện tích quế gần 57 nghìn ha; Lâm sản ngoài gỗ phát triển, với nhiều chuỗi giá trị được hình thành như chuỗi quế, một số loài dược liệu...; Giá trị cây dược liệu thu được hàng năm chiếm tỷ trọng cao, trung bình 41,9% trong tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp, tương đương với gần 1.000 tỷ đồng/năm...; Các nhà máy chế biến lâm sản được đầu tư xây dựng gắn với việc hình thành phát triển vùng nguyên liệu tập trung, người dân có thu nhập cao từ rừng, từng bước làm giàu từ nghề rừng; 

Kinh tế đồi rừng tạo việc làm ổn định cho trên 25 nghìn lao động, tăng thu nhập cho người dân; trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của dịch vụ môi trường rừng với nguồn thu bình quân mang lại trên 130 tỷ đồng/năm.

“Có thể nói, phát triển kinh tế đồi rừng tại tỉnh Lào Cai thời gian qua đã đạt được nhiểu kết quả khởi sắc, khẳng định bước đi đúng đắn trong phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh, tạo sinh kế ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của người dân sống bằng nghề rừng ngày càng được nâng cao. Giá trị sản xuất năm 2022 đạt gần 3.000 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2015, tăng bình quân trên 12 %/năm, chiếm trên 17% tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp; giá trị rừng trồng trung bình đạt 37 triệu đồng/ha”, ông Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh. 

Tại Lào Cai, du lịch sinh thái trong các khu rừng đặc dụng, phòng hộ được tổ chức triển khai thực hiện, trên cơ sở phương án quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt của các Ban quản lý rừng; từng bước xây dựng, phê duyệt các Đề án du lịch sinh thái của Vườn Quốc gia Hoàng liên, 2 Khu bảo tồn thiên nhiên (Văn Bàn, Bát Xát) và 2 Ban quản lý rừng phòng hộ (Sa Pa, thành phố Lào Cai) là tiền đề quan trọng để kêu gọi thu hút các dự án đầu tư về du lịch sinh thái nhằm tạo nguồn thu bền vững từ tài nguyên rừng; đồng thời kinh tế trang trại, nông lâm kết hợp được phát triển nhân rộng mang lại đóng góp không nhỏ trong giá trị ngành lâm nghiệp.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.