| Hotline: 0983.970.780

Giữa đại ngàn Xuân Liên

Thứ Năm 11/05/2023 , 06:09 (GMT+7)

Chiếc flycam của đoàn công tác đang bay cao hơn 100m so với mặt hồ Cửa Đạt, bỗng phát hiện ra một thác nước tung bọt trắng xóa giữa bạt ngàn rừng.

Hồ Cửa Đạt, một trong những công trình thủy lợi trọng điểm tại miền Bắc, nằm ngay sát Khu bảo tồn Xuân Liên. Ảnh: Tùng Đinh.

Hồ Cửa Đạt, một trong những công trình thủy lợi trọng điểm tại miền Bắc, nằm ngay sát Khu bảo tồn Xuân Liên. Ảnh: Tùng Đinh.

Tiềm năng du lịch

Sau nhiều ngày trèo đèo lội suối, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên quyết định cho chúng tôi đổi gió để tham quan nốt hệ sinh thái đặc trưng còn lại là vùng đất ngập nước, diện tích ước khoảng 3.000 ha tại hồ Cửa Đạt. Giữa bao la trùng điệp của núi rừng, lòng hồ hiện ra giữa một khoảng mênh mông, tựa như ánh mắt chào mời của thiếu nữ người Thái, người Mường với du khách.

Là công trình thủy lợi lớn bậc nhất khu vực phía Bắc, hồ Cửa Đạt nhanh chóng “hớp hồn” những người đến lần đầu như chúng tôi. Dường như mọi ồn ào, náo nhiệt từ thị trấn Thường Xuân (Thanh Hóa) đã dừng cả lại nơi mạn thuyền, để du khách được tự do, tự tại thả hồn vào không gian tĩnh lặng đến nao lòng của bốn bề sóng nước.

Khác với Sầm Sơn ào ạt sóng vỗ hay dòng sông Mã cuồn cuộn dâng trào mỗi khi lũ về, Cửa Đạt mang tới một cảm giác hoang hoải, dễ khiến con người thấy nhỏ bé trước thiên nhiên bao la cùng khung cảnh vắng lặng, hoang sơ.

Tại nơi sông Chu, sông Khao hợp lưu này, hệ sinh thái đất ngập nước hiện ra ngồn ngộn với đầy rẫy loài chim nước, rái cá, rùa đầm. “Nếu may mắn, chúng ta có thể gặp được rùa bốn mắt, rùa sa nhân, thậm chí cả rùa hộp trán vàng miền Bắc”, anh Lê Văn Triệu, Phó trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế phá tan bầu không khí im ắng.

Trong chừng một giờ đồng hồ chạy thuyền ngược thượng nguồn, qua cả Trạm Kiểm lâm Sông Khao, anh Triệu tranh thủ giới thiệu về thác Yên - danh thắng đẹp bậc nhất trên hồ. Theo lời anh, phần chúng tôi sắp nhìn thấy chỉ là một phần nhỏ. Tổng thể thác còn phần phía trên, hùng vĩ và đẹp mê ly song khó tiếp cận vì địa hình hiểm trở. Đó cũng là lý do khiến thác Yên gần như đổ nước ào ào xuống suối quanh năm, với độ cao hơn chục mét, đồng thời tạo nên nơi cư ngụ cho quần thể thực vật nguyên sinh, phong phú cùng nhiều núi đá, hang động đẹp.

XL-21

Thác Yên được xem là điểm đến hấp dẫn và thú vị nhất trong các tour du lịch tại hồ Cửa Đạt. Ảnh: Bá Thắng

Từ lúc nghe tiếng thác đổ, chúng tôi phải chờ 15 phút để thuyền cập bờ, đoạn giữa bãi đá lởm chởm. Thêm chừng ấy thời gian nữa để đoàn công tác ngược theo con suối nhỏ và vượt qua bãi đá với nhiều hòn cao hơn đầu người. Tuy nhiên, mọi mệt mỏi chợt tan biến khi chạm chân vào dòng nước mát dưới thác Yên.

Hùng vĩ của thác Yên không phải chỉ ở cảnh sóng chen đá, mà còn là cả một quần thể bao quanh. Chỗ này một bãi cát đùn lên cao, với 3-4 phiến đá dựng đứng, như thể có tiên ông nào đó ngày xưa từng qua đây đánh cờ. Chỗ kia thì vách đá dựng đứng tới sát lòng thác, cảm tưởng thiên nhiên đã ưu đãi cho những đàn voọc xám, vượn đen má trắng Xuân Liên thỉnh thoảng ra đây sưởi nắng.

Sau khi phát hiện sự tồn tại của thác Yên, Khu bảo tồn Xuân Liên đã phối hợp huyện Thường Xuân tiến hành khảo sát, phát triển tuyến du lịch sinh thái trên lòng hồ thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt. Tính đến nay, 5-6 tuyến du lịch đã được triển khai, và hầu như tuyến nào cũng chọn thác Yên là điểm phải đi khám phá, bên cạnh những hang Mường, hang Tình, hang Vua (xã Vạn Xuân) hay thác Trai Gái (xã Xuân Lẹ).

Cũng từ những tour du lịch này, khách tham quan có thể ghé hai ngôi đền nổi tiếng linh thiêng bậc nhất xứ Thanh, đó là nơi thờ anh hùng Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn, tọa lạc trên một khu đất cao ráo dưới chân núi Róc, nơi hợp lưu giữa sông Chu và sông Đặt.

207d2091056t35731l0

Bến thuyền bắt đầu tour du lịch vòng quanh lòng hồ Cửa Đạt. Ảnh: Bá Thắng.

Lúc chủ trương gắn công tác bảo tồn với phát triển du lịch, nhiều bản, làng đã đổi đời. Nếu muốn thưởng thức gà đồi, lợn bản, khách có thể xuôi dòng về hướng Thị trấn Thường Xuân, nơi có những homestay tiện nghi như Bản Mạ. Hoặc “lười” hơn, họ có thể ghé Trạm Kiểm lâm Sông Khao ngay trên lòng hồ Cửa Đạt.

Ngoài các phòng làm việc, nơi đây còn có khu nhà sàn và một số phòng phục vụ nhu cầu lưu trú, sinh hoạt cộng đồng của khách du lịch. Khuôn viên trạm cũng được chỉnh trang, trồng thêm nhiều hoa, cây cảnh, tạo nên không gian thân thiện, gần gũi với thiên nhiên.

Tính đến nay, đơn vị đã xây dựng và cho vào sử dụng khoảng 10 phòng lưu trú. Cùng với đó, nhiều tuyến đường đi bộ được lát gạch chỉn chu, dẫn vào những điểm tham quan. Anh Huy Bình, một du khách đến từ Thủ đô bày tỏ, thưởng thức ẩm thực ngay dưới tán rừng nguyên sinh và quần thể cây di sản pơ mu, sa mu… là điều mà chỉ vài năm trước

Đa dạng sinh kế cho người dân

Hơn 10 năm trước, khi chặn dòng sông Chu để làm thủy điện Cửa Đạt, người dân những thôn tái định cư như Ðồng Tiến, Ðồng Tâm (xã Thanh Kỳ), Tân Hùng, Thanh Xuân (xã Thanh Tân)… chẳng lúc nào nguôi nhớ quê cũ. Nguyên nhân một phần là do bà con không tạo ra thu nhập ổn định. Cá biệt, thu nhập của người dân Đồng Tiến chỉ khoảng 4 triệu đồng/năm, buộc họ phải tha phương cầu thực, tìm kế sinh nhai nơi đô thị.

Nay, qua chục năm “bám rễ” trên vùng đất mới, những gương mặt cũ phần nào bớt nhăn nheo. Ngoài hoạt động du lịch và nuôi cá lòng hồ được triển khai ở Cửa Đạt, nhiều người còn tham gia bám đất giữ rừng cùng Ban quản lý Khu bảo tồn Xuân Liên.

XL-7

Bà con trồng cây quế xen rừng keo tại vùng đệm Khu bảo tồn Xuân Liên. Ảnh: Tùng Đinh.

Một chiều cuối tuần, anh La Văn Khêu, người dân tái định cư tại vùng đệm Khu bảo tồn Xuân Liên, lễ mễ ôm nhiều túi lớn đựng cây giống lên rặng núi phía sau ban quản lý. Từ nửa năm nay, anh cùng 5 thành viên trong gia đình nhận giao khoán trồng cây tại phân khu phục hồi sinh thái của Xuân Liên, với thù lao 200.000 đồng/ha.

Xác định đây là công việc lâu dài, giúp gia đình có đồng ra đồng vào lúc nông nhàn, nên anh Khêu rất chủ động sắp xếp, bố trí lịch. Thường anh nhận bàn giao cây giống từ ban quản lý trong ngày thứ Sáu, rồi làm cả hai ngày cuối tuần. Vừa đào hố, anh vừa tâm sự: “Hồi mới được tiếp xúc, tôi cứ ngỡ các anh trong ban quản lý đùa vì làm gì có thu nhập dễ thế. Để có tiền công tương đương, tôi phải ra tận thị trấn làm thuê, nhưng việc không đều. Một buổi làm thì năm buổi chờ, thành thử cũng chán”.

Hỏi nhà cũ ở đâu, tay anh chỉ mông lung vào khoảng trắng xóa phía lòng hồ. Nhưng khi hỏi có nhớ quê cũ không, thì anh lắc đầu, sau một hồi im lặng. Chừng như sợ người nghe hiểu sai ý, anh phân trần: “Thực sự cũng chút chút thôi, nhưng nhờ các anh tạo điều kiện, công việc ổn định nên cuộc sống bây giờ không phải thấp thỏm như trước”.

Nhìn công trình lịch sử, có vai trò lớn trong việc điều tiết lũ trên sông Chu, phòng chống ngập lụt cho vùng hạ du, đẩy mặn cho hạ nguồn sông Mã nay đảm bảo được luôn cả sinh kế cho người dân, ai cũng mừng. Cậu quay phim trong đoàn chúng tôi đọc khẽ mấy câu của Lỗ Tấn trong "Cố hương" thay lời chúc: "Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi".

Anh Phạm Anh Tám, Giám đốc Khu bảo tồn Xuân Liên cho biết, đơn vị đang hoàn tất các thủ tục trình UBND và Sở NN-PTNT Thanh Hóa về các tiêu chí nâng hạng Xuân Liên thành Vườn Quốc gia.

Theo anh Tám, nếu Xuân Liên chuyển hạng thành vườn quốc gia, nơi đây sẽ thu hút thêm các nguồn lực và đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng bền vững tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, đồng thời duy trì được các giá trị dịch vụ hệ sinh thái, giúp tăng giá trị phòng hộ đầu nguồn sông Chu.

“Nếu được tạo cơ chế, chúng tôi cam kết khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về du lịch sinh thái để tăng nguồn thu, tiến tới tự chủ, giảm đầu tư từ ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Thường Xuân cũng như các địa phương lân cận", anh Tám chia sẻ.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất