| Hotline: 0983.970.780

Trăn trở nông nghiệp, nông thôn

Thứ Năm 13/06/2013 , 09:32 (GMT+7)

PV NNVN đã có cuộc nói chuyện bên lề Quốc hội với một số đại biểu trăn trở về nông nghiệp, nông thôn.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa - TP.HCM: Giải pháp mấu chốt là ứng dụng KH- CN vào sản xuất

Ông đánh giá thế nào về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp của các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài?

Các doanh nghiệp đầu tư FDI là tập đoàn nước ngoài có mặt trên toàn cầu, họ ứng dụng KHCN và tổ chức qui trình sản xuất khép kín từ đầu vào đến đầu ra. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) của chúng ta rất nhỏ bé. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ thì giá thành sản xuất cao nên chúng ta cạnh tranh không lại.

Ngay yếu tố thu mua đầu vào cũng là một điểm yếu của các doanh nghiệp TĂCN VN vì vậy Bộ NN-PTNT cần phải có giải pháp để giúp các doanh nghiệp TĂCN quy mô nhỏ và vừa có thể đứng được, cạnh tranh được. Nếu chúng ta không có giải pháp thì dần dần số lượng doanh nghiệp TĂCN của chúng ta sẽ thu hẹp lại và như vậy chúng ta sẽ bị lệ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài.

Sau câu trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát về giải pháp thúc đẩy sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho nông nghiệp Việt Nam, ông có ý kiến gì thêm?

Giải pháp mấu chốt là đưa KH-CN vào sản xuất và tổ chức chuyển giao ứng dụng KH-CN cho nông dân. Có thể do thời gian hạn chế nên câu trả lời của Bộ trưởng không thật chi tiết, cũng chưa xác định rõ lộ trình cụ thể trong nhóm giải pháp, Bộ trưởng chỉ cho biết là đang thực hiện chuyển giao công nghệ.

Theo tôi, Bộ NN-PTNT phải phát huy vai trò của các Viện nghiên cứu đầu ngành, làm sao cải tiến được chất lượng con giống, cải tiến được chất lượng cây trồng. Ví dụ, chúng ta đang phải nhập đậu tương do năng suất của chúng ta không cao so với các nước trên thế giới, vì vậy vai trò của các Viện nghiên cứu đầu ngành nông nghiệp là phải tạo ra được giống đậu tương có năng suất cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam và nhanh chóng chuyển giao cho nông dân.

Còn một khó khăn nữa là khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ của nông dân rất thấp nên Bộ NN-PTNT cũng cần có giải pháp giúp nông dân tiếp nhận ứng dụng KH-CN như thành lập các tổ đội sản xuất, các HTX và đưa cán bộ KHKT về với dân. Tức là vừa phải phát huy vai trò của các Viện nghiên cứu vừa tổ chức bộ máy ở phía dưới, sát với dân đặc biệt là tăng cường đội ngũ kỹ sư nông nghiệp nhằm thực hiện chuyển giao.

Hiện nay nông dân còn tự phát trong việc đi tìm giải pháp công nghệ. Kinh nghiệm thực tiễn triển khai cánh đồng mẫu lớn ở An Giang và một số tỉnh miền Tây cho thấy đội ngũ kỹ thuật viên, kỹ sư nông nghiệp chính là người bạn hết sức quan trọng của nông dân. Tôi nghĩ rằng Bộ NN-PTNT cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực và đưa nguồn nhân lực đó về với nông dân, nông thôn. Tất cả những việc trên đều đòi hỏi vai trò của Nhà nước. 

ĐB Trần Hoàng Ngân - TP.HCM: Tại sao ngành nông nghiệp không được vay lãi suất 6%?

Hiện nay nếu để nông dân buồn chán, bỏ ruộng thì sẽ thiếu lương thực, bỏ chăn nuôi thì sẽ thiếu thực phẩm trong tương lai. Bài học từ 2008 – 2010 cho thấy giá lương thực, thực phẩm tăng cao là lạm phát cao lập tức, cho nên nếu không giải quyết tốt nguồn cung lâu dài về lương thực, thực phẩm thì nguy cơ lạm phát trở lại là rất lớn.

Ngành nông nghiệp phải đặt trong bối cảnh sản xuất hiện đại, tức là phải có dự báo, có chiến lược, có quảng bá thương hiệu và đi liền với đó là nhiều hoạt động hỗ trợ cho nông nghiệp. Tôi mong hỗ trợ trực tiếp đến tay người nông dân, mới kích cầu được tiêu dùng. Bộ trưởng phải có những gói giải pháp giống như bên ngành xây dựng.

Tại sao ngành nông nghiệp không được vay lãi suất 6%/năm mà ngành xây dựng, VLXD lại được vay 6%/năm, đó là điều không bình thường, không hợp lý. Trong khi nông nghiệp là cứu cánh, 67% dân số sống ở nông thôn, 47,5% là lao động nông nghiệp.

Giữ vai trò then chốt như vậy, đóng góp cho xuất khẩu, góp phần cải thiện cán cân thương mại, góp phần kiềm chế lạm phát thì tại sao lại không được hưởng lãi suất tương tự? 

ĐB Trần Ngọc Vinh – Hải Phòng: Tôi đồng tình với Bộ trưởng Cao Đức Phát

Tôi cũng khá đồng tình với trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát nhưng có một số điểm Bộ trưởng chưa làm rõ. Như vấn đề thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giá cả những mặt hàng nông nghiệp… đều là những vấn đề không mới, đã được bàn tới trong rất nhiều năm, nhiều kỳ nhưng chuyển biến rất chậm.

Những vấn đề này tưởng rất dễ nhưng lại tồn tại kéo dài, đề nghị phải có biện pháp hữu hiệu. Những biện pháp được Bộ trưởng đưa ra chưa khắc phục được tình trạng này một cách quyết liệt. Nếu Bộ vẫn thực hiện những biện pháp như hiện giờ thì đến kỳ họp sau, chắc sẽ lại có chất vấn. 

ĐB Lê Đình Khanh - Hải Dương: Cần tăng cường đầu tư chế biến

Giá nông sản bấp bênh là do đầu ra không ổn định. Để sản xuất nông nghiệp bền vững chúng ta cần phải đầu tư dây chuyền sản xuất khép kín như các doanh nghiệp nước ngoài, ứng dụng nhiều công nghệ trong chế biến sản phẩm nhằm tạo sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam.

Nông sản qua chế biến có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới thì sẽ đảm bảo được đầu ra, làm gia tăng giá trị sản phẩm và người nông dân có thể hưởng lợi. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay việc làm sao huy động được nguồn lực để đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng KH-CN, đầu tư cho dây chuyền sản xuất chế biến là việc vô cùng khó.

Ông Triệu Là Phan – Hà Giang: Hãy hỗ trợ trực tiếp

Nhiều đại biểu QH băn khoăn về biện pháp hỗ trợ cho nông dân, theo ông cách hỗ trợ như thế nào để nông dân được hưởng lợi nhiều nhất?

Với miền núi, hỗ trợ trực tiếp là tốt nhất. Ví dụ như Chính phủ có thể hỗ trợ về giống lúa, phân bón hay vật tư nông nghiệp chứ đồng bào ở vùng sâu, vùng cao mà hỗ trợ tiền cho dân thì không hợp lí.

Việc mua bán, tiếp cận thị trường rất hạn chế, ra ngoài không thể phân biệt được loại giống nào tốt, vật tư nào thì tốt. Phân bón trên thị trường rất nhiều loại, hàng giả có, hàng kém chất lượng có… Vậy nên hỗ trợ trực tiếp do một đơn vị nào đó chịu trách nhiệm cung ứng thì người dân tin tưởng hơn rất nhiều.

Ông đánh giá thế nào về phần trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát?

Các phương án của Bộ trưởng cũng rất hợp lý. Tôi mong muốn Bộ trưởng tiếp tục chỉ đạo theo đúng phương án mình đã đưa ra.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm