Năm 2002, Huy nghe nói ở huyện Củ Chi (TP.HCM) có một trang trại nuôi dế thương phẩm hiệu quả, anh bắt xe đò xuống để tìm hiểu. Về nhà, anh lên mạng tìm kiếm thêm thông tin, tài liệu về loài dế để nghiên cứu.
Huy tự tay làm chòi thô sơ, dùng cỏ tranh làm mái và mua vài chậu nhựa rồi bỏ dế giống vào nuôi. Để rút ngắn thời gian nhân đàn dế, mỗi đêm anh thường soi đèn pin khắp nơi để tìm bắt dế hoang về thuần nuôi cùng đàn dế giống. Chỉ thời gian sau, những chú dế giống mà anh đưa về cùng dế hoang dã bắt đầu sinh sản, nở ra hàng ngàn dế con.
Huy chẳng bao giờ quên được những giây phút đầu tiên thu hoạch dế đem lên TP Đà Lạt giới thiệu sản phẩm. Lúc thu hoạch dế thì mừng hớn hở, cha con anh ríu rít như bắt được của quý. Nhưng lúc trên đường đưa sản phẩm đi giới thiệu thì lo đến muốn khóc.
“Ngộ nhỡ người ta không mua thì sao, chẳng lẽ mình lại đem về ăn hết à. Trong đầu tôi cứ nghĩ đến cảnh chẳng may không bán được thì không biết có động lực để nuôi tiếp nữa không”, anh Huy kể lại.
Điều may mắn đã đến với cha con anh Huy, 2 kg dế thành phẩm đầu tiên đưa lên Đà Lạt giới thiệu tại một quán nhậu lớn lập tức được chủ quán đồng ý mua với giá 400.000 đồng, kèm theo lời hứa hẹn sẽ bao tiêu sản phẩm dế lâu dài. Cầm tiền trên tay, Huy mừng đến rơi nước mắt, phóng xe về khoe với gia đình. Từ đó, cha con anh Huy lao vào chăm sóc đàn dế và mở rộng quy mô chăn nuôi.
Năm 2012, anh Huy vay thêm ít vốn cùng tiền thu về từ nuôi dế, gom được 90 triệu đồng rồi cho xây dựng lại trang trại với quy mô chuyện nghiệp hơn. Đến nay, trang trại dế của anh đã trở nên bài bản, rộng thoáng. Mỗi lứa dế nuôi 60 ngày thì cho thu hoạch, bán với giá 200.000 đồng/kg, thu về trên 30 triệu đồng/tháng. Thị trường tiêu thụ không dừng lại ở trong tỉnh mà còn được xuất ra nhiều tỉnh, thành khác ở miền Trung và TP.HCM.
Những năm gần đây, trang trại dế của anh Nguyễn Quang Huy trở nên nổi tiếng không chỉ đối với người dân địa phương mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Hàng này, hàng chục khách Tây được các hướng dẫn viên người Việt dẫn đường vượt hơn 30 km bằng xe gắn máy từ Đà Lạt tới thăm trang trại dế của anh Huy.
Không như người Việt, khách Tây lần đầu chứng kiến hàng triệu con dế, kêu gáy râm ran và được giới thiệu là nuôi để làm thực phẩm thì họ có vẻ ngạc nhiên, thích thú và cũng có phần sợ hãi. Khi được hướng dẫn viên người Việt giải thích loài dế vốn thân thiện và không gây hại cho con người, những khuôn mặt e dè trở nên mạnh dạn hơn.
Du khách tới đây được gia đình anh Huy cho tham quan miễn phí, thậm chí, mỗi ngày cha con anh Huy lại dành riêng vài đĩa dế chiên giòn để mời khách và quảng bá hình ảnh dế Việt Nam ra với cộng đồng thế giới bằng kênh du lịch của khách Tây.
“Phần lớn khách nước ngoài tới đây đều thích thú với những chú dế dễ thương và tiếng gáy đặc biệt của chúng. Ban đầu ai cũng ngại nếm thử món này nhưng khi đã ăn miếng đầu tiên thì chắc chắn họ sẽ ăn những miếng thứ hai, thứ ba... và tấm tắc khen ngon", anh Huy nói.
Bà Sophie Cooper, khách du lịch đến từ Anh cho biết: “Tôi thấy trang trại dế này rất thú vị, có hàng ngàn con dế đẹp và tôi yêu nó. Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và cũng là lần đầu được tận mắt thấy hàng ngàn con dế, được cầm chúng lên tay. Đặc biệt, tôi còn được thưởng thức món dế chiên giòn tuyệt hảo...”.