| Hotline: 0983.970.780

Trang trại nuôi bồ câu Pháp khép kín, doanh thu mỗi tháng 2 tỷ đồng

Thứ Hai 08/01/2024 , 06:56 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Trang trại nuôi bồ câu Pháp khép kín của Hợp tác xã Chăn nuôi và sản xuất Quốc Anh (tỉnh Khánh Hòa) có quy mô hàng đầu cả nước, doanh thu hơn 2 tỷ đồng/tháng.  

Trang trại nuôi bồ câu Pháp khép kín của HTX Chăn nuôi và sản xuất Quốc Anh tại xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Ảnh: KS.

Trang trại nuôi bồ câu Pháp khép kín của HTX Chăn nuôi và sản xuất Quốc Anh tại xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Ảnh: KS.

Nuôi bồ câu Pháp quy mô công nghiệp

Những ngày cuối năm, chúng tôi đến trang trại nuôi bồ câu Pháp của Hợp tác xã Chăn nuôi và sản xuất Quốc Anh tại xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), chứng kiến hoạt động sản xuất chăn nuôi nơi đây diễn ra nhộn nhịp, mỗi người một việc, phối hợp với nhau nhịp nhàng từ khâu chăm sóc, thu trứng, ấp trứng đến sơ chế, phân phối sản phẩm ra thị trường.

Ông Phạm Quốc Hương, Chủ tịch Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và sản xuất Quốc Anh cho biết, thời gian qua, HTX đã xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi bồ câu tại một số tỉnh thành trên cả nước. Tại tỉnh Khánh Hòa, HTX nuôi bồ câu khoảng 3 năm nay và nhận thấy khí hậu rất thích hợp, bồ câu sinh trưởng, phát triển tốt. Vì vậy, ngoài trang trại ở xã Ninh Sơn, HTX còn có trang trại khác ở xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) với tổng đàn trên 50.000 chim bố mẹ.

Trang trại đang nuôi hơn 30.000 con bồ câu sinh sản. Ảnh: KS.

Trang trại đang nuôi hơn 30.000 con bồ câu sinh sản. Ảnh: KS.

Trong đó, trang trại ở xã Ninh Sơn có diện tích trên 15.000m2 được đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái, hiện nuôi bồ câu quy mô công nghiệp với hơn 30.000 chim bố mẹ sinh sản. Đây được cho là trang trại nuôi bồ câu có quy mô hàng đầu cả nước. Chuồng nuôi chim bồ câu được làm bằng khung thép, chia thành các ô, mỗi ô chuồng có kích thước cao 40cm, rộng 50cm, dài 60cm. Mỗi ô chuồng có một cửa mở nhỏ để thuận tiện cho việc chăm sóc, thu trứng và thu hoạch chim.

Để tiết kiệm diện tích nuôi, trang trại được thiết kế 2 tầng chuồng. Chiều cao của chuồng tính từ mặt đất đến phần sàn thấp nhất khoảng 60cm, đảm bảo khô ráo, thoáng mát, hợp vệ sinh và vừa tầm chăm sóc. Ở đáy của mỗi ô chuồng đều có một tấm hứng phân, có thể kéo ra đẩy vào một cách dễ dàng khi vệ sinh.

Theo ông Phạm Quốc Hương, hiện quy trình nuôi bồ câu của HTX khép kín từ khâu sản xuất đến giết mổ, phân phối sản phẩm ra thị trường. Riêng trang trại ở Ninh Sơn hiện trung bình mỗi tháng cung cấp cho thị trường từ 30.000 - 35.0000 con bồ câu thịt đã làm sạch với giá bán từ 87 - 92 ngàn đồng/con, doanh thu hơn 2 tỷ/tháng, sau khi trừ chi phí, HTX lãi hàng trăm triệu đến 1 tỷ đồng/tháng (tùy thời điểm).

Sản phẩm bồ câu thịt của HTX đạt OCOP 4 sao. Ảnh: KS.

Sản phẩm bồ câu thịt của HTX đạt OCOP 4 sao. Ảnh: KS.

Hiện sản phẩm bồ câu của HTX Chăn nuôi và sản xuất Quốc Anh tại xã Ninh Sơn đạt OCOP 4 sao. Ngoài phân phối tại các nhà hàng, siêu thị lớn ở các tỉnh, thành như TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Cao Bằng và Hà Giang, sản phẩm còn xuất khẩu sang Campuchia.

Tăng năng suất trứng gấp 3 - 4 lần cách nuôi tự nhiên

Bên cạnh việc đầu tư chuồng trại bài bản, HTX Chăn nuôi và sản xuất Quốc Anh tại xã Ninh Sơn còn áp dụng quy trình khoa học vào chăn nuôi bồ câu.

Theo ông Phạm Quốc Hương, để nâng cao năng suất, tại đây, bồ câu được cho ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và uống nước hoàn toàn tự động. Mỗi ngày, bồ câu được cho ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều. Thức ăn cho bồ câu gồm các loại hạt như ngô, lúa mạch, đậu tương và cám gà. Tuy nhiên lượng thức ăn thô chiếm nhiều nhằm giúp đàn chim kéo dài tuổi thọ cũng như giúp thịt săn chắc, thơm ngon.

Mặt khác, thông thường một cặp bồ câu mỗi lần đẻ 2 trứng, sau khi trứng nở chỉ nuôi được 2 con và sau 40 - 45 ngày mới tiếp tục đẻ lứa tiếp theo. Do đó, để tăng năng suất đẻ của chim bồ câu, HTX sử dụng những quả trứng giả đưa vào ổ, trứng thật được đưa vào máy ấp trứng.

Mỗi tháng, HTX cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn chim thương phẩm đã làm sạch. Ảnh: KS.

Mỗi tháng, HTX cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn chim thương phẩm đã làm sạch. Ảnh: KS.

Chị Huỳnh Thị Kim Nhã, phụ trách kỹ thuật chăn nuôi của HTX cho biết, việc đưa trứng giả vào ổ nhằm đánh lừa, cũng như giúp bảo quản trứng thật không bị vỡ làm giảm năng suất do chim nhảy lên nhảy xuống. Trứng được ấp sau 17 - 18 ngày sẽ nở con non. Sau đó, trứng giả được lấy ra cho qua tổ khác để đưa con non ghép vào cặp bố mẹ. Ở đây mỗi cặp bố mẹ được ghép 3 - 4 con. Các thông tin về ngày đẻ trứng, ghép con được ghi nhật ký đầy đủ tại mỗi chuồng nuôi để tiện theo dõi, thực hiện ghép đàn đúng quy trình như chim sinh sản tự nhiên. Tuy nhiên đối với phương pháp trên, những cặp chim bố mẹ được tách con sớm sẽ tiếp tục sinh sản rất nhanh sau đó. 

“Cứ sau 10 - 15 ngày, chim mẹ có thể cho lứa trứng tiếp theo, chỉ bằng 1/4 thời gian so với cách nuôi tự nhiên. Hơn nữa, trứng được ấp máy sẽ kiểm soát được chặt chẽ về nhiệt độ nên tỷ lệ nở đạt lên đến 90%”, chị Nhã chia sẻ cho biết thêm, bồ câu từ khi nở sẽ nuôi từ 18 - 20 ngày, đạt trọng lượng từ 500 - 600gram, sau khi chế biến thu được 300 - 350gram thịt.

Bồ câu Pháp là vật nuôi ít xảy ra dịch bệnh. Đây là giống cho năng suất cao, thịt trắng, đẹp, được thị trường ưa chuộng. Sau khi nuôi khoảng 6 tháng, chim bồ câu sẽ bắt đầu sinh sản và thời gian cho khai thác sinh sản có thể lên đến trên 10 năm. Để phòng chống dịch bệnh, HTX chú trọng công tác vệ sinh thú y và tiêm phòng định kỳ. Theo đó, cứ 3 - 5 ngày sẽ phun khử trùng chuồng trại. Đây là yếu tố rất quan trọng nhằm ngăn chặn mầm bệnh và muỗi đốt con non gây nên mụn đỏ (gọi bị đậu). Bệnh cạnh đó, HTX còn tiêm phòng các loại vacxin theo mùa, nhất là cúm H5N1 nhằm bảo vệ đàn bồ câu.

Trứng chim bồ câu được ấp nở trong máy. Ảnh: KS.

Trứng chim bồ câu được ấp nở trong máy. Ảnh: KS.

HTX Chăn nuôi và sản xuất Quốc Anh tại xã Ninh Sơn hiện có gần 40 xã viên. Trong đó khâu chăn nuôi mỗi người được giao phụ trách từ 1.300 - 1.500 đôi chim bồ câu sinh sản. Ngoài thu nhập từ công lao động, chăm sóc chim bồ câu với mức lương trung bình từ 6 - 7 triệu đồng/người, xã viên còn được hưởng lợi nhuận từ việc góp vốn đầu tư.

Anh Nguyễn Công Hiền, xã viên của HTX ở thôn 5, xã Ninh Sơn cho biết, từ ngày HTX thành lập, các xã viên cũng như nhiều người lao động ở địa phương có việc làm và thu nhập ổn định. Riêng anh góp vốn đầu tư 200 cặp chim nên mỗi tháng có thu nhập từ 15 - 17 triệu đồng (tùy theo thời điểm).

Chị Trần Trung Hiếu cũng ở thôn 5, xã Ninh Sơn cho biết, thời gian qua, HTX đã tạo công ăn việc làm ổn định cho bản thân chị và nhiều chị em ở địa phương. Công việc chăm sóc chim bồ câu chị thấy cũng nhẹ nhàng nhưng phải chịu khó. Các kỹ thuật chăm sóc chim bồ câu được thực hiện theo đúng quy trình của HTX đề ra nên đảm bảo năng suất, cho thu hoạch ổn định. Trung bình 1.000 cặp chim bồ câu chị thu hoạch được từ 1.200 - 1.300 con thương phẩm/tháng cho HTX. Nhờ đó, hiện mức lương của chị được HTX chi trả gần 6 triệu đồng/tháng (đã trừ bảo hiểm) nên rất phấn khởi.

Việc thực hiện ghép chim được ghi chép đầy đủ thông tin để theo dõi. Ảnh: KS.

Việc thực hiện ghép chim được ghi chép đầy đủ thông tin để theo dõi. Ảnh: KS.

Theo chị Huỳnh Thị Kim Nhã, phụ trách kỹ thuật chăn nuôi của HTX, việc thực hiện ghép chuẩn trống - mái sẽ giúp trứng đạt tỷ lệ có phôi cao. Bên cạnh đó, việc thực hiện đảo con, ghép con cũng rất quan trọng nhằm đảm bảo chim ra ràng đạt chất lượng. Để làm được điều đó, người nuôi phải quan sát kỹ bồ cầu bố mẹ có bón thức ăn cho con non đều hay không. Nếu bố mẹ không bón cho con đều thì phải thực hiện đảo con từ ổ này sang ổ khác, cũng như cho ăn tăng bữa, bổ sung dinh dưỡng để nuôi chim non mới nở.

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm