| Hotline: 0983.970.780

Tranh cãi xung quanh 'chung cư 26 tầng nuôi lợn' ở Trung Quốc

Thứ Bảy 26/11/2022 , 09:28 (GMT+7)

Trang trại lợn là một tòa nhà chọc trời 26 tầng ở tỉnh Hồ Bắc, với công suất giết mổ 1,2 triệu con lợn/năm vừa khai trương đã gặp vô số ý kiến trái chiều.

Màn hình vi tính cho thấy những con lợn được nuôi trong môi trường được kiểm soát của trang trại 26 tầng ở Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc.

Màn hình vi tính cho thấy những con lợn được nuôi trong môi trường được kiểm soát của trang trại 26 tầng ở Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc.

Theo đó, trang trại cao 26 tầng dành cho việc nuôi lợn công nghiệp ở ngoại ô phía nam thành phố Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, thoạt trông không khác gì một tòa nhà chung cư khổng lồ nhìn ra đường chính. Tuy nhiên nó không dành cho nhân viên văn phòng hay các hộ gia đình, mà đây là trang trại nuôi lợn cao lớn nhất thế giới, với công suất giết mổ 1,2 triệu con lợn mỗi năm.

Mô hình này được cũng coi là lời giải của Trung Quốc đối với nhu cầu vô độ về thịt lợn, loại protein động vật phổ biến nhất ở quốc gia gần 1,5 tỷ người, khi nó vừa chính thức đi vào hoạt động hồi đầu tháng 10 vừa qua. Chủ đầu tư của cơ sở chăn nuôi lợn thịt “có một không hai” này là công ty Hubei Zhongxin Kaiwei Modern Farming (một nhà đầu tư ngành xi măng), với việc đưa 3.700 con lợn nái đầu tiên nhập chuồng để gầy đàn lợn thịt khổng lồ.

Zhongxin Kaiwei là doanh nghiệp hoàn toàn mới trong lĩnh vực chăn nuôi lợn cho biết, ban đầu họ dự định đầu tư vào sản xuất thực phẩm chế biến sẵn, nhưng đã thay đổi quyết định sau sự sụt giảm của ngành xi măng và xây dựng ở Trung Quốc. Ông Jin Lin, tổng giám đốc công ty tiết lộ, doanh nghiệp của ông coi nông nghiệp hiện đại là một lĩnh vực đầy triển vọng và đây chính là cơ hội để công ty tận dụng nguồn nguyên vật liệu của mình để xây dựng trang trại lợn.

Theo tuyên bố trên tài khoản WeChat chính thức của công ty, trang trại lợn gồm hai tòa nhà cao tầng giống hệt nhau với quy mô tương đương sắp hoàn thành. Khi hoạt động hết công suất, chúng sẽ cung cấp một diện tích kết hợp là 800.000 mét vuông không gian, với sức chứa 650.000 con lợn.

Trang trại ước tính có trị giá 4 tỷ nhân dân tệ, tương đương 559 triệu USD, được trang bị các điều kiện kiểm soát khí gas, nhiệt độ và thông gió, với hệ thống cho ăn trên 30.000 điểm tự động chỉ bằng một nút bấm từ phòng điều khiển trung tâm.

Công ty cho biết, toàn bộ chất thải từ các chuồng nuôi lợn sẽ được xử lý và sử dụng để tạo ra khí sinh học, khí này có thể được sử dụng để phát điện và đun nước nóng trong trang trại. Đội ngũ nhân công sẽ được yêu cầu trải qua nhiều vòng khử trùng và xét nghiệm trước khi được phép bước vào và sẽ không thể rời khỏi địa điểm cho đến lần nghỉ tiếp theo.

Tuy nhiên ngay sau khi khai trương, trang trại lợn lớn nhất thế giới này đã gặp vô số ý kiến trái chiều, thậm chí là chỉ trích.

Dây chuyền cung cấp thức ăn cho lợn được đưa vào trang trại trên hệ thống băng tải.

Dây chuyền cung cấp thức ăn cho lợn được đưa vào trang trại trên hệ thống băng tải.

Ông Zhu Zengyong, giáo sư tại Viện Chăn nuôi, thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, so với phương thức chăn nuôi truyền thống, trang trại nuôi heo cao tầng thông minh hơn, có mức độ tự động hóa và an toàn sinh học cao. Đồng thời, nó có lợi thế tiết kiệm tài nguyên đất, nhất là để đáp ứng nhu cầu thịt đang tăng lên sau đại dịch tả lợn Châu Phi. “Chỉ riêng ở tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam Trung Quốc, tính đến năm 2020, đã có 64 trang trại chăn nuôi lợn nhiều tầng đã được lên kế hoạch hoặc đang xây dựng”, theo ông Zhu.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng, các trang trại nuôi lợn thâm canh quy mô lớn đang làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh lớn hơn bao giờ hết. Matthew Hayek, trợ lý giáo sư nghiên cứu môi trường tại Đại học New York cho biết: “Các cơ sở chăn nuôi lợn công nghiệp chuyên sâu có thể làm giảm sự tương tác giữa động vật hoang dã và thuần hóa cũng như kháng bệnh tật của chúng. Nếu dịch bệnh xâm nhập vào bên trong tổ hợp này, chúng có thể bùng phát như những đám cháy rừng”.

Dirk Pfeiffer, giáo sư chủ tịch mạng lưới Một Sức khỏe tại Đại học Hồng Kông đồng ý với quan điểm này và cho biết thêm: “Mật độ động vật càng cao, nguy cơ lây lan và khuếch đại mầm bệnh truyền nhiễm cũng như khả năng đột biến càng cao. Tôi đã nghe rất nhiều báo cáo về 'an toàn sinh học', 'hiệu quả' và 'tính bền vững' ở các cơ sở chăn nuôi trong nhà của Mỹ. Tuy nhiên trên thực tế, có rất ít bằng chứng cho thấy các cơ sở chăn nuôi chuyên sâu này có bất kỳ lợi ích nào trong số những đặc tính trên”.

Những trang trại lợn cao tầng không còn xa lạ ở Trung Quốc.

Những trang trại lợn cao tầng không còn xa lạ ở Trung Quốc.

“Câu hỏi thậm chí còn quan trọng hơn có lẽ là liệu loại hình sản xuất này có phù hợp với nhu cầu hướng tới cắt giảm tiêu thụ thịt hay không, khi xem xét mối đe dọa dường như không thể ngăn cản do sự tàn phá của biến đổi khí hậu”, ông Dirk nói.

Một nông dân ngoài 50 tuổi giấu tên sống ở ngôi làng đối diện trang trại chia sẻ, ông rất lo lắng việc sinh sống tiếp giáp với trang trại lợn khổng lồ này có thể dẫn đến vấn đề về mùi hôi khi nó hoạt động hết công suất.

“Thật không thể tin nổi. Khoảng 30 năm trước, khi tôi nuôi lợn, chúng tôi chỉ có hai hoặc ba con trong chuồng và phải nuôi mất tới cả năm mới xuất bán. Nay tôi nghe nói lợn nuôi trong những trang trại này có thể bán trong vài tháng mà thôi”, ông này nói.

Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường tái đàn và sản xuất thịt lợn, bởi quốc gia này tiêu thụ khoảng một nửa số thịt lợn trên thế giới, sau khi mất tới khoảng 100 triệu con lợn vì dịch tả lợn Châu Phi (ASF) từ năm 2018 đến năm 2020. Trong một chính sách được đưa ra vào năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho biết họ sẽ cho phép xây dựng các chuồng trại chăn nuôi cao tầng hiệu quả hơn, an toàn sinh học và thân thiện với môi trường.

(The Guardian)

Xem thêm
Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.