| Hotline: 0983.970.780

Tránh việc cấp mã số vùng trồng nhưng không dùng đến

Thứ Ba 16/11/2021 , 10:30 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Bình Định sẽ rà soát để cấp mã số vùng trồng cho những đối tượng cây trồng có nhu cầu xuất khẩu thực sự sang Trung Quốc, tránh việc cấp mã số nhưng không dùng.

Chưa phát huy mã số vùng trồng

Theo ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, từ trước đến nay, các loại nông sản của tỉnh thường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gồm dưa hấu, ớt và xoài. Theo quy định hiện nay, các loại nông sản muốn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc qua đường chính ngạch, cần phải có mã số vùng trồng của nơi sản xuất, mã số cơ sở đóng gói.

Để được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải đăng ký với chính quyền địa phương, sau đó chính quyền địa phương gửi danh sách đăng ký lên Chi cục Trồng trọt và BVTV, sau khi kiểm tra đủ các điều kiện, sẽ trình danh sách này lên Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) để cơ quan này cấp mã số vùng trồng cho nông dân.

Vùng xoài ở xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định) có diện tích 75 ha đã được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vùng xoài ở xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định) có diện tích 75 ha đã được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cũng theo ông Cang, việc cấp mã số vùng trồng hiện không quá khó khăn. Tuy nhiên, nếu đã có mã số vùng trồng, nhưng theo quy định hiện nay, doanh nghiệp thu mua loại nông sản ấy chưa có cơ sở đóng gói được mã số, bản thân doanh nghiệp chưa được cấp mã số xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc thì mã số vùng trồng cũng trở nên vô nghĩa, bởi sản phẩm ấy vẫn không thể đi vào thị trường Trung Quốc qua đường chính ngạch. Trong khi mã số vùng trồng có thời hạn, đến khi đã hết hạn mà không đăng ký lại thì mã số ấy kể như bị hủy.

Yêu cầu là vậy, thế nhưng qua kiểm tra, thời gian qua Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định chưa thấy có thêm cơ sở đóng gói hoặc doanh nghiệp nào ở Bình Định yêu cầu về vấn đề này. Do đó, dù quả xoài ở huyện Phù Cát đã được cấp mã số vùng trồng từ năm ngoái đến nay, thế nên dù đã “chính danh” nhưng xoài Phù Cát hiện nay chưa có thống kê cụ thể về lượng được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đồng nghĩa chưa phát huy được lợi ích từ mã số vùng trồng.

Tuy đã được cấp mã số vùng trồng nhưng xoài ở huyện Phù Cát (Bình Định) chưa có doanh nghiệp thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tuy đã được cấp mã số vùng trồng nhưng xoài ở huyện Phù Cát (Bình Định) chưa có doanh nghiệp thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Nguyễn Ngọc (sinh năm 1955) ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh (huyện Phù Cát), người đang sở hữu 800 gốc xoài, trong đó có hơn 300 gốc đã được 20 năm tuổi và gần 500 gốc được 12 năm tuổi. Vườn xoài rộng 4 ha của ông Ngọc đã được cấp mã số vùng trồng từ năm ngoái, nhưng đến nay hầu như mã số vùng trồng chưa phát huy tác dụng.

“Từ khi diện tích xoài của tôi được cấp mã số vùng trồng đến nay, chưa thấy phát huy được tác dụng gì. Bởi, thương lái đến mua chỉ để tiêu thụ nội địa chứ không phải xuất khẩu sang Trung Quốc, nên mã số vùng trồng của mình có cũng như không. Trước mắt, mã số vùng trồng chỉ mới giúp tôi trong việc chào hàng. Do xoài của mình đã có mã số nên thương lái tìm đến nhiều hơn, thế nhưng giá cả chưa được cải thiện vì thương lái mua để bán nội địa nên chưa cần đến mã số của mình”, ông Ngọc giải thích.

Từng bước đưa vào khuôn khổ

Ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cát (Bình Định) cho biết: Vùng xoài ở thôn Tân Hóa Nam và Tân Hóa Bắc của xã Cát Hanh đã được cấp mã số vùng trồng từ năm 2020. Vùng xoài này có diện tích 75 ha, với năng suất bình quân 10 tấn/ha, mỗi năm vùng xoài này cho sản lượng khoảng 750 tấn.

Nông dân trồng dưa hấu nếu có nhu cầu, ngành nông nghiệp Bình Định sẵn sàng làm thủ tục cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nông dân trồng dưa hấu nếu có nhu cầu, ngành nông nghiệp Bình Định sẵn sàng làm thủ tục cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mã số vùng trồng là điều kiện để quả xoài của xã Cát Hanh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo đó, kỳ vọng giá sẽ tăng cao hơn so với giá mua của thương lái bán buôn nội địa. Thế nhưng sau khi được cấp mã số vùng trồng, vùng xoài Cát Hanh vẫn chưa phát huy hiệu quả do chưa có thương lái, doanh nghiệp nào tới thu mua để xuất khẩu.

Ông Kiều Văn Cang, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, xác nhận: Mã số vùng trồng vùng xoài Cát Hanh đã được cấp, thế nhưng qua kiểm tra, cơ quan chức năng nhận thấy người trồng xoài vẫn chưa dùng đến. Bởi, nếu doanh nghiệp thu mua xoài của xã Cát Hanh xuất khẩu qua Trung Quốc theo đường chính ngạch thì mới cần dùng đến, còn nếu bán nội địa thì người mua không cần đến mã số vùng trồng.

Trước thực trạng trên, Sở NN-PTNT Bình Định đã giao Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh này rà soát lại những loại cây trồng lâu nay có đầu ra chủ yếu là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc để cấp mã số vùng trồng, nhất là đối với ớt và lạc tươi.

Đối với cây dưa hấu, dù đây là loại cây trồng Bình Định không khuyến khích canh tác, nhưng nếu người trồng có nhu cầu thì ngành chức năng vẫn sẵn sàng làm thủ tục cấp mã số vùng trồng nếu đủ điều kiện để mở rộng con đường tiêu thụ về sau này.

Trong năm nay Bình Định quyết tâm cấp mã số vùng trồng cho lạc tươi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trong năm nay Bình Định quyết tâm cấp mã số vùng trồng cho lạc tươi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Dưa hấu nông dân Bình Định trồng hầu hết đều theo kiểu du canh nên không thể thống kê được diện tích. Thế nên người trồng dưa dấu có tâm lý e ngại, không muốn đăng ký mã số vùng trồng. Bây giờ, muốn xuất sang Trung Quốc theo đường chính ngạch thì không thể làm theo kiểu cũ. Vậy nên nếu nông dân có nhu cầu, chúng tôi cũng sẵn sàng làm thủ tục cấp”, bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho hay.

“Trong năm nay, ngành nông nghiệp Bình Định quyết tâm rà soát lại các vùng trồng để tiến hành cấp mã số, đặc biệt là đối với cây ớt. Đây là loại cây trồng được nông dân trồng nhiều vào vụ đông xuân với gần 1.500 ha.

Mã số vùng trồng là điều kiện tiên quyết để nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch. Theo khảo sát của ngành chức năng, hiện nay ở Bình Định chưa có doanh nghiệp nào đăng ký chính thức xuất khẩu ớt và dưa hấu sang thị trường Trung Quốc.

Thế nhưng Bình Định vẫn chủ động cấp mã số vùng trồng cho các loại nông sản này, bởi doanh nghiệp ngoài tỉnh đủ điều kiện vẫn có thể mua ớt và dưa hấu có mã số vùng trồng của Bình Định để xuất khẩu sang Trung Quốc”, bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.