| Hotline: 0983.970.780

Trâu, bò giá vừa xuống thấp vừa bí đầu ra

Thứ Sáu 01/12/2023 , 11:16 (GMT+7)

Giá trâu, bò thương phẩm chưa có dấu hiệu tăng lên, khiến người chăn nuôi đại gia súc ở Tuyên Quang tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Giá trâu, bò xuống thấp người chăn nuôi ở Tuyên Quang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đào Thanh.

Giá trâu, bò xuống thấp người chăn nuôi ở Tuyên Quang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện, giá thu mua trâu, bò thương phẩm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang chỉ đạt 56.000 đến 58.000 đồng/kg thịt hơi. Điều này khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.

Những hộ chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng vỗ béo hầu như chuyển sang chăn thả và giảm tổng đàn. Bởi giá cám thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá trâu, bò thương phẩm xuống thấp nếu trong khoảng thời gian cần xuất bán mà không bán được giá người nuôi sẽ lỗ.

Hiện, gia đình anh Hoàng Văn Thanh, thôn Tân Trào, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương có 14 con trâu, nghé. Hơn 1 năm nay, gia đình anh Thanh không bán trâu mà tiếp tục chăn thả hi vọng thị trường tăng giá sẽ có lãi.

Anh Thanh cho biết, khi giá cám thức ăn chăn nuôi và các loại vật tư khác tăng cao nếu người nuôi càng đầu tư sẽ càng lỗ nên hơn 1 năm nay anh chăn thả trâu và cho ăn cỏ tự nhiên. Thuận lợi là ở xã Hợp Hòa quê anh có đồng cỏ khá rộng lớn, chỉ mất công 1 người thường xuyên phải đi chăn thả. Anh hi vọng sang năm 2024 giá trâu, bò sẽ tăng cao để người chăn nuôi bớt khó khăn.

Với tổng đàn hơn 22.300 con trâu, Chiêm Hóa là địa phương có đàn trâu lớn nhất tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, giá trâu chỉ ở mức dưới 60.000 đồng/kg thịt hơi khiến tổng đàn trâu giảm đến 2.000 con so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gia súc xuống thấp nhưng việc tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn, bởi thương lái thu mua rất ít.

Nếu như khoảng 2 đến 3 năm về trước thương lái thu mua từng xe container mấy chục con đưa về các thành phố lớn hoặc sang thị trường Trung Quốc khá đông thì năm nay thị trường rất trầm lắng. Người mua chủ yếu giết mổ nội tiêu trong tỉnh, còn vận chuyển đi các tỉnh lân cận cũng không nhiều như những năm trước.

Giá trâu xuống thấp, gia đình anh Hoàng Văn Thanh, ở xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương phải chuyển sang hình thức chăn thả tự do. Ảnh: Đào Thanh.

Giá trâu xuống thấp, gia đình anh Hoàng Văn Thanh, ở xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương phải chuyển sang hình thức chăn thả tự do. Ảnh: Đào Thanh.

Bà Ma Thị Yến, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Chiêm Hóa cho biết, từ ngày giá cả bấp bênh nên tổng đàn trâu, bò của huyện đã giảm đi đáng kể. Thời kỳ cao điểm huyện Chiêm Hóa có tới gần 25.000 con, tuy nhiên đến nay chỉ còn hơn 22.300 con, tổng đàn bò chỉ còn 2.660/2.793 con, đạt 95,2% kế hoạch năm đề ra.

Trước đây, nhiều hộ nuôi trâu bò vỗ béo nay phải chuyển sang nuôi sinh sản. Bởi nuôi vỗ béo khi không bán được vật nuôi người nuôi sẽ lỗ lặng. Nhiều xã trước đây chăn nuôi là thế mạnh như Tri Phú, Phú Bình, Hòa An, Trung Hòa, Hà Lang, Tân An… từ trên 1.000 con trâu nay chỉ còn mấy trăm con.

Gia đình ông Bùi Ngọc Tuyền, thôn Nà Bố, xã Phú Bình, huyện Chiêm Hóa hiện nay có 15 con trâu. Ông Tuyền cho biết, trước đây, trung bình mỗi con trâu khi xuất chuồng đạt khoảng 3 đến 4 tạ. Với giá 100.000 -120.000 đồng/kg hơi, mỗi con trâu bán được trên 30 triệu đồng.

Tuy nhiên, hiện nay, giá trâu giảm mạnh chỉ còn 55.000 - 60.000 đồng/kg hơi. Với mức giá này, nếu người chăn nuôi đầu tư cám thức ăn như trước thì trung bình bán một con trâu lỗ hơn 10 triệu đồng. Sợ chăn nuôi vỗ béo tiếp tục thua lỗ, hơn nửa năm nay ông đã chuyển sang nuôi theo hình thức chăn thả tự do.

Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Tuyên Quang, hiện nay tổng đàn trâu của tỉnh là 88.746 con, giảm gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đàn bò là 9.272 con, tăng 6% so với cùng kỳ. Trước tình hình giá gia súc xuống thấp và khó tiêu thụ, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi gia súc tiếp tục theo dõi thị trường, không nên tăng đàn trong thời điểm này.

Ngành NN-PTNT và chính quyền địa phương tỉnh Tuyên Quang đang tích cực hỗ trợ người nông dân xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi để tăng chất lượng của đàn vật nuôi và kết nối tiêu thụ; thực hiện các thủ tục để được công nhận chỉ dẫn địa lý với sản phẩm thịt trâu Chiêm Hóa.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.