| Hotline: 0983.970.780

Bệnh viêm da nổi cục xuất hiện trở lại

Thứ Năm 24/08/2023 , 09:02 (GMT+7)

ĐBSCL Hiện bệnh viêm da nổi cục đang có dấu hiệu xuất hiện trở lại, người chăn nuôi trâu, bò ở ĐBSCL cần chú ý phòng bệnh tốt cho đàn vật nuôi, tránh chủ quan.

Người chăn nuôi cần cảnh giác bệnh viêm da nổi cục quay lại. Ảnh: Minh Đảm.

Người chăn nuôi cần cảnh giác bệnh viêm da nổi cục quay lại. Ảnh: Minh Đảm.

Sau thời gian dài khống chế tốt dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, gần đây tại ĐBSCL dịch bệnh này đang có dấu hiệu quay trở lại.

Tỉnh Bến Tre là địa phương có đàn gia súc, gia cầm lớn ở ĐBSCL, trong đó đàn bò đạt khoảng 420.000 con.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre, nhìn chung tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi đang được kiểm soát khá tốt. Riêng đối với bệnh viêm da nổi cục, ngành vừa nhận được báo cáo xảy ra một trường hợp bò mắc bệnh tại huyện Thạnh Phú.

Còn tại tỉnh Tiền Giang, trong tháng 7/2023 ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh ghi nhận 1 trường hợp bò bệnh viêm da nổi cục tại xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành với 2 con bò bệnh trên tổng đàn 4 con.

Tính từ ngày 14/12/2022 đến nay, tỉnh Tiền Giang ghi nhận bò bệnh viêm da nổi cục tại 4 hộ thuộc địa bàn 3 huyện với 6 con bò mắc bệnh trên tổng đàn 16 con. Các trường hợp mắc bệnh do chưa được tiêm phòng.

Tất cả các ổ bệnh đều được các các cơ quan chuyên môn phát hiện sớm, tiến hành xử lý nhanh gọn nên không lây lan ra diện rộng.

Tuy nhiên, theo nhận định của ngành chuyên môn thì từ nay đến cuối năm mưa bão nhiều nên nguy cơ phát sinh bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò rất cao.

Hiện nay, để phòng bệnh viêm da nổi cục người chăn nuôi cần chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ, đúng thời hạn cho vật nuôi. Mỗi liều vacxin viêm da nổi cục có thời gian miễn dịch, bảo vệ cho vật nuôi ít nhất 12 tháng.

Trên thị trường có nhiều nhà cung cấp vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục. Tùy vào nhà cung cấp, giá vacxin dao động phổ biến khoảng 35.000 đồng/liều.

Hiện, tổng đàn bò của toàn tỉnh Tiền Giang đạt khoảng 124.000 con. Thời gian này, người chăn nuôi bắt đầu chuẩn bị sẵn sàng cho mùa cao điểm sản xuất thịt và sữa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dự báo sẽ tăng cao trong dịp lễ, tết năm 2024.

Chính quyền địa phương ở Tiền Giang đang phối hợp với ngành thú y huyện, thị xã và thành phố thống kê lại số lượng bò chưa tiêm phòng vacxin và số lượng bò tới hạn định kỳ tiêm phòng để nhắc nhở chủ nuôi nhanh chóng tiêm phòng triệt để, thích hợp nhất là vacxin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ do Công ty Cổ phần Kinh doanh Thuốc thú y Amavet phân phối.

Khuyến cáo người chăn nuôi an toàn sinh học phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Hữu Đức.

Khuyến cáo người chăn nuôi an toàn sinh học phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Hữu Đức.

Đối với chính sách tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục, bà Lê Thị Hồng Nhớ, công tác tại Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang cho biết, do tình hình dịch bệnh ổn định, không phải trong giai đoạn chống dịch nên tỉnh chưa có chính miễn phí vacxin. Người chăn nuôi cần chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi của mình.

Tương tự, ông Trần Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre cho hay, đối với vacxin viêm da nổi cục tỉnh cũng chưa có chính sách miễn phí vacxin bởi không phải trong giai đoạn chống dịch.

Riêng tỉnh Vĩnh Long, để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm năm 2023 tỉnh triển khai tiêm phòng miễn phí 4 vacxin: viêm da nổi cục và lở mồm long mống trên bò, cúm vịt và bệnh dại trên chó. Người dân được miễn phí tiền vacxin và chỉ cần hỗ trợ tiền công cho lực lượng tiêm phòng thú y cơ sở từ 5.000 - 10.000 đồng/liều.

Bên cạnh tiêm phòng vacxin, cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo bà con nông dân cần chú trọng chăm sóc đàn vật nuôi, vệ sinh chuồng trại, giăng mùng chống ruồi muỗi, nhất là thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả nhất.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.